Kỷ băng hà tiếp theo có thể bị trì hoãn hàng chục nghìn năm vì biến đổi khí hậu do con người gây ra
Vì sao chúng ta không cảm nhận được trái đất đang quay? / Đột phá theo Nghị quyết 57: Cầu nối giữa sáng kiến công nghệ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm gián đoạn chu kỳ tự nhiên này, có thể khiến trái đất không còn bước vào một kỷ băng hà mới như dự kiến.
Sự chi phối của độ nghiêng trái đất đến khí hậu toàn cầu
Theo nghiên cứu được công bố trên một tạp chí khoa học quốc tế, có một mối liên hệ đáng kinh ngạc giữa độ nghiêng của Trái Đất và sự hình thành các tảng băng. Giáo sư Stephen Barker, chuyên gia khoa học Trái Đất tại Đại học Cardiff (Anh) và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy kỷ băng hà tiếp theo sẽ bắt đầu trong khoảng 11.000 năm nữa nếu không có tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra”.
Nghiên cứu này dựa trên lý thuyết Milankovitch, do nhà khoa học người Serbia Milutin Milankovitch đề xuất từ những năm 1920. Theo lý thuyết, các yếu tố thiên văn như độ nghiêng trục, tiến động (sự thay đổi hướng trục quay) và hình dạng quỹ đạo của trái đất tác động mạnh mẽ đến các chu kỳ khí hậu của hành tinh.
Trong đó, tiến động là hiện tượng thiên văn khi trục của vật thể quay bị “lắc lư” do mômen lực tác động. Các giai đoạn băng hà trong lịch sử thường kéo dài khoảng 100.000 năm và bị ngăn cách bởi những thời kỳ ấm hơn, được gọi là các thời kỳ gian băng. Hiện nay, trái đất đang trong một thời kỳ gian băng, với đỉnh điểm của kỷ băng hà gần nhất cách đây khoảng 20.000 năm.
Biến đổi khí hậu làm gián đoạn chu kỳ tự nhiên
Nghiên cứu năm 1976 đã xác nhận rằng độ nghiêng trục và tiến động có mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển và suy tàn của các tảng băng. Tuy nhiên, hiện nay các hoạt động của con người đang làm thay đổi sâu sắc hệ thống khí hậu Trái Đất. Lượng khí nhà kính do con người thải ra đang khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao, từ đó ngăn chặn sự hình thành các tảng băng lớn cần thiết để khởi động một kỷ băng hà mới.
Giáo sư Barker cảnh báo: “Nếu không có lượng khí nhà kính do con người tạo ra, trái đất sẽ tiếp tục tuân theo chu kỳ khí hậu tự nhiên và tiến tới một kỷ băng hà mới. Nhưng tình trạng ấm lên toàn cầu đang phá vỡ quy luật này, và điều đó có thể kéo theo những hệ quả không thể lường trước đối với khí hậu tương lai”.
Lợi ích ngắn hạn và rủi ro dài hạn
Việc trì hoãn một kỷ băng hà có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhất định cho nền văn minh nhân loại, nhưng về lâu dài, biến đổi khí hậu vẫn là một thách thức cấp bách. Nhiệt độ trái đất gia tăng đang làm tan băng ở hai cực, gây ra hiện tượng mực nước biển dâng cao và dẫn đến nhiều hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ và sóng nhiệt.
Các nhà khoa học kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các giải pháp bao gồm cắt giảm lượng khí thải carbon, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và áp dụng các chính sách phát triển bền vững nhằm bảo vệ môi trường sống của con người và hệ sinh thái toàn cầu.
Dù kỷ băng hà tiếp theo có thể không xảy ra theo đúng chu kỳ tự nhiên, song nếu nhân loại không có những biện pháp ứng phó hiệu quả, hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ vẫn hiện hữu và ngày càng nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Ảnh minh họa.