Khoa học - Công nghệ

Lan tỏa công trình khoa học trong nông nghiệp: Đề cao cách làm thật, kết quả thật

DNVN - Ngày 13/4, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Vụ Khoa học- Công nghệ và Môi trường, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi. Bộ trưởng đã gợi mở nhiều vấn đề để nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các đơn vị.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Lỡ chuyến tàu chuyển đổi số là thiếu trách nhiệm với tương lai nền nông nghiệp / Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có thêm những “làn gió mới” trong nghiên cứu khoa học nông nghiệp

Phát biểu ý kiến trước Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, hiện có 3 công đoạn chính trong quy trình nghiên cứu khoa học: các Cục, Vụ đặt hàng và giao lại Viện nghiên cứu, nghiệm thu sản phẩm cuối cùng.

Trong suốt quá trình, Bộ NNPTNT có thể kiểm tra, kể cả hậu kiểm đề tài. Tuy nhiên, vướng mắc chính hiện nằm ở hậu mô hình khuyến nông. Hiện chưa có phương án đánh giá hiệu quả của mô hình sau khi hết hỗ trợ dự án. Độ lan tỏa, có tác động đến kinh tế - xã hội cũng chưa được nhìn nhận một cách đúng mức.

Cùng với đó, chất lượng đề tài nghiên cứu khoa học, cũng như các đề xuất đặt hàng đang gặp khó về mặt ý tưởng. Có những đề tài thậm chí quay lại giải quyết vấn đề từ nhiều năm trước, trong khi các phát hiện từ thực tế sản xuất hiện khan hiếm.

Quy trình nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Chung quan điểm với bà Thủy, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương nêu thực tế, là vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và địa phương trong chỉ đạo sản xuất ngày càng quan trọng. Ví dụ, một số điểm sáng nông nghiệp như Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương... đã chủ động trong việc mời nhà khoa học đến khảo sát các khía cạnh của quy trình canh tác, giống, đồng thời phát huy tối đa vai trò người đứng đầu.

"Những doanh nghiệp đầu tàu mới đang là người ứng dụng khoa học công nghệ và chỉ đạo sản xuất quyết liệt nhất. Nếu không có họ, nghiên cứu khoa học rất dễ rơi vào cảnh hết tiền là dừng", ông Dương nói.

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng những công trình, đề tài nghiên cứu của khối viện, trường cần xuất phát và giải quyết vấn đề trong thực tiễn.

Bộ trưởng đặt hai câu hỏi: Tại sao chưa thể lan tỏa nhiều mô hình tốt ra ngoài thực tiễn cuộc sống? Số phận những dự án sau khi hết thời gian rót vốn từ đối tác nước ngoài giờ ra sao?

Đa số ý kiến cho rằng vướng mắc nằm ở nguồn tài chính, cách giải ngân vốn đầu tư. Trong khi đó, những vấn đề gắn chặt với cuộc sống của người dân như nhận thức, cuộc sống, thu nhập... lại hiếm khi được nhắc.

“Cần thay đổi cách tiếp cận vấn đề, dựa trên quan điểm của người nông dân, thay vì trên quan điểm của những nhà khoa học. Câu trả lời cuối cùng, sản phẩm cuối cùng cũng phải thân thuộc với bà con, như con cá dưới ao, bông lúa ngoài đồng. Nếu không như vậy, nào ai muốn tìm hiểu những công trình khoa học”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn trăn trở với những đề tài nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi nào còn bị những câu hỏi đeo bám, người làm nông nghiệp sẽ tìm thấy động lực và không rơi vào trạng thái tự mãn. Câu hỏi "rồi sao nữa" chính là lời gợi mở cho công tác nghiên cứu.

Đó là không thể bằng lòng với những gì đã và đang có, mà cần đẩy vấn đề lên. Chẳng hạn, phối hợp các bên xây dựng một khuyến nghị, hoặc tham mưu chính sách mới. Những giải pháp phía sau mỗi đề tài nghiên cứu thậm chí có thể đưa ra phương án tốt hơn, phát triển thêm đề tài nếu chúng ta thực sự trăn trở và nghĩ đến bà con nông dân nhiều hơn.

Công trình nghiên cứu khoa học cũng là một sản phẩm để tiếp thị. Các đơn vị thay đổi phương án "tiếp thị", tránh đóng khung hành động vào những thông tư, nghị định. Ngoài ra, cần đề cao tính lan tỏa, tư duy mở, cách làm thật, kết quả thật, tích hợp đa giá trị vào một công trình nghiên cứu.

Chúng ta đã nói nhiều đến thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa, giờ có thêm thương mại hóa, công nghệ hóa, và số hóa. Đó sẽ là phương pháp luận của những đề tài nghiên cứu khoa học. Còn người nông dân thực ra rất đơn giản, họ chỉ cần người trả lời cho câu hỏi: "Ai mua trái sầu riêng cho tôi" mà thôi.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm