Khoa học - Công nghệ

Nắm bắt cơ hội vàng của thị trường công nghệ hàng nghìn tỷ USD

DNVN - Trong khuôn khổ Diễn đàn DX Summit 2025 do VINASA tổ chức, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT có nhiều đề xuất để Việt Nam vươn ra biển lớn, nắm bắt cơ hội vàng trong thị trường 1.000 tỷ USD, trở thành trung tâm công nghệ cao của thế giới.

DX Summit 2025 khai mạc ngày 28/5 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế, chuyên gia công nghệ, đại diện các tập đoàn lớn, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp. Sự kiện sẽ diễn ra trong 2 ngày 27-28/5/2025 với chủ đề "Làm chủ công nghệ - Đột phá, Vươn mình", diễn đàn năm nay khẳng định vai trò trung tâm của công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và khu vực.

Chuyển đổi số, khoa học công nghệ là lựa chọn chiến lược

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, nhấn mạnh: “Chưa bao giờ khoa học công nghệ và chuyển đổi số được đặt vào vị trí trung tâm như hiện nay trong chiến lược phát triển quốc gia". Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị như “bà đỡ” cho doanh nghiệp khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới, nơi công nghệ là động lực then chốt.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Việt Nam đang sở hữu những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm cung cấp nhân lực công nghệ chất lượng cao cho thế giới, nhờ lực lượng trẻ giàu nhiệt huyết, số lượng sinh viên CNTT tăng mạnh và các doanh nghiệp đang từng bước khẳng định năng lực trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, ông cũng chỉ rõ thách thức: Việt Nam cần ít nhất 2,5 triệu nhân lực CNTT trong vài năm tới – gấp đôi con số hiện tại.

“Diễn đàn hôm nay không chỉ là nơi chia sẻ, mà là nơi tạo ra những thay đổi chính sách, khơi thông nguồn lực để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, làm ra sản phẩm AI cho người Việt với chất lượng cao, chi phí thấp”, ông Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh.

Để biến cơ hội thành hiện thực, ông Khoa đề xuất Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý.Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay hành động của cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số, cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn.

Về phía xã hội, cần xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam đang nắm trong tay vận mệnh công nghệ của chính mình.

Bằng việc làm chủ công nghệ và tận dụng cơ hội từ cuộc chuyển đổi số toàn diện, các doanh nghiệp công nghệ số không chỉ đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia mà còn có thể ghi danh Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới.

Tổng giám đốc Tập đoàn FPT hy vọng: “Chính phủ ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa những đề xuất đột phá từ doanh nghiệp. Việt Nam đã có nhiều thương hiệu lớn như FPT, Viettel, VNPT, CMC và những kỳ lân như VNG. Trong tương lai, tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam vươn tầm thế giới, đóng góp vào sự thịnh vượng và tự cường của đất nước”.

Tầm nhìn công nghệ Việt Nam trong kỷ nguyên AI

Cũng tại DX Summit 2025 ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT, đã tiếp tục làm rõ con đường chinh phục tương lai công nghệ của Việt Nam: tự chủ công nghệ - tự chủ dữ liệu - tự chủ hạ tầng AI.

Ông Vũ Anh Tú cho rằng Việt Nam đang bước vào giai đoạn bứt tốc, với hơn 54.500 doanh nghiệp công nghệ số và tổng doanh thu ngành đạt hơn 151 tỷ USD năm 2024. "Chúng ta không còn tranh luận về việc có nên chuyển đổi số, mà là chuyển đổi nhanh đến mức nào để không bị bỏ lại phía sau", ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT nhấn mạnh.

Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT.

FPT xác định trí tuệ nhân tạo là trụ cột tăng trưởng trong thập kỷ tới. Với chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ”, FPT phát triển các sản phẩm AI phù hợp với văn hóa và dữ liệu Việt Nam. Đồng thời, tập đoàn cũng đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng AI tại Việt Nam và Nhật Bản, rút ngắn thời gian R&D từ 45 ngày xuống 1 ngày.

Một điểm nổi bật trong chiến lược công nghệ của FPT là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đào tạo thế hệ trẻ, đặc biệt là đào tạo AI. Theo ông Vũ Anh Tú, FPT đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực AI thông qua nhiều hoạt động từ phổ thông đến đại học và doanh nghiệp. Từ năm 2023, AI được giảng dạy tại cấp tiểu học và trung học, kèm theo các cuộc thi lập trình AI quy mô quốc gia và quốc tế. FPT hợp tác với các đại học danh tiếng như Stanford, UPenn, Mila, và các tổ chức như Nvidia để đào tạo chuyên sâu và cấp chứng chỉ AI.

Mô hình lớp học đảo ngược đang được thử nghiệm và sẽ triển khai rộng rãi từ năm học 2025–2026. Hơn 12.000 sinh viên đại học đã được đào tạo AI, trong khi nhân viên FPT bắt buộc phải học ít nhất 42 giờ trong năm, trong đó có ít nhất 1 khoá AI để nâng cao chất lượng công việc. FPT cùng các trường đại học lớn thành lập liên minh triển khai nghị quyết 57, nhằm xây dựng lực lượng sinh viên có kiến thức, kỹ năng cần thiết trong hành chính công, quản trị công... giúp các em có đủ năng lực để tham gia vào đội ngũ thực thi NQ57/NQ-TW.

Khẳng định vai trò của AI trong giáo dục, Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT kết luận: “Chúng tôi hy vọng rằng với những nỗ lực trên, mọi học sinh, sinh viên, mọi nhân viên, và mọi công dân Việt Nam đều có thể sử dụng AI một cách hiệu quả và an toàn”.

Tham gia Diễn đàn DX Summit 2025, FPT khẳng định vai trò tiên phong của doanh nghiệp trong kiến tạo tương lai số của Việt Nam. Đồng hành cùng chính phủ và cộng đồng công nghệ, FPT cam kết phát triển nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ chiến lược. Đây là bước đi cụ thể để hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số hàng đầu khu vực.

Vân Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo