Khoa học - Công nghệ

Nền tảng tiên phong gây quỹ xã hội từ đơn hàng online

DNVN - WeShare ra đời với mong muốn biến đổi một phần tiêu dùng hằng ngày của mỗi người để tạo thành một nguồn quỹ xã hội bền vững.

GenZ chế tạo mắt kính thông minh giúp người khiếm thị "tìm lại" ánh sáng / Giải pháp hạn chế xuất toán bảo hiểm y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh

Nhóm tác giả của dự án WeShare gồm 4 thành viên: Trương Quốc Đạt - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Nguyễn Lê Phương Uyên - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Phạm Minh Thảo - Trường Đại học Quốc tế và Trần Lê Diệp Anh - Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.

Đội ngũ những người trẻ nhiệt huyết phát triển nền tảng WeShare.

Đội ngũ những người trẻ nhiệt huyết phát triển nền tảng WeShare.

Chia sẻ về động lực thành lập WeShare, Trương Quốc Đạt cho biết: “2020 là năm chứng kiến trận bão lũ lịch sử ở miền Trung, cũng là năm đầu tiên của đại dịch COVID-19 ở Việt Nam, các vấn đề xã hội lại càng trở nên tồi tệ hơn. Các nhóm yếu thế trong xã hội càng dễ bị tổn thương hơn, điều đó làm cho mình càng nung nấu quyết tâm phải làm gì đó để thay đổi cuộc sống của họ, cũng như giải quyết nhiều các vấn đề xã hội khác”.

Ý tưởng về WeShare nhen nhóm từ tháng 6/2020 khi Quốc Đạt sử dụng ứng dụng hoàn tiền từ mua sắm online và nhận thấy quá trình hoàn tiền của những ứng dụng trên khá phức tạp. Vậy nhưng số tiền nhận về lại không nhiều và chưa có mục đích sử dụng phù hợp. Cậu đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng tổng hợp số tiền được hoàn lại đó từ hàng ngàn người mỗi tháng nhằm tạo nên một nguồn quỹ bền vững cho các hoạt động xã hội. “Ngay lập tức, mình chia sẻ ý tưởng này với những người bạn làm trong lĩnh vực công nghệ nhằm nghiên cứu tâm lý người dùng xem họ có cùng vấn đề như mình hay không, nghiên cứu thị trường xem có đủ lớn hay không, nghiên cứu các ứng dụng hoàn tiền xem mình có thể làm như thế nào và khác biệt ra sao, nghiên cứu về các mô hình tương tự trên thế giới để có những bài học. Khi đã xác định đây là một mô hình có thể thành công và mang lại giá trị cho xã hội, nhóm mình thành lập WeShare - một nền tảng gây quỹ xã hội từ các tiêu dùng hàng ngày của mọi người”, Quốc Đạt cho biết.

Ở Việt Nam, nhiều vấn đề xã hội cần được quan tâm hơn như đói nghèo, giáo dục, môi trường... Theo thống kê của SO Worldwide, hơn 2 triệu trẻ em hiện đang khó khăn, và hơn 500,000 trẻ mồ côi đang rất cần sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, 4.8% dân số Việt Nam vẫn đang sống trong cảnh đói nghèo.

Để giải quyết những vấn đề trên, hơn 500 tổ chức xã hội trên khắp cả nước đã và đang tìm kiếm những nguồn quỹ và phương thức gây quỹ khác nhau. Tuy nhiên, những tổ chức này đang gặp nhiều khó khăn khi những phương thức gây quỹ cũ không cho phép các cá nhân, doanh nghiệp quyên góp thường xuyên.

 

Cách thức vận hành của WeShare dựa trên mô hình tiếp thị liên kết.

Cách thức vận hành của WeShare dựa trên mô hình tiếp thị liên kết.

WeShare áp dụng mô hình tiếp thị liên kết, với mỗi đơn hàng giao dịch thành công, các đối tác sẽ trả hoa hồng cho WeShare sau đó nền tảng này sẽ đại diện người dùng quyên góp đến tổ chức xã hội mà người dùng đã lựa chọn từ trước. Các bước thực hiện rất đơn giản, người dùng chỉ cần tải ứng dụng WeShare hoặc truy cập trang web weshare.asia, đăng nhập rồi chọn một tổ chức mà mình muốn quyên góp. Sau đó, mở các sàn thương mại điện tử, trang đặt phòng, đặt vé… từ WeShare rồi mua sắm như bình thường. Quyên góp từ các đơn hàng sẽ được ghi nhận và thông báo tự động đến người dùng khi đơn hàng được nhãn hàng xác nhận.

Ngay từ những ngày đầu, WeShare hoạt động trên tinh thần công khai và minh bạch. Nền tảng này luôn công khai tỷ lệ quyên góp với mỗi đơn hàng, ngành hàng, đối tác để người dùng nắm rõ. Số tiền quyên góp từ mỗi đơn hàng sẽ được cập nhật tự động, chính xác. Bên cạnh đó, các quyên góp cho mỗi tổ chức cũng được công khai để toàn bộ người dùng, tổ chức, có thể giám sát. Sau mỗi lần chuyển tiền đến các tổ chức, WeShare cập nhật giấy tờ, biên nhận, chứng nhận lên ứng dụng để mọi người có thể theo dõi. Cuối cùng, những tổ chức mà WeShare hiện đang hỗ trợ đều có pháp danh, chức năng, chuyên môn trong hoạt động xã hội.

 

Về mô hình, WeShare khá tương đồng với Cashbag, Shopback, nhưng thay vì tích luỹ số tiền cho bản thân, thì mọi người có thể quyên góp cho các tổ chức xã hội. Hiện nay, đã có 5 tổ chức cùng hợp tác gây quỹ trên WeShare: Green Vietnam Fund, Làng trẻ em SOS Việt Nam, Joy Foundation, Vietseeds Foundation và Saigon Children's Charity.

Những con số "biết nói”, ghi nhận thành tựu mà WeShare đã đạt được.

Những con số "biết nói”, ghi nhận thành tựu mà WeShare đã đạt được.

Tính đến tháng 9/2021, WeShare đã tích lũy thành công 5.000 lượt quyên góp thông qua các đơn hàng. Không dừng lại ở đó, Ban Điều hành nền tảng này tiếp tục lên kế hoạch mở rộng đội ngũ nhân sự; phát triển hệ thống đối tác, đa dạng hơn, để người dùng có thể tham gia quyên góp được nhiều hơn. Đồng thời, WeShare sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch thu hút thêm người dùng nhằm tạo ra tác động lớn, hỗ trợ các mục tiêu xã hội.

 

Dự án được đánh giá là có tiềm năng phát triển mạnh mẽ, từng bước trở thành nền tảng tiên phong kết nối kinh doanh của nhiều mảng phân phối, lợi nhuận mang về chia sẻ cho cộng đồng những người khó khăn, hoặc tạo mảng quảng cáo phát triển cho các dự án khởi nghiệp hỗ trợ họ phát triển mạng lưới.

Hiện Dự án WeShare - Nền tảng gây quỹ từ các đơn hàng online - đang tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh” năm 2022 do Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST 2022 cùng Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.

Minh Khuê
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo