Khoa học - Công nghệ

Những chiến binh robot “made in Vietnam” trong cuộc chiến chống COVID-19

DNVN - Trong cuộc chiến chống COVID-19, các tổ chức, nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu và xây dựng nên những sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ các y, bác sỹ và nhân dân cả nước phòng, chống dịch bệnh.

Hệ thống robot y tế Made in Vietnam phục vụ trong khu cách ly bệnh nhân Covid-19 / Cần Thơ: Thử nghiệm robot phun thuốc và vận chuyển đồ đạc trong khu cách ly

Những "chiến binh robot" này đều là sản phẩm "made in Vietnam", thực sự mang lại niềm tự hào về tinh thần học hỏi, nghiên cứu, chế tạo cũng như "chạy đua với thời gian" để cho ra sản phẩm hữu dụng, ứng phó với tình thế chống dịch bệnh cấp bách. Những thành công đó đã góp phần vào việc chống đại dịch, đồng thời khẳng định trình độ chuyên môn cao của đội ngũ nhà khoa học của Việt Nam.

Robot y tế xông pha ở các tâm dịch

Những ngày vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, robot đã được đưa vào khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến số 7 do Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) phụ trách. Sau khi đưa robot y tế vận chuyển (Vibot)vào TP Hồ Chí Minh, tổ công tác của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã thiết lập cơ sở hạ tầng để robot hoạt động và bắt đầu vận hành robot hỗ trợ quá trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.
d

Robot y tế VIBOTđã được đưa vào khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh.

Robot y tế đã trở thành những nhân viên y tế cần mẫn, dũng cảm xông pha trong các khu cách ly, khu điều trị tích cực của các bệnh viện dã chiến, góp phần giảm tải sức lực cho lực lượng y tế tuyến đầu, trong việc điều trị bệnh nhận COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông Khoa học và Công nghệ, hệ thống robot y tế vận chuyển Vibot được thiết kế theo triết lý một nền tảng - đa mục đích (One Platform - Multi Purpose) cho phép thay thế con người để vận chuyển đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ ngoài khu vực cách ly vào trong khu vực cách ly, đến từng phòng để phục vụ người bệnh. Ở chiều ngược lại, robot vận chuyển rác thải, đồ dùng bẩn từ các buồng bệnh ra vị trí tập kết ở bên ngoài khu vực cách ly.
Ngoài chức năng vận chuyển, robot còn có đường truyền thông tin giao tiếp riêng với Trung tâm giám sát, điều khiển. Với chức năng này, người bên ngoài khu vực cách ly (y, bác sỹ, người thân) có thể giao tiếp (thăm bệnh, tư vấn, động viên,…) từ xa với bệnh nhân bên trong khu vực cách ly bằng hình ảnh, âm thanh chất lượng cao.
Như vậy, hệ thống robot Vibot giúp cho nhân viên y tế không cần vào trong khu vực cách ly, không phải tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân COVID-19, hạn chế được nguy cơ lây nhiễm chéo virus từ người bệnh.
Hồi tháng 5/2021, Vibot bắt đầu hoạt động hỗ trợ các bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam), bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội). Sau đó vào tháng 6/2021 tại tâm dịch Bắc Giang, robot y tế cũng được điều động hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Robot y tế là sản phẩm khoa học công nghệ cao, tương đương các sản phẩm quốc tế, do các nhà khoa học Việt Nam tự chủ nghiên cứu, sáng tạo trong thời gian rất ngắn và đã đưa vào ứng dụng hiệu quả trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19.
Nhiều địa phương đưa “Robot Call” phòng, chống dịch
Hệ thống “Robot Call” đã được nhiều tỉnh thành đưa vào phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Robot Call hoạt động như những nhân viên y tế thực thụ thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Hằng ngày, Robot Call sẽ tự động gọi điện tới người dân trong vùng dịch, vùng cách ly hoặc các đối tượng F1, F2 để khảo sát, thu thập và cập nhật một cách nhanh chóng về tình hình sức khỏe, dấu hiệu dịch bệnh.
d

Robot Call được đưa vào sử dụng tại Nghệ An.

Đặc biệt với những người khai báo chưa rõ ràng, sẽ được Robot Call gọi lại để cập nhật thông tin, từ đó tạo báo cáo về danh sách các đối tượng có biểu hiện để gửi CDC tỉnh. Các thông tin được tổng hợp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch có phương án phối hợp xử lý, khoanh vùng và khảo sát chi tiết.
Tất cả quá trình đều được thực hiện hoàn toàn tự động và sử dụng công nghệ AI với khả năng thực hiện và xử lý hàng trăm nghìn cuộc gọi mỗi ngày, nhờ đó việc khoanh vùng và truy vết người nghi là F0, F1, F2... trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đến nay, các tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội và Nghệ An và Bình Thuận đã triển khai hệ thống “Robot Call” trong công tác tuyên truyền, phòng chống COVID-19.
Robot khử khuẩn tại khu vực cách ly
Góp sức cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Nhóm nghiên cứu Robotics của Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU) và nhiều nhóm tác giả khác trong cả nước đã nghiên cứu, chế tạo thành công và đưa vào sử dụng robot để phục vụ khử khuẩn trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chế tạo robot có khả năng tự động diệt khuẩn không chỉ nhằm bảo vệ đội ngũ cán bộ y tế; giúp họ tránh hoặc giảm thiểu đến mức tốt nhất (có thể) việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường truyền nhiễm; mà còn giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong công tác diệt khuẩn tại các môi trường nhiều khả năng truyền nhiễm như khu cách li và bệnh viện điều trị người nhiễm khuẩn.
f

Nhóm nghiên cứu Robotics của Đại học Tôn Đức Thắng và nhiều nhóm tác giả đã nghiên cứu, chế tạo thành công và đưa vào sử dụng robot để phục vụ khử khuẩn trong phòng, chống dịch COVID-19.

Robot khử khuẩn CD 1.0 (Covid Defender 1.0) được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội. Robot được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000m) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly người có khả năng nhiễm, phòng điều trị virus Corona của bệnh viện.
Trong khi đó, robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) được tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV đã phổ biến tại Châu Âu và công nghệ xe robot tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU. Robot sử dụng công nghệ xe tự hành được nghiên cứu và phát triển tại TDTU, nên có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc và lặp lại hành trình. Robot có tải trọng 50kg nên có thể được phát triển thành robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân …từ khoảng cách xa vào đến tận hiện trường.
Hoàng Lan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm