Khoa học - Công nghệ

Số lượng nhà cung cấp tại Việt Nam cho Samsung đã tăng hơn 400%

DNVN - Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến cuối năm 2022, số lượng nhà cung cấp tại Việt Nam cho Samsung đã tăng hơn 400%, lên thành 257 nhà cung cấp (thời điểm năm 2016 chỉ có 63 nhà cung cấp).

Tìm lời giải cho bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ / Cần hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động chuyển giao, làm chủ và hấp thụ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam năm 2023 đã đạt được một số kết quả rất đáng ghi nhận. Từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Trong đó, một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh - quốc phòng. Nhiều chính sách được ban hành hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất kinh doanh.

Điển hình là tính đến cuối năm 2022, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam cho Samsung đã tăng hơn 400%, lên thành 257 nhà cung cấp (thời điểm năm 2016 chỉ có 63 nhà cung cấp). Hiện nay, Việt Nam đã lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hoá đến 40%.

Các nhà cung cấp tại Việt Nam đã tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của Samsung.

Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ. Nhất là công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên tại địa phương.

Theo số liệu các địa phương báo cáo, năm 2023, các công nghệ được chuyển giao tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp, với khoảng 25 công nghệ mới, công nghệ tiên tiến. Tổng kinh phí đầu tư trên 41,7 tỷ đồng.

Cụ thể, có 37 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ; 67 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng. Đáng chú ý, tỉnh Sơn La và tỉnh Nghệ An đã ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ. Nâng giá trị sản xuất bình quân tăng 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã kết nối thành công các doanh nghiệp của địa phương và các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu. Đó là những kết nối về cung cầu công nghệ, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Năm 2023, các công nghệ được chuyển giao tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đến nay, cả nước đã có trên 40 địa phương tiến hành nghiên cứu, lập kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn. Trong đó, tỉnh Sơn La đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Các tỉnh, thành phố như Gia Lai, Đồng Nai, Hải Phòng đã phối hợp với đoàn khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các đoàn khảo sát doanh nghiệp. Trực tiếp nắm bắt thực trạng và nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn, xác định được trên 20 nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ cụ thể của doanh nghiệp.

Về phát triển thị trường, doanh nghiệp khoa học công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có 19 trung tâm giao dịch công nghệ, 20 trung tâm xúc tiến và hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ. Cùng với đó là 75 trung tâm hỗ trợ đổi mới sáng tạo và 119 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ trong cả nước. Các trung tâm này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hoá các sản phẩm khoa học công nghệ và phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Năm 2023, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp tục được các địa phương quan tâm với 31 văn bản liên quan được ban hành. Nhiều hoạt động khởi nghiệp được tổ chức đạt chất lượng cao, thu hút được sự quan tâm lớn của xã hội. Một số địa phương điển hình cho hoạt động này bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Phòng, Nam Định.

Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 9/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Diễn đàn Quỹ đầu tư Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, số lượng quỹ và giá trị cam kết đầu tư vào khoa học, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam không ngừng tăng cao. Đến nay, đã có 39 quỹ với 1,5 tỷ USD (tăng 21 quỹ so với năm 2019).

Cùng với đó là hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư, nhà đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, trên 140 trường đại học, cao đẳng hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nghiệp tập đoàn lớn bắt đầu tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp với vai trò là nhà đầu tư tài chính, chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn và giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm