Thắp lửa đam mê nghiên cứu và chế tạo thiết bị thiên văn
Bình Định: Nâng tầm trung tâm ICISE thành đầu mối hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo / ICISE hợp tác với NIC phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Ngày 14/7, Trường hè SAGI 2025 (3S25) chính thức khai mạc tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, phường Quy Nhơn Nam, tỉnh Gia Lai). Sự kiện do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp Trung tâm ICISE tổ chức, quy tụ gần 40 nhà khoa học, kỹ sư, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ 5 quốc gia, diễn ra trong hai tuần.
Các nhà khoa học, nghiên cứu sinh về dự Trường hè SAGI 2025.
Nếu như hai năm đầu tiên tập trung vào thiên văn học quan sát, thì năm nay, Trường hè SAGI chuyển trọng tâm sang lĩnh vực thực hành phát triển thiết bị ứng dụng trong vật lý thiên văn. Đây là lĩnh vực liên ngành đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật, tư duy phân tích và khả năng tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chương trình đào tạo được thiết kế chặt chẽ, bao gồm các chuyên đề chuyên sâu về quang học, điện tử, kỹ thuật đo lường và điều khiển thiết bị khoa học. Học viên còn được trực tiếp thực hành các nội dung như lập trình điều khiển bằng Python, phát hiện tia vũ trụ và kỹ thuật thiên văn vô tuyến cơ bản.
Mỗi ngày trường hè sẽ dạy lý thuyết vào buổi sáng và thực hành tại phòng thí nghiệm vào buổi chiều. Các chuyên đề gồm xử lý tín hiệu, hệ thống ảnh, biến đổi Fourier, cho đến thực nghiệm trên thiết bị điện tử, hệ thống thu phát sóng vô tuyến và phát hiện hạt vũ trụ.
Đặc biệt, trong tuần thứ hai, học viên sẽ tham gia 12 phiên “phòng thí nghiệm dự án” (Project Lab), làm việc theo nhóm để phát triển dự án tích hợp và trình bày kết quả tại lễ bế mạc. Đây là dịp để người học vận dụng toàn diện kiến thức, phát triển năng lực hợp tác, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện – những kỹ năng thiết yếu của nhà khoa học hiện đại.
Chất lượng chuyên môn của trường hè được bảo chứng bởi đội ngũ giảng viên quốc tế đến từ các trung tâm nghiên cứu và đại học hàng đầu thế giới như NASA/JPL (Mỹ), Caltech, Đại học Stanford, Đại học California – Berkeley, CEA Saclay (Pháp), Đại học Kỹ thuật Séc, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Việt Đức... Trong số này, có nhiều nhà khoa học gốc Việt có uy tín như TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA/JPL), TS Nguyễn Lương Quang (CEA Saclay), TS Hàn Huy Dũng, TS Cao Văn Sơn...
Theo TS Trần Thanh Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, Trường hè SAGI không chỉ là một khóa đào tạo ngắn hạn, mà còn là môi trường học thuật khơi gợi cảm hứng và phát triển toàn diện cho người trẻ. Qua mỗi năm, trường hè đều góp phần hình thành cộng đồng học thuật liên kết chặt chẽ, thúc đẩy đam mê nghiên cứu, chế tạo và sáng tạo khoa học công nghệ.
Một buổi nói chuyện về thiên văn học và giới thiệu kính thiên văn.
“Đây cũng là một phần trong chiến lược dài hạn của nhóm nghiên cứu SAGI (thuộc Viện IFIRSE, Trung tâm ICISE), nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vật lý thiên văn Việt Nam – một lĩnh vực đang được đánh giá là tiềm năng trong thời đại chinh phục không gian và đổi mới sáng tạo”, TS Trần Thanh Sơn chia sẻ.
Được thành lập năm 2022, tại Quy Nhơn, Bình Định (nay là tỉnh Gia Lai) với sự tài trợ của Quỹ Simons (Mỹ) và dẫn dắt bởi các nhà khoa học uy tín, nhóm SAGI đang dần trở thành một hạt nhân kết nối khoa học liên ngành, tạo sân chơi nghiên cứu nghiêm túc cho giới trẻ Việt Nam. Thông qua các hoạt động như trường hè, hội thảo khoa học, hợp tác quốc tế, nhóm kỳ vọng sẽ xây dựng một cộng đồng thiên văn học vững mạnh, hội nhập quốc tế và có đóng góp thiết thực vào sự phát triển khoa học vũ trụ của đất nước trong tương lai. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo