Khoa học - Công nghệ

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Không thể thiếu công nghệ nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta trong phòng chống COVID-19 sẽ không bao giờ uổng phí. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cần phải có sự bắt buộc và triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Việt Nam đã ký kết 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19 / Cuộc đua phát triển thuốc chữa COVID-19: Biến đại dịch thành bệnh có thể điều trị ở nhà?

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiến dịch tiêm vaccine đã được phát động triển khai đồng loạt tại các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc từ ngày 10/7. Mục tiêu chiến dịch là tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine trong năm 2021, trên 70% dân số được tiêm vaccine đến hết quý I/2022.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay trên toàn quốc. Tuy nhiên, kết quả triển khai việc ứng dụng công nghệ vào tiêm chủng vaccine vẫn chưa được như kỳ vọng.

Tại Hội nghị trực tuyến phổ biến kinh nghiệm triển khai các nền tảng công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, bà Võ Thị Trung Trinh- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) TP Hồ Chí Minh cho biết, với việc ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia trong đợt 5 chiến dịch tiêm chủng của thành phố, sau hơn 10 ngày, đã tiêm được cho 930.239 người, gồm 114.101 người trên 65 tuổi, có bệnh nền; và 806.228 người thuộc đối tượng ưu tiên khác.

Công nghệ chắc chắn sẽ là công cụ không thể thiếu nếu như chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.

Công nghệ chắc chắn sẽ là công cụ không thể thiếu nếu như chúng ta muốn chống dịch hiệu quả.

Đặc biệt, đã có 643.330 mũi tiêm được cập nhật vào hệ thống. “Trong đợt 5, công tác tiêm chủng tăng tốc rất nhanh, thời gian đầu chỉ có vài nghìn mũi tiêm/ngày thì đến cuối đợt đã đạt trên 100.000 mũi tiêm/ngày”, bà Trinh chia sẻ.

Tuy nhiên, một trong những việc quan trọng khi ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng theo đại diện của Sở TT-TT đó là cần phải thống nhất các phương án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý các tình huống phát sinh từ thực tiễn địa phương; đưa ra yêu cầu và và giải pháp xử lý để đơn vị phát triển hoàn thiện phần mềm.

Bên cạnh đó, cần cử nhân sự hỗ trợ địa phương chuẩn hóa dữ liệu đăng ký tiêm, sử dụng phần mềm, nhập kết quả tiêm hàng ngày, cũng như làm việc với lãnh đạo các quận, huyện để tháo gỡ vướng mắc.

Với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương đang được ưu tiên trong việc tiêm chủng vaccine. Để hướng tới mục tiêu 70% người dân TP Hồ Chí Minh được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đại diện Sở TT-TT thành phố cho biết, Sở sẽ lập danh sách tiêm trên Cổng tiêm chủng quốc gia và ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”, sử dụng dữ liệu dịch bệnh để tham mưu cho thành phố các điểm “nóng”, đối tượng cần phải triển khai tiêm chủng nhanh.

Ông Đỗ Công Anh- Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tin học hóa, Bộ TT-TT cho rằng, thực tế ứng dụng công nghệ trong công tác tiêm chủng ở TP Hồ Chí Minh là những kinh nghiệm quý để triển khai rộng trên toàn quốc. Từ thực tiễn triển khai, ông Anh phân tích, việc chúng ta chậm trễ ứng dụng công nghệ sẽ làm số liệu không được trọn vẹn, sẽ không quản lý được ai đã tiêm mũi 1 để mời đi tiêm mũi 2 và cũng sẽ không biết được ai đã tiêm hay chưa.

Chính vì vậy, việc tuyên truyền người dân tham gia đăng ký tiêm chủng trên Cổng tiêm chủng quốc gia (tiemchungcovid19.gov.vn ) hoặc qua ứng dụng di động “Sổ sức khỏe điện tử” là vô cùng cần thiết ở giai đoạn này. Việc gập huấn, huấn luyện các cán bộ, đơn vị liên quan sử dụng công nghệ cũng như việc bố trí hạ tầng, kết nối internet cho các điểm tiêm kể cả các điểm tiêm lưu động cũng cần được tập trung triển khai một cách nghiêm túc, triệt để để có được kết quả tốt nhất trong việc ứng dụng công nghệ trong tiêm chủng vaccine COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng, với sức lây lan nhanh của chủng Delta, chắc chắn công nghệ là công cụ không thể thiếu nếu chúng ta muốn chống dịch hiệu quả. Tuy nhiên, công nghệ không bao giờ là lời giải duy nhất. Công nghệ phải kết hợp với các biện pháp quản lý hành chính, biện pháp nghiệp vụ khác mới trở thành một giải pháp trọn vẹn. Từ đó, công nghệ phải có sự bắt buộc và triển khai thống nhất trên toàn quốc.

"Những nỗ lực triển khai công nghệ của chúng ta sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúng ta hãy mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong việc dùng công nghệ để phòng, chống dịch bệnh. Sau khi dịch bệnh qua đi, kỹ năng số và dữ liệu số sẽ vẫn còn đó, để chúng ta thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vì một tương lai tốt đẹp hơn," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng khẳng định.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm