Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khoa học và Công nghệ dẫn dắt quốc gia phát triển đột phá
KHCN và đổi mới sáng tạo – “Bệ phóng mới” cho phát triển KTXH toàn diện và bền vững / KHCN và đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng, kiến tạo tương lai
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, "quốc gia nào muốn phát triển đột phá cũng phải có KH&CN đóng vai trò dẫn dắt, đột phá".
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian vừa qua, KH&CN từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Khoa học công nghệ ứng dụng thể hiện qua trình độ công nghệ có những bước tiến rõ nét. Chỉ số đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011-2015 lên 45,2% giai đoạn 2016-2020 (vượt mục tiêu 35%).
Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam bắt đầu được hình thành và phát triển. Nguồn lực tài chính từ xã hội cho KH&CN tăng mạnh, nếu 10 năm trước chủ yếu dựa vào ngân sách (chiếm 70 đến 80%) thì nay đầu tư từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng 52% và 48%.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia thành công và thực tiễn nước ta, trong giai đoạn tới, để KH&CN và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu 6 phương hướng trọng tâm: Hoàn thiện thể chế; tăng cường đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo; phát triển thị trường KH&CN và đổi mới sáng tạo; tập trung cho đổi mới công nghệ; chú trọng phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại cuộc làm việc.
Cùng với đó, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng đề xuất nhiều nội dung với mục tiêu là hoàn thiện hệ thống pháp luật về cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo, trong đó có pháp luật về đầu tư, đầu tư công, ngân sách Nhà nước, về tài sản công và các văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN, về chính sách thuế….
Bộ trưởng kiến nghị, phải đổi mới thực sự cơ chế, phương thức quản lý các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học. Xây dựng cơ chế Bộ KH&CN chịu trách nhiệm về chất lượng nghiên cứu để tháo gỡ vướng mắc quy trình, thủ tục liên quan đến các đề tài, nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước theo hướng chấp nhận nguyên tắc rủi ro trong khoa học, tin các nhà khoa học thay vì quản lý theo hướng chống thất thoát. Công khai, minh bạch tất cả các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu để chính các nhà khoa học và cộng đồng giám sát.
Về một số đề xuất, kiến nghị cụ thể, Bộ trưởng kiến nghị quan tâm xem xét, phân bổ nguồn vốn sự nghiệp KH&CN, vốn đầu tư phát triển KH&CN trong năm 2020 và các năm tiếp theo để có đầy đủ nguồn lực triển khai thực hiện hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; bổ sung cấp vốn điều lệ (2.000 tỷ đồng) cho Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025…
Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho đổi mới công nghệ, Bộ KH&CN đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKH&CNBTC hướng dẫn nội dung chi và quản lý Quỹ…
Cũng tại cuộc họp, các ý kiến phát biểu đều chỉ ra rằng, thành tựu của tất cả các ngành trong thời gian qua đều có dấu ấn của KH&CN. Nêu nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách và hướng giải quyết, các đại biểu nhấn mạnh, con đường ngắn nhất để tăng đầu tư cho KH&CN là khơi thông nguồn lực của xã hội, của doanh nghiệp, nhưng quy định hiện hành còn vướng mắc, như quy định về việc chi Quỹ phát triển KH&CN đầu tư cho đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ sửa đổi các quy định này, biến tiềm năng thành động năng thực sự.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ KH&CN và những “lo toan, trăn trở, băn khoăn” của các đại biểu về đánh giá kết quả, thành tựu và hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, phương hướng và nhiệm vụ chính trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KH&CN, “nơi nào cũng cần, giai đoạn nào cũng cần”, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng nêu rõ, quốc gia nào muốn phát triển đột phá cũng phải có KH&CN đóng vai trò dẫn dắt, đột phá.
Thủ tướng cũng cho rằng, muốn KH&CN phát triển, KH&CN là động lực thực sự của sự phát triển, thì lãnh đạo các cấp phải quan tâm, đề ra mục tiêu, xây dựng cơ chế, phương hướng để tổ chức thực hiện. Ở thời điểm nào, Đảng ta cũng xác định tầm quan trọng của KH&CN và nay KH&CN được xác định là quốc sách hàng đầu.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng khẳng định Bộ KH&CN phải đóng vai trò trung tâm điều phối, kết nối phát triển KH&CN của các bộ, ngành, địa phương và truyền cảm hứng cho các nhà khoa học. Đồng ý với những kiến nghị cụ thể của Bộ, nhưng Thủ tướng lưu ý, điều đáng làm hơn là thiết kế thể chế, cơ chế, chính sách để hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cả xã hội cùng vào cuộc để thúc đẩy KH&CN tiếp tục phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo