Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển ngành hàng cá tra bền vững
Khoa học công nghệ là chìa khóa đưa cá tra "vươn ra biển lớn" / Tháo gỡ "điểm nghẽn" để Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học công nghệ
Ngày 5/10, tại TP Cần Thơ, Cục Thủy sản phối hợp Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Hiệp hội cá tra Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hợp tác công tư trong chế biến thủy sản - kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải chuỗi cá tra Việt Nam”.
Hội thảo nhằm đánh giá thời cơ, thách thức, định hướng phát triển, bàn giải pháp khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội, lợi thế để thúc đẩy phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, nhấn mạnh vai trò kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải trong chuỗi cá tra Việt Nam.
Ngành hàng cá tra đã và đang là một trong những ngành hàng chủ lực của thủy sản. Với diện tích nuôi khoảng 6 ngàn hecta, năng suất hơn 1,5 triệu tấn/ năm, sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt trên 140 thị trường thế giới. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt khoảng 2,44 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, thời gian qua, chất lượng cá tra nuôi và hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm được thị trường quốc tế đánh giá rất tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, ngành cá tra vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường cũng như mối liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, theo định hướng ngành chế biến thủy sản và đề án bảo vệ môi trường ngành thủy sản giai đoạn 2021 – 2030 xác định, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu ngành thủy sản cần hướng tới, đó là “ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản”.
Theo đó, nhóm Đối tác công tư về thủy sản được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập từ năm 2020. Năm 2022, Cục Thủy sản ban hành Quyết định phê duyệt thành lập 6 tiểu nhóm, trong đó, có ngành cá tra.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... trình bày các giải pháp xử lý nước thải, giảm phát thải trong chuỗi sản xuất chế biến ngành hàng cá tra.
Nhóm công tác Đối tác công tư thủy sản là quan hệ đối tác dựa trên cơ sở tự nguyện, bền vững giữa khối tư nhân tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ trong chuỗi sản phẩm thủy sản và khối công (Nhà nước) bao gồm các cơ quan tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp của Nhà nước liên quan.
Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh, để phát triển bền vững cá tra theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thì hợp tác công – tư là một cách tiếp cận tốt, có khả năng kết nối một cách bình đẳng, phù hợp với năng lực và nhu cầu của các bên, từ cơ quan quản lý trung ương, địa phương đến các doanh nghiệp (DN) liên quan trong chuỗi, kết nối được cả các nhà khoa học cùng tham gia công tác nghiên cứu, phát triển.
Ông Luân mong muốn, thông qua hội thảo và các hoạt động khác, ngành hàng cá tra nhận được sự quan tâm nhiều hơn, tăng cường đầu tư cả về chất và lượng của các bên liên quan, các cơ quan nhà nước đến các hiệp hội, DN, các nhà nghiên cứu … cùng đánh giá hiện trạng, thách thức ngành hàng đang gặp phải; phân tích điểm mạnh, điểm yếu khi ngành hàng cá tra định hướng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Từ đó, làm cơ sở đề ra các giải pháp công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong chuỗi, giúp ngành hàng cá tra phát triển bền vững.
Thông qua các báo cáo tham luận, ý kiến trình bày tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các DN… đã cùng nhau thông tin, trao đổi về hiện trạng, thách thức ngành hàng cá tra; các kết quả nghiên cứu khoa học; kinh nghiệm và giải pháp công nghệ trong quản lý chất thải, xử lý nước thải, giảm phát thải; ứng dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn; cơ chế hợp tác công tư trong chuỗi cá tra hướng đến mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
OpenAI mất lợi thế độc nhất trên 365 Copilot sau quyết định của Microsoft
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian