Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh dẫn dắt thị trường khoa học công nghệ
DNVN - Trên thị trường khoa học công nghệ hiện nay, Việt Nam có hơn 800 tổ chức trung gian nhưng chưa đủ mạnh, đủ chuyên nghiệp để thực hiện sứ mệnh kết nối, hỗ trợ bên cung, bên cầu trong quá trình giao dịch hàng hóa KH&CN. Do đó, cần thiết phải định vị các tổ chức trung gian có tính dẫn dắt để bảo đảm các giao dịch thành công.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời / Chưa sẵn sàng áp dụng AI, doanh nghiệp đối mặt nguy cơ tụt hậu
Tổ chức trung gian chưa đủ mạnh
Đối với thị trường công nghệ, tổ chức trung gian đóng vai trò liên kết quan trọng giữa nhà phát triển công nghệ, người dùng và doanh nghiệp. Tổ chức trung fian giúp thu hẹp khoảng cách giữa các bên và tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2023 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, sự nỗ lực của bên cung trong việc đưa hàng hóa KH&CN tới bên cầu và việc cố gắng tìm kiếm, lựa chọn của bên cầu về tiếp nhận, ứng dụng hàng hóa KH&CN thích hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh là những hoạt động thiết yếu. Tuy vậy, điều này là chưa đủ để mang lại giá trị gia tăng cao.
Lý do là bởi hàng hóa KH&CN có tính phức tạp, đặc thù và điều này dẫn tới sự hình thành, phát triển các tổ chức trung gian đủ mạnh của thị trường KH&CN để hỗ trợ thương mại hóa, kết nối cung - cầu.
Hiện Việt Nam có hơn 800 tổ chức trung gian, trong đó Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng năng lực 240 tổ chức, ưu tiên các tổ chức gắn với ngành xuất khẩu chủ lực.
Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN).
"Thời gian qua, các tổ chức trung gian của Việt Nam được hình thành, vận hành và phát triển dưới nhiều dạng khác nhau, hoạt động độc lập, đơn lẻ với cách tiếp cận theo nhiều cách khác nhau. Do đó, các tổ chức này chưa thực sự làm nổi bật được mô hình hoạt động, tính liên kết, liên thông trong việc cung cấp dịch vụ kết nối chuyên nghiệp, hỗ trợ bên cung, bên cầu và các bên liên quan tiến tới giao dịch thành công", ông Nghiệm nhìn nhận.
Thực tế cho thấy, giao dịch thành công là một mục tiêu quan trọng nhất của thị trường KH&CN. Trong khi đó, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2018, hình thức giao dịch qua sàn công nghệ, tổ chức trung gian chỉ đạt khoảng 5%; còn lại tới 95% công nghệ được giao dịch trực tiếp giữa bên cung và bên cầu.
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, các tổ chức trung gian chưa làm tốt được sứ mệnh của mình trong việc kết nối, hướng tới giao dịch thành công. Một phần do chưa có công cụ thống kê đầy đủ hàng năm. Một phần do chưa đủ tính chuyên nghiệp trong việc hỗ trợ, cung cấp dịch vụ về thông tin, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị, các trung tâm hỗ trợ ứng dụng tiến bộ công nghệ tại các địa phương chưa được đầu tư tương xứng với sứ mệnh là tổ chức trung gian kết nối cung - cầu công nghệ. Theo đó, chưa tạo được niềm tin cần thiết đối với cả bên cung và cầu công nghệ.
Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng, đại diện thương mại, đại diện ngoại giao trong thời gian qua chưa tham gia sâu vào hoạt động xúc tiến thị trường chuyển giao công nghệ nên chưa phát huy được vai trò trung gian trong việc tư vấn, hỗ trợ các bên trong giao dịch công nghệ.
Chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế”
Cũng theo ông Nghiệm, quốc gia định hướng đổi mới sáng tạo sẽ giúp các tổ chức với vai trò là trung gian của nền kinh tế có nhiều điều kiện và cơ hội hơn để thực hiện, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo. Hoạt động của các tổ chức này có tính liên kết, tương tác với nhau, có tính hướng đích để tạo ra một hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hệ thống đổi mới sáng tạo phải có nhiệm vụ kết nối, liên kết, hợp tác hiệu quả giữa khu vực tạo ra tri thức (khu vực nghiên cứu, đào tạo) với khu vực sử dụng tri thức (khu vực sản xuất, kinh doanh). Trong đó Chính phủ, Nhà nước giữ vai trò kiến tạo, tạo môi trường pháp lý, chính sách, thể chế thuận lợi khuyến khích, thúc đẩy và tạo ra những tương tác tích cực để chuyển hóa tri thức thành hàng hóa có giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, xã hội.
"Hay nói cách khác, để chuyển hóa “tri thức” thành “giá trị kinh tế” thì các tổ chức trung gian có vai trò là cầu nối, kết nối tri thức từ khu vực nghiên cứu, đào tạo (bên cung) sang khu vực sản xuất, kinh doanh (bên cầu). Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy quá trình giao dịch thành công giữa hai khu vực này để dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ được diễn ra trong môi trường, pháp lý thuận lợi", ông Nghiệm chia sẻ.
Để tạo ra môi trường, pháp lý thuận lợi cho dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ, theo chuyên gia, hoạt động quản lý Nhà nước cũng cần có sự thay đổi theo hướng kích cung, tạo cầu, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời không chỉ khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tạo ra tri thức mà còn phải sử dụng hiệu quả tri thức để chuyển hóa tri thức thành giá trị kinh tế, giá trị gia tăng cho xã hội.
Để làm tốt vai trò trung gian của mình trong quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN trong thời gian tới cần định vị lại theo hướng hình thành và phát triển một số tổ chức trung gian có vai trò đầu mối, dẫn dắt trong mạng lưới đổi mới sáng tạo.
Đồng thời có khả năng liên kết, liên thông, thu thập, chia sẻ, xử lý thông tin để cung cấp các dịch vụ có tính hệ thống theo chuỗi giá trị.
Chuyên nghiệp hóa việc kết nối, cung cấp dịch vụ của tổ chức trung gian đang hoạt động. Nâng cao hiệu quả của hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, đáp ứng yêu cầu về giảm thiểu chi phí giao dịch và minh bạch các thông tin về hàng hóa và dịch vụ được giao dịch, mua bán, chuyển giao trên thị trường KH&CN.
Cùng đó, hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian theo hướng trọng tâm, trọng điểm, chuyên nghiệp, chú trọng đối với các tổ chức trung gian phục vụ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng và nhà đầu tư trong việc tìm kiếm, lựa chọn, giao dịch và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa KH&CN.
Tổ chức trung gian cần có sự thay đổi trong phương thức thiết kế, đề xuất đặt hàng, phê duyệt, ký kết và triển khai các nhiệm vụ KH&CN có tính ứng dụng theo hướng có sự tham gia của bên cầu trong toàn bộ quá trình.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn 2024: Bước tiến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Estonia tìm kiếm cơ hội hợp tác chuyển đổi số với Việt Nam
Tạp chí khoa học cần được chú trọng
Phát huy ngành công nghiệp phụ trợ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn
Hà Nội ban hành kế hoạch thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID
Cột tin quảng cáo