Khoa học - Công nghệ

TP Huế: Kiến tạo đô thị số từ nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo

DNVN - Với tư duy hành động, đổi mới và liên kết, TP Huế đang kiến tạo hệ sinh thái đô thị số toàn diện, nơi công nghệ vận hành, dữ liệu dẫn dắt và người dân giữ vai trò trung tâm.

Thừa Thiên Huế: Sở Khoa học và Công nghệ dẫn đầu về năng lực cạnh tranh năm 2021 / Thừa Thiên – Huế: Sáng chế thành công hệ thống máy liên hoàn biến bèo tây thành phân bón nhỏ gọn, giá rẻ

Trên nền tảng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng các chỉ đạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, Huế đang trở thành điểm sáng quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) và đô thị thông minh.
Hệ sinh thái điều hành thông minh hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS, TP Huế đã cụ thể hóa bằng những bước đi mạnh mẽ và có chiều sâu. Trong đó, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đóng vai trò then chốt, là nơi “hội tụ dữ liệu, dẫn dắt hành động”.
Theo UBND TP Huế, Trung tâm IOC hiện giám sát 24/7 nhiều lĩnh vực cốt lõi, tiếp nhận và xử lý trên 171.000 phản ánh hiện trường, với tỷ lệ xử lý đạt hơn 95%. Hệ thống camera AI giúp phát hiện trên 51.000 vi phạm giao thông, xử phạt trên 10 tỷ đồng, nâng cao hiệu lực quản lý và minh bạch hóa giám sát.
Trung tâm IOC, nơi tích hợp dữ liệu, giám sát giao thông, môi trường và phản ánh hiện trường 24/7, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phục vụ người dân.

Trung tâm IOC, nơi tích hợp dữ liệu, giám sát giao thông, môi trường và phản ánh hiện trường 24/7, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và phục vụ người dân.

Đáng chú ý, IOC đang trở thành “trung tâm phản ứng nhanh” với dữ liệu thời gian thực từ hàng trăm cảm biến, bản đồ số quy hoạch và các cơ sở dữ liệu ngành. Các hệ thống này hỗ trợ công tác phòng chống thiên tai, điều hành giao thông, giám sát môi trường và hỗ trợ điều tra, xử lý vi phạm, từng bước hình thành nền tảng chính quyền số đô thị cấp tỉnh.
Theo báo cáo của Trung tâm IOC, hệ thống đang từng bước mở rộng tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục... đặt nền móng cho việc điều hành đô thị bằng trí tuệ nhân tạo trong tương lai gần. Đây là nền tảng đầu tiên để TP hiện thực hóa mô hình chính quyền đô thị 2 cấp hiệu quả, hướng đến đô thị được vận hành bằng dữ liệu thời gian thực.
Hue-S kết nối từng người dân vào tiến trình chuyển đổi số

Song hành với Trung tâm IOC là nền tảng Hue-S, hạ tầng công dân số được thành phố phát triển với quy mô lớn và mức độ tích hợp cao. Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tính đến giữa năm 2025, Hue-S đã ghi nhận hơn 1,3 triệu tài khoản, trong đó 900.000 tài khoản xác thực VNeID, tích hợp gần 50 dịch vụ số thiết yếu trong đời sống người dân.
Người dân tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa hiện đại, nơi dịch vụ công trực tuyến được tích hợp với nền tảng Hue-S, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ và giảm thời gian chờ đợi.

Người dân tra cứu, giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa hiện đại, nơi dịch vụ công trực tuyến được tích hợp với nền tảng Hue-S.

Hue-S không dừng lại ở chức năng nộp hồ sơ hành chính, tra cứu quy hoạch, đóng học phí, học trực tuyến… mà còn phát triển thành nền tảng phổ cập kỹ năng số cộng đồng. Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố, nắm bắt xu thế phát triển tài khoản thanh toán số trong dân, Hue-S đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử tích hợp lên Hue-S (Viettel Money, FPT Pay), đến nay, giải pháp thanh toán học phí trên Hue-S đã thu hơn 28 tỷ đồng học phí, kết nối 422 trường học, gần 300.000 tài khoản phụ huynh, học sinh, giáo viên, đồng thời phát đi 5.398 bản tin chính sách, cảnh báo, thời sự với trên 5,6 triệu lượt tiếp cận.
Đặc biệt, Hue-S đang là nơi “học tập số” của cộng đồng khi hơn 99.000 người dân đã tham gia các khóa học kỹ năng số miễn phí với hơn 662.000 lượt truy cập, từ sử dụng chữ ký số đến phòng chống lừa đảo trực tuyến. Hue-S đang mở rộng vai trò như một “trợ lý số” trong đời sống hàng ngày của người dân, từ giáo dục đến quản lý gia đình, từ cảnh báo đến học tập.
Phát biểu tại Hội nghị phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” và Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo năm 2025 (ngày 11/7), ông Nguyễn Thanh Bình - UVBTVTƯ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế khẳng định: “Khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS không chỉ là động lực tăng trưởng mới, mà còn là trụ cột nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy nội lực, mở rộng không gian phát triển và hướng tới một đô thị bền vững, thông minh, giàu bản sắc... Các phong trào này phải phát động rộng khắp, toàn dân, toàn diện để mọi người dân trên địa bàn thành phố dễ dàng tiếp cận, được trang bị đầy đủ kỹ năng số, không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS".
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại Lễ phát động Phong trào “Bình dân học vụ số” và Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo, nhấn mạnh vai trò then chốt của khoa học, công nghệ, ĐMST và CĐS trong phát triển đô thị bền vững.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Huế Nguyễn Thanh Bình.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, trách nhiệm của các cấp, ngành, sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, sự tiên phong của thế hệ trẻ và toàn thể nhân dân, thành phố sẽ tiếp tục vươn mình mạnh mẽ, khẳng định vai trò tiên phong, là điểm sáng của cả nước về kiến tạo hệ sinh thái ĐMST và CĐS toàn diện.
Tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành KH&CN do Bộ KH&CN tổ chức ngày 14/7, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận những nỗ lực, kết quả toàn ngành đạt được trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, phục vụ phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS.
Đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động rõ ràng, có chiến lược cụ thể và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm theo mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong bối cảnh nước ta đang đi vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, chủ động từ phía các Sở KH&CN địa phương để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, khẳng định vai trò dẫn dắt của ngành KH&CN trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trực tuyến tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2025.

TP Huế đang hiện thực hóa quyết tâm CĐS bằng hành động cụ thể, kiến tạo hệ sinh thái ĐMST vận hành bằng dữ liệu, thúc đẩy bởi công nghệ và lan tỏa từ cộng đồng sáng tạo. Từ khởi nghiệp đến “bình dân học vụ số”, từ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đến từng thao tác số hóa đời sống, tất cả đều hướng đến mục tiêu chung: lấy con người làm trung tâm của một đô thị thông minh, hiện đại, bản sắc và bền vững.
Đăng Vinh - Đức Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm