Khoa học - Công nghệ

Truy xuất nguồn gốc nông sản gặp khó

DNVN - Hiện nay vẫn còn tình trạng loạn phần mềm truy xuất nguồn gốc nông sản, các tiêu chí qui định về truy xuất nguồn gốc còn lạc hậu so với thị trường thế giới, doanh nghiệp thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu...

Dùng giải pháp truy xuất nguồn gốc để ngăn chặn đường nhập lậu / Gắn tem truy xuất nguồn gốc - cách xúc tiến và quảng bá hình ảnh sản phẩm hiệu quả

Chưa có các chế tài nghiêm khắc

Nhận diện khó khăn khi số hóa và truy xuất nguồn gốc, hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” do Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ngày 4/11 đã đưa ra nhiều khuyến nghị về khung chính sách, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm nhằm minh bạch hóa nông sản thời gian tới…
Theo các chuyên gia tại hội thảo, trong bối cảnh người tiêu dùng trong nước ngày càng cần sự minh bạch đối với sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là lương thực, thực phẩm thì truy xuất nguồn gốc (TXNG) được coi là "chìa khóa" khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đối với xuất khẩu, việc TXNG sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về TXNG hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại.
Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc - Nâng tầm nông sản Việt” ngày 4/11.

Chia sẻ tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh chủ động minh bạch nguồn gốc nông sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh cho các kỳ tiếp theo; giúp khách hàng , nhà quản lý, các bên liên quan có cơ sở giám sát bất kỳ khi nào họ cần.
Ứng dụng công nghệ TXNG giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị TXNG; tránh được việc giả mạo thương hiệu, giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Việc giả mạo xuất xứ của những sản phẩm có tiêu chuẩn cao như VietGap, Ocoop, Hữu cơ … sẽ gây ra bất công và làm mất đi giá trị của tiêu chuẩn sản phẩm.
Tuy nhiên, theo bà Thực, TXNG trong bối cảnh số hóa đang gặp khó khăn từ nhiều phía. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, hiện chưa có các chế tài nghiêm khắc xử lý các sai phạm khi TXNG. Quản lý lưu thông hàng hóa chưa nghiêm, còn để vi phạm giả mạo mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói khi xuất khẩu nông sản. Cùng với đó là những hạn chế từ sự nhận thức và hiểu biết của cán bộ thực thi nhiệm vụ.
Từ phía người dân và doanh nghiệp, khó khăn trong TXNG xuất phát từ nhận thức của một bộ phận người dân chưa biết cách bảo vệ sản phẩm, uy tín của mình.
“Còn nhiều tình trạng ghi chép, lưu trữ hồ sơ theo cách chống đối, giả tạo. Nhiều trường hợp vi phạm giả mạo hồ sơ giấy tờ sản phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn, mã số vùng trồng. Tình trạng loạn phần mềm TXNG, loạn app diễn ra khá phổ biến, các tiêu chí qui định về TXNG còn lạc hậu so với thị trường thế giới, thiếu chủ động đổi mới nên liên tục bị bất ngờ với các hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu”, bà Thực nhấn mạnh.
Cần có khung chính sách sát thực, cụ thể
Trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến, xây dựng và vận hành hệ thống TXNG nông sản là một trong những định hướng quan trọng.
Cần có khung chính sách sát thực, cụ thể cho hoạt động TXNG nông sản Việt
Theo Cục Bảo vệ Thực vật, có 4 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới nhằm thực hiện tốt hoạt động TXNG nông sản, bao gồm: Xây dựng đội ngũ giảng viên của Cục để phục vụ việc mở rộng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; tiếp tục triển khai chương trình về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Trong đó tăng cường kiểm ta, giám sát các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Làm việc với các nước nhập khẩu để thực hiện báo cáo khắc phục vi phạm, phục hồi mã số bị tạm ngưng do nhận thông báo vi phạm, xác định rõ các yêu cầu để mở rộng vùng trồng, tăng số lượng cơ sở đóng gói. Cần tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật địa phương, doanh nghiệp, người dân.
Để khắc phục những khó khăn TXNG nông sản Việt trong bối cảnh số hóa, đại diện cho Hiệp Hội Nông nghiệp số Việt Nam khuyến nghị Nhà nước cần có khung chính sách sát thực, cụ thể, kiểm soát nghiêm ngặt việc tuân thủ về qui định TXNG; người dân, cán bộ quản lý cần nâng cao nhận thức, thực hiện trách nhiệm theo qui định về TXNG.
Cùng đó cần có những công cụ số phù hợp, dễ ứng dụng với từng loại sản phẩm ngành hàng để người dân, doanh nghiệp dễ thực hiện ghi chép đa phương tiện và minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, hoàn thiện Tiêu chuẩn Việt Nam về thiết lập và quản lý vùng trồng trong thời gian sớm nhất.
Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm