Công nghiệp ôtô Việt: “Cơ hội vẫn luôn còn"
Trong khi khá nhiều chuyên gia cũng như một số nhà sản xuất tỏ ra bi quan về tương lai của ngành ôtô Việt Nam, vẫn có những doanh nghiệp Việt vẫn có niềm tin và đang nỗ lực để tạo ra kỳ tích.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Ngọc Đức - Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công Việt Nam về tương lai của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam cũng như triển vọng thị trường xe năm 2015.
Xin ông chia sẻ về doanh số năm 2014, dự kiến doanh số năm 2015 và những đánh giá về thị trường cuối năm 2014? Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường năm 2015 và tương lai của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam?
- Năm 2014 vừa kết thúc với một mức tăng trưởng tốt cho toàn thị trường Ô tô Việt Nam. Hyundai Thành Công nói riêng cũng đánh dấu một năm phát triển mạnh mẽ đạt doanh số khoảng 17,000 xe, đứng thứ 2 và chiếm khoảng 20% thị phần xe du lịch dưới 9 chỗ. Với những tín hiệu tốt của thị trường những tháng cuối năm cũng như sự khởi sắc của nền kinh tế nói chung trong năm 2015, tôi tin tưởng vào sự tăng trưởng tốt của thị trường trong năm 2015 này.
Theo lộ trình gia nhập AFTA (mậu dịch tự do khu vực Asean), thuế nhập khẩu xe từ khu vực về Việt Nam sẽ về 0% năm 2018. Đó thực sự là một thời điểm thách thức với ngành Công nghiệp Ô tô Việt Nam. Tôi tin mỗi hãng xe đã có những kế hoạch riêng cho mình, tiếp tục sản xuất - lắp ráp hay chỉ nhập khẩu nguyên chiếc. Hiện nay chính phủ vẫn đang có những chính sách tốt hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói chung hay công nghiệp phụ trợ nói riêng.
Nhìn chung, ngay cả khi chúng ta không trực tiếp sản xuất xe nhưng nếu công nghiệp phụ trợ phát triển, tôi tin rằng ngành công nghiệp ô tô vẫn có một vai trò quan trọng không chỉ trong nước mà còn là mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất của khu vực. Nếu tất cả các hãng xe đều cùng một mục tiêu chung nhằm phát triển ngành công nghiệp này, tôi vẫn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Công nghiệp Ô tô Việt Nam.
Tại sao Hyundai Thành Công lại đẩy mạnh lắp ráp xe trong nước trong khi nhiều thương hiệu xe khác đang cân nhắc chuyện nhập khẩu xe thay vì lắp ráp và chính sách thuế sẽ có sự thay đổi lớn trong thời gian tới?
- Như các bạn đã biết, Hyundai Thành Công là Công ty 100% vốn đầu tư trong nước và ngay từ khi bước chân vào lĩnh vực xe du lịch từ năm 2009, chúng tôi đã xác định gắn bó và dài hạn cùng ngành Công nghiệp Ô tô tại Việt Nam. Thực sự chúng tôi cũng đang đặt một niềm tin rất lớn vào tương lai của ngành tại Việt Nam và cũng hy vọng sẽ đóng một vai trò hiện thực hóa điều đó.
Mỗi hãng xe đều đã chọn cho mình những hướng đi khác nhau và tôi tôn trọng điều đó. Riêng với Hyundai Thành Công, chúng tôi luôn mong muốn trở thành một phần quan trọng của Hyundai toàn cầu trong khu vực Asean. Và những nỗ lực đầu tư của chúng tôi thời gian qua cũng như trong những năm tới cũng đang nhận được sự ủng hộ tốt từ phía Hyundai cũng như chính phủ, đó chính là động lực giúp chúng tôi vững vàng hơn trên con đường nhiều gian nan này.
Thời gian qua, để tiếp tục đầu tư lắp ráp xe, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền hàn robot tự động cũng như nâng cấp toàn diện nhà máy tại Ninh Bình. Một mặt chúng tôi chuẩn bị sẵn cho việc sản xuất, lắp ráp thêm một vài mẫu xe nữa cho thời gian tới, mặt khác chúng tôi cũng mong muốn mang đến sản phẩm chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi hy vọng người tiêu dùng sẽ nhận ra điều đó và ngày càng ủng hộ chúng tôi hơn.
Xin ông chia sẻ về kế hoạch cũng như chiến lược của Hyundai Thành công trong thời gian tới? Phân khúc xe chủ đạo của quý công ty sẽ là gì?
- Trong giai đoạn 2015-2018, một mặt chúng tôi sẽ kêu gọi thêm đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, mặt khác sẽ tiếp tục đầu tư theo định hướng chung của Hyundai cho khu vực Asean nhằm mang đến một giá trị bền vững lâu dài giữa Hyundai Thành Công, Hyundai khu vực và lợi ích kinh tế, người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi đang nỗ lực để có thể nằm trong chuỗi sản xuất của Hyundai tại Asean, trở thành mắt xích quan trọng trong khu vực. Để đạt được điều đó, chúng tôi cũng luôn mong muốn những chính sách hỗ trợ tốt từ phía tỉnh Ninh Bình cũng như chính phủ Việt Nam.
Chúng tôi rất tin tưởng vào khả năng thành công trong giai đoạn trước 2018, ngoài ra chúng tôi cũng đang lên kế hoạch cụ thể hơn cho chặng đường tiếp theo 2018-2025 trong công cuộc phát triển Công nghiệp Ô tô tại Việt Nam nói chung cũng như các sản phẩm Hyundai nói riêng tại Việt Nam.
Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán với Hyundai Hàn Quốc để có thể sản xuất, lắp ráp thêm những mẫu xe mới, hiện đại cho thị trường Việt Nam. Hiện tại chúng tôi vẫn đang tập trung chủ yếu vào dòng xe du lịch dưới 9 chỗ. Chúng tôi tin tưởng vào những sản phẩm của Hyundai đã và sẽ chinh phục niềm tin, thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam. Tôi có thể kể ra một vài những mẫu xe của Hyundai đang thành công tại Việt Nam như: Hyundai Grand i10, Hyundai SantaFe, Hyundai Accent Blue, Hyundai Elantra, Hyundai Sonata...
Ông đánh giá thế nào về khó khăn cũng như thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong công cuộc cạnh tranh với các nhà nhập khẩu xe và liên doanh nước ngoài? Doanh nghiệp Việt Nam liệu đã quá chậm chân trong việc phát triển xe nội địa?
- Một doanh nghiệp vốn 100% trong nước chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn tại thị trường Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến những khó khăn về tài chính. Dù có tính toán kỹ lưỡng về thị trường đến đâu thì với một doanh nghiệp ô tô trong nước chắc sẽ không tránh khỏi những thời điểm khó khăn chung của thị trường, nếu không vững vàng thì với một dòng tiền lớn khi nhập khẩu, sản xuất ô tô thì khó có thể trụ được. Ngoài ra chưa kể tới sự cạnh tranh gay gắt của các hãng xe có vốn đầu tư nước ngoài, họ luôn có sự hỗ trợ tốt từ phía công ty mẹ. Những khó khăn trong quá trình phát triển hệ thống cũng như các hoạt động Marketing cũng là những vấn đề các doanh nghiệp hay phải đối mặt, bởi hầu hết phải tự hoạch định đường hướng và phát triển riêng.
Bên cạnh những khó khăn thì cũng phải kể đến những thuận lợi. Các doanh nghiệp trong nước sẽ có sự am hiểu thị trường hơn, đặc biệt là yếu tố văn hóa, xã hội vùng miền. Cùng với đó, nếu có định hướng tốt, phát triển lâu dài, các doanh nghiệp trong nước dễ dàng nhận được sự ủng hộ hơn từ phía chính quyền địa phương cũng như chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước.
Riêng về việc phát triển một dòng xe nội địa, thương hiệu Việt Nam thì thực sự đó là một chặng đường dài. Chúng ta không thể nói là đã chậm chân hay chưa! Bởi ở bất cứ thời điểm nào, nếu hội tụ đủ điều kiện cần và đủ, cơ hội vẫn luôn còn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo