Thị trường

Công ty Quản lý nợ Việt Nam có xử lý nổi 70.000 tỷ nợ xấu?

Dẫu biết Công ty Quản lý nợ Việt Nam (VAMC) không phải “cây đũa thần” xử lý nợ xấu như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng cho đến nay đã 2 tháng mà VAMC chưa tạo được những chuyển biến đáng kể thì liệu mục tiêu xử lý 70.000 tỷ đồng có còn tồn tại?

Ông Đặng Thanh Bình, Chủ tịch HĐTV VAMC

Mục tiêu đặt ra trước khi thành lập là đến cuối năm VAMC sẽ xử lý 70.000 tỷ đồng nợ xấu. Nếu hoàn thành mục tiêu này, có thể khẳng định ngay VAMC là sự thành công hiếm có trên thế giới, trở thành "tấm gương" cho nhiều nền kinh tế noi theo.

 
VAMC mua nợ của các ngân hàng thương mại (NHTM) với giá trị sổ sách, trả ngược lại bằng một loại trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Nhà nước không phải bỏ một khoản ngân sách khổng lồ nhằm giải quyết "cục máu đông" kia, mà nợ xấu vẫn được giải quyết gọn gàng.
 
Trên lý thuyết là như vậy, nhưng ngay trước khi ra đời, các chuyên gia kinh tế đã đặt rất nhiều câu hỏi hoài nghi về VAMC.
 
Trước hết, vốn điều lệ chỉ 500 tỷ đồng, công ty này sẽ phải giải quyết mục tiêu 70.000 tỉ đồng trong 6 tháng cuối năm. Nếu bỏ qua yếu tố thời gian thì khoản “đầu tư” lớn gấp 140 lần vốn điều lệ vẫn là điều gây lo ngại. Tất cả các NHTM và tổ chức tài chính đều phải tuân thủ quy định về an toàn vốn. Cụ thể, tỉ lệ này ở Việt Nam là 9%. Có nghĩa, nếu tổng tài sản “có” của ngân hàng là 100 tỉ, thì ít nhất họ phải sẵn sàng 9 tỷ đồng vốn tự có.
 
Tỉ lệ này trên lý thuyết của VAMC sẽ chỉ là 0,7%, một con số quá thấp và quá rủi ro nếu so với quy định của Việt Nam, xa hơn là thế giới với tỉ lệ trung bình khoảng 12%. Nếu giảm bớt mục tiêu xử lý xuống còn 50.000 tỷ đồng, thì đòn bẩy tài chính của VAMC sẽ là 100/1, tỉ lệ cao gấp 5 lần mức “cực kỳ nguy hiểm” vẫn áp vào các tổ chức tín dụng (20/1).
 
Dẫu biết Chính phủ và NHNN sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để VAMC hoạt động có hiệu quả, nhưng điều này sẽ khó giảm bớt những lo âu cho các tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt của Công ty quản lý tài sản quốc gia phát hành.
 
Một điều nữa khiến nhiều người lo ngại chính là tỉ lệ chiết khấu của NHNN cho trái phiếu của VAMC. Với những thông tin rò rỉ cùng với dự thảo hoạt động của công ty Quản lý tài sản Quốc gia, tỉ lệ này sẽ là 40%. Nếu các NHTM cầm trái phiếu có giá trị 10 tỷ đồng đến NHNN, họ sẽ nhận lại được 4 tỷ đồng, sau khi trích lập các khoản dự phòng, tiền thực đưa vào hệ thống của ngân hàng còn lại khoảng 3,2 tỷ đồng, xấp xỉ 1/3 khoản nợ mà họ nắm giữ. Tuy nhiên, để cầm được hơn 3 tỷ này cũng không hề dễ dàng: Phải có ít nhất 65% khoản nợ được đảm bảo bằng bất động sản. Như vậy, các NHTM vẫn bị “mắc kẹt”.
 
Một chuyên gia ngân hàng cho rằng, VAMC hiện đang thực hiện mua nợ theo hai hình thức: Mua theo giá trị sổ sách và mua theo giá thị trường (theo thỏa thuận giữa hai bên). Tuy vậy, hiện tại cách làm hiệu quả nhất cho các ngân hàng là cách thứ hai thì công ty này chưa làm được, vì không có đủ nguồn tiền, còn cách làm thứ nhất chỉ là để xử lý tình huống, chứ không thể giải quyết triệt để nợ xấu.
 
Còn theo Chủ tịch HĐQT một ngân hàng lớn tại TP.HCM thì, điều mà các ngân hàng hiện rất cần đó là cơ chế xử lý tài sản đảm bảo sao cho nhanh chóng, thuận tiện để giúp cho quá trình thu hồi nợ được nhanh hơn, nhưng vẫn chưa có sự giúp sức của NHNN.
 
Dẫu biết VAMC không phải “cây đũa thần” xử lý nợ xấu như lời Thống đốc Nguyễn Văn Bình, nhưng cho đến nay đã 2 tháng mà VAMC chưa tạo được những chuyển biến đáng kể thì liệu mục tiêu xử lý 70.000 tỷ đồng có còn tồn tại? Nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, bản thân VAMC không có khả năng tự giải quyết khoản nợ xấu khổng lồ đang tồn đọng trong nền kinh tế, mà phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả Chính phủ và nhiều bộ, ngành
Như Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo