CPI âm : Đã đến lúc phải kích cầu?
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam tháng 5 âm 0,06% so với tháng trước tiếp tục cho thấy sức cầu yếu khiến CPI không tăng lên được. “Kích cầu” liệu có phải là một sự lựa chọn để nền kinh tế không còn đình đốn?
Lo ngại lạm phát “quá tốt”
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng ANZ ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 5, đánh giá: Giá cả các nhóm hàng hóa thuộc rổ hàng hóa tính CPI hiện vẫn đang ở mức thấp hoặc suy giảm. Chỉ số giá của nhóm lương thực-thực phẩm hiện đang ở mức thấp 1,49% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng của nhóm y tế tăng 1,58% so với tháng trước, sau khi tăng 3,6% trong tháng 4 và ở trên ngưỡng 5% trong thời gian từ tháng 8-2012 đến tháng 1-2013.
Trên cơ sở tình hình hiện nay, ANZ dự báo mức lạm phát trung bình của Việt Nam trong năm nay sẽ ở ngưỡng dưới mức 6-8% mà ANZ dự báo trước đó. Cụ thể, lạm phát có thể xuống dưới 5% vào cuối quý III hoặc đầu quý IV và kết thúc năm 2015, lạm phát ở khoảng 5,5%.
Tính toán của ANZ hoàn toàn có cơ sở khi 5 tháng đầu năm, lạm phát mới chỉ tăng 2,35% so với tháng 12-2012 (mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là lạm phát dưới 6,81%). Nếu dự báo của ANZ chính xác, năm 2013 Việt Nam sẽ lại tiếp tục kiểm soát lạm phát “quá tốt” như đã từng xảy ra cho năm 2012 và mục tiêu tăng trưởng chắc chắn sẽ bị “đe dọa”. Bởi lẽ năm 2012, việc lạm phát chỉ dừng ở con số 6,81% (so với mục tiêu đặt ra là khoảng 8%) được cho là đã ảnh hưởng đến tăng trưởng và làm hàng chục nghìn doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động.
Dù lạm phát được dự báo thấp, song ANZ cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay. Theo ANZ, những đợt cắt giảm lãi suất vừa qua có thể sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng, nhưng sẽ không giải quyết được tình trạng thắt chặt nguồn cung vốn vay do nợ xấu vẫn là rào cản chính.
Đắn đo việc nới lỏng chính sách
Trước tình trạng lạm phát những tháng đầu năm tăng thấp và tăng trưởng kinh tế ở mức khiêm tốn, ThS Hoàng Văn Mạnh (Đại học Thương mại) cho rằng: Thời gian tới cần mạnh tay thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong hoàn cảnh hiện nay, cần hỗ trợ mạnh về tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng để ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ hàng tồn kho, khôi phục và mở rộng sản xuất, từ đó tăng tổng cung hàng hóa và dịch vụ. Tăng tín dụng tiêu dùng là góp phần tăng tổng cầu, sức mua cho nền kinh tế, từ đó hỗ trợ và kích thích doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất.
Tuy nhiên, quan điểm của ThS Hoàng Văn Mạnh có thể dấy lên những nghi ngờ về khả năng lạm phát bùng phát trở lại. Bởi lẽ, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, “bóng ma” lạm phát luôn là nỗi ám ảnh cho cả nền kinh tế.
Dù thừa nhận việc nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tăng nguy cơ lạm phát, nhưng ThS Hoàng Văn Mạnh cho rằng: Nguy cơ này trong tình hình hiện nay không cao và hoàn toàn có thể điều hòa được bằng các chính sách khác. Nếu không kịp thời điều chỉnh chính sách tiền tệ, nguy cơ nền kinh tế rơi vào tình trạng đình đốn là rất cao. Đồng thời, lạm phát vẫn có thể neo ở mức cao, đe dọa ổn định toàn bộ kinh tế-xã hội trên tất cả phương diện.
Trên quan điểm của cơ quan quản lí Nhà nước, một lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sức cầu yếu đã khiến CPI không tăng lên được. Hiện nay, một số quốc gia như Nhật Bản, Mỹ đã tung ra những gói kích cầu. Các nước châu Âu thì chia làm hai trường phái, một trường phái chủ trương thực hiện chính sách “khắc khổ”, một trường phái muốn giữ tăng trưởng để tạo việc làm, tăng thu nhập. Tới đây chúng tôi sẽ nghĩ “kế” để kinh tế không trì trệ.
Minh Trí
Theo HQO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất
Cột tin quảng cáo