CPI cả nước tháng 11 tăng 0,07%
Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 năm 2015 tăng 0,07% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng đầu năm nay, CPI cả nước tăng 0,58%.
Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng nhưng với mức tăng không đáng kể: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,16%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,32%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,19%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; Giáo dục tăng 0,06%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%. Có 2/11 nhóm hàng giảm: Bưu chính viễn thông giảm 0,1%; Giao thông giảm 0,38%.
Theo Tổng cục Thống kê phân tích, các yếu tố khiến CPI tháng 11/2015 tăng là do: Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,31% do các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines, đặc biệt tăng nhiều ở các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng cao hơn tháng trước do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao như thịt bò, hải sản tươi sống với mức tăng từ 0,17% đến 1,2%.
Hiện đang là tháng giao mùa ở miền Bắc nên nhu cầu về một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ thu đông tăng làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,14%. Giá gas tăng 3,7% so với tháng 10 do các doanh nghiệp tăng giá từ ngày 1/11, tăng 17.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới tăng.
Ở chiều ngược lại, những yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI trong tháng 11 là: Giá xăng giảm 900 đồng/lít, dầu diesel giảm 210 đồng/lít vào các ngày 19/10 và ngày 3/11 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 0,79% so với tháng trước.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,5% chủ yếu ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới giảm. Giá thép trong nước giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay, hiện giá các loại thép chỉ ở mức dưới 10.000 đồng/kg, giảm 300-400 đồng/kg. Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 0,11% do một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm giá cước theo yêu cầu của Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Với diễn biến giá cả hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, khả năng CPI cả năm 2015 chỉ trên dưới 1%, thấp hơn nhiều mục tiêu đã đề ra là dưới 5%.
Không tính vào CPI, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng chỉ số giá vàng giảm 0,61% so với tháng trước, giảm 2,23% so với cuối năm 2014 và giảm 2,28% so với cùng kỳ. Chỉ số đôla Mỹ tháng 11 cũng giảm 0,31% so với tháng trước, song vẫn tăng 4,61% so với cuối năm 2014 và tăng 4,98% so với cùng kỳ.
Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 11/2015 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,72% so với cùng kỳ.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2015 so với tháng 10/2015 tăng 0,05% có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỉ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương.
Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,08% cao hơn mức 0,64% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững