Tin tức - Sự kiện

CPI của TP. Hồ Chí Minh giảm trong tháng 4

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 trên địa bàn với mức giảm 0,33% so với tháng trước.
Cụ thể, những mặt hàng có mức giảm giá là hàng ăn và dịch vụ ăn uống (-0,94%), trong đó lương thực giảm mạnh (-2,07%), thực phẩm giảm 1,07% và ăn uống ngoài gia đình giảm 0,22%. Nhóm nhà ở - điện - nước - chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,86%; bưu chính - viễn thông giảm 0,44%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,11%.
 
Qua số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, có thể thấy rằng các mặt hàng như thực phẩm, lương thực, các dịch vụ hàng hóa và y tế… đã giảm về mức trung bình của năm.
 
Nguyên nhân chỉ số CPI giảm nhẹ trong tháng 4 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là do mức tiêu thụ hàng hóa của người dân không lớn như trước đó mấy tháng trong dịp tết Nguyên Đán, nhu cầu tiêu dùng đã trở về trạng thái bão hòa. CPI đã tăng theo đúng quy luật của nhiều năm trước. Đó là tăng khá cao vào các tháng của dịp Tết Nguyên Đán rồi tăng chậm lại hoặc giảm.
 
Còn theo các chuyên gia đầu ngành phân tích về thị trường thì ngoài cho rằng giá hàng lương thực giảm do lượng thu mua cho xuất khẩu thấp, hàng hóa tồn đọng cần phải tiêu thụ lớn. Vì thế các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá nhằm kích thích sức mua, giải phóng hàng tồn đọng, quay vòng vốn nhanh để tái đầu tư.
 
Bên cạnh đó, CPI giảm nhẹ trong tháng 4 là do Chính phủ đã sử dụng "mệnh lệnh hành chính", yêu cầu chưa tăng giá một số mặt hàng thiết yếu. Giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, như than, điện, dịch vụ y tế, giáo dục cũng đã được Chính phủ chỉ đạo không tăng giá dồn dập để tránh tác động tăng giá đột biến. 
 
Song, một trong những nguyên nhân khá quan trọng khiến diễn biến CPI ở Việt Nam thời gian qua tăng chậm và có dấu hiệu giảm ở một số tháng là do tổng cầu giảm, sức mua yếu.
 
Ngoài ra,  đồng bằng sông Cửu Long, nguồn cung lương thực lớn nhất cho thị trường TP. Hồ Chí Minh đang thu hoạch cuối vụ đông xuân khiến lượng lương thực cung ứng cho thị trường này khá dồi dào ở tất cả các chủng loại. Nguyên nhân quan trọng khác khiến giá lương thực giảm là việc ảnh hưởng gián tiếp của việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang giảm theo mặt bằng chung của giá lương thực trên thế giới.
 
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nhu cầu tiêu thụ lớn nên không tránh khỏi những tác động này.
 
Hiện nay, nguồn cung cấp các mặt hàng thực phẩm và rau, củ, quả tươi sống khá hơn tháng trước. Công tác kiểm tra giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thường xuyên thực hiện bởi các ngành chức năng đã góp phần hạn chế việc tăng giá bất hợp lý trên thị trường thành phố.
 
Trong các tháng tới, các cơ quan ban ngành của TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải quyết bài toán khó hiện nay là vừa kiềm chế tốt lạm phát, vừa kích cầu đầu tư và tiêu dùng để giải phóng hàng tồn nhằm kích thích kinh tế phát triển.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo Tài chính
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo