CPI tháng 4 tăng nhờ… quyết định hành chính
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2013 chỉ tăng 0,02% so với tháng trước, là tháng 4 có mức tăng thấp nhất kể trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, mức tăng này cũng khiến không ít người bất ngờ bởi trước đó chỉ số giá của hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM được công bố tiếp tục giảm tháng thứ hai liên tiếp.
Khi so với các kỳ so sánh khác, CPI tháng 4/2013 vẫn tăng 6,61% so với cùng kỳ tháng 4 năm 2012 và tăng 2,41% so với tháng 12/2012. Ở các gốc so sánh này, mức tăng CPI tháng 4 năm nay đều thấp hơn các gốc tương ứng của tháng 4 năm 2012.
Sau khi các mặt hàng xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh trong tháng, nhiều ý kiến đã lo ngại rằng giá cả các mặt hàng hóa khác, nhất là các mặt hàng nhạy cảm như lương thực - thực phẩm sẽ tăng giá theo. Tuy nhiên, thực tế đã diễn biến ngược lại.
Không tăng cao mà lương thực thực phẩm lại là nhóm giảm mạnh nhất trong số các nhóm hàng tính chỉ số. Nếu không có tác động mạnh từ nhóm y tế do việc điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh ở một số địa phương thì chắc chắn chỉ số giá chung sẽ giảm so với tháng trước.
Ttrong những năm gần đây, đây là tháng đầu tiên ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến các mặt hàng khác là thấp nhất. Theo như phản ánh của các tiểu thương tại chợ Dịch Vọng (Hà Nội), họ không thể tăng giá các hàng nhu yếu phẩm theo giá xăng dầu bởi do kinh tế khó khăn, nhà nhà thắt lưng buộc bụng, việc tăng giá xăng dầu vừa qua chỉ làm ngân sách gia đình nặng nề thêm nên không thể là động lực cho việc tăng giá các mặt hàng khác như trong thời gian trước đây.
CPI tháng này hầu như không thay đổi so với tháng trước là do những tác động trái chiều mạnh mẽ đến từ các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm giao thông và nhóm thuốc và dịch vụ y tế.
Về phía tác động tăng, dịch vụ khám chữa bệnh của 4 tỉnh thành phố là Hải Phòng, Nam Định, Bình Thuận và Tây Ninh đã được điều chỉnh tăng theo quyết định của UBND các tỉnh trên, khiến chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất (3,62%) so với tháng trước, trong đó dịch vụ y tế tăng 4,51%. Theo ước tính, tác động của việc tăng giá của nhóm hàng này lên CPI chung là 0,2%.
Một nhóm hàng khác cũng tăng mạnh và được quan tâm nhiều là nhóm giao thông. Sau hai lần điều chỉnh giá xăng dầu trong tháng, chỉ số giá nhóm giao thông đã tăng 1,2% so với tháng trước. Mức tăng này là tổng hợp của cả các tác động trực tiếp và gián tiếp của giá xăng dầu tăng thông qua việc tăng cước vận chuyển hành khách của các hãng vận tải.
Ở chiều ngược lại, mức giảm gần 1% của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là lực kéo mạnh tác động đến chỉ số chung. Với quyền số 40% trong tổng thể, mức giảm này khiến chỉ số chung giảm gần 0,4% so với tháng trước.
Trong tháng, nhóm lương thực giảm 0,86%, thực phẩm giảm 1,24% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,12% so tháng trước.
Bưu chính viễn thông tiếp tục đóng vai trò là “nhóm bình ổn giá” khi tiếp tục giảm 0,15% so tháng trước. Tính từ đầu năm, giá nhóm này đã giảm 0,28%.
Hai mặt hàng đặc biệt không được tính vào CPI chung là vàng và Đô la Mỹ tiếp tục diễn biến trái chiều khi được ghi nhận ở các mức tương ứng là giảm 2,56% và tăng 0,01% so với tháng trước.
Xét trong 10 tỉnh được lựa chọn để công bố, duy chỉ có Hải Phòng có chỉ số giá tăng so tháng trước, chỉ số giá 9 tỉnh còn lại đều giảm, thậm chí thành phố Cần Thơ còn giảm khá mạnh -0,46% so với tháng trước.
Công Duy
Theo Vneconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Cột tin quảng cáo