Cụ bà 90 bắt cá nuôi người con điên
Con sông Vàm Cỏ vào buổi sáng đầu tháng Chạp tha thiết chảy, chở theo từng mảng lục bình. Bãi bồi của nó được che chắn bởi hàng bần lâu năm, chi chít rễ con đâm lên tua tủa như bãi chông. Thử một lần xắn quần lội xuống bãi sông, cảm nhận cái lạnh ngắt của đất sình trong tiết trời cuối đông. Tránh được đám rễ bần đã khó, nhấc được từng bước chân bị sình lún ngập quá gối càng khó hơn.
Hơn 30 năm bắt cá ở bãi sông
Xa ra ngoài hàng bần, gần mép nước vẳng lên giọng hò run run: Hò… hơ… ơ… Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn… Khúc sông giang hà chỗ cạn chỗ sâu… Hò… ơ… Hóa ra người vừa cất lên câu hò là bà Nguyễn Thị Dẫu, người trong vùng quen gọi là bà Sáu Dẫu. Bà đang vừa hò vừa khòm người bắt cá. Đồ nghề của bà chỉ là một cái đụp và một cái xô nhựa.
Hồi còn khỏe mạnh, ngày nào bà cũng đi bắt cá từ sáng tinh mơ. Cá bà bắt được thường gồm có cá kèo, cá bống dừa, bống sao, bống sệ, tôm tích, cua còng… mỗi ngày khoảng ký rưỡi. Buổi tối, có người đến tận nhà mua, trả cho bà 15.000-20.000 đồng. Nhưng từ khoảng ba năm trở lại đây, khi tuổi già hụt hơi, bà phải thường xuyên chịu đựng những cơn chóng mặt. Cho nên phải lâu lâu, khi cảm thấy trong người thật khỏe như hôm nay thì bà mới chống gậy lần dò ra sông bắt cá.
Quãng đường từ bãi sông Vàm Cỏ về đến nhà của bà Sáu dài hơn một cây số, băng qua hai quãng đồng và cây cầu khỉ. Quần xắn ống thấp ống cao, nắm chặt cây gậy trong tay, bà phải ngồi xuống nghỉ ba lần giữa quãng đường. Cá bà bắt cũng không còn được nhiều, đem về bán chỉ được 5.000-10.000 đồng. Còn những ngày thường khi cảm thấy trong người tạm ổn, bà ra cánh đồng gần nhà bắt cua, bắt ốc, mót lúa cho bầy vịt, bầy gà.
Ăn dưa leo chấm tương hột quanh năm
Nhà bà Sáu Dẫu nằm sâu trên con đường đất ngoằn ngoèo giữa rừng bạch đàn và những vuông tôm san sát. Nơi tưởng như là tận cùng thế giới, mảnh đất gần một thế kỷ qua đã chứng kiến một cuộc đời không thể lam lũ hơn, thuộc địa phận ấp Lạc Hòa, xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Căn nhà nằm trên miếng đất khoảng 500 m2 do cha mẹ bà để lại. Đó là gian nhà gạch một mái lợp tôn do chương trình Căn nhà mơ ước của Đài Truyền hình HTV về xây cất cho bà cách đây gần bốn năm, cạnh căn chòi nát vốn là nơi ở của hai mẹ con bà từ mấy chục năm qua. Ở trong nhà bày lỉnh kỉnh cái tủ chén, bàn cơm, bộ giường. Tất cả đều cũ nát. Trên bếp củi chỉ có chỏng chơ một nồi tương hột - thức ăn duy nhất của hai mẹ con từ mấy hôm nay, chấm với dưa leo. 90 năm chứ có ít gì, no ấm đành đoạn phớt lờ sự tồn tại của bà. Như ngán ngại với khách cảnh nghèo của gia đình mình, bà cười giả lả và bất ngờ cất lên tiếng hò não ruột: Hò… hơ… ơ… nhà tui đã rách nát/ Công chuyện tôi bê bát quá nhiều/ Cô bác ơi gạo chạy sớm mơi thì có nấu… Hò ơ… gạo chạy sớm mơi thì có nấu còn chạy cái nồi chiều thì không…
Hiện tại nguồn thu nhập căn bản của hai mẹ con bà Sáu vỏn vẹn gồm khoản tiền Nhà nước trợ cấp cho người già 180.000 đồng/tháng và 270.000 đồng/tháng tiền trợ cấp cho người bệnh tâm thần. Số tiền này chỉ đủ để bà mua gạo, mắm muối và thuốc men cho hai mẹ con. Lâu lâu bà đi bắt cá, chủ yếu cho đỡ nhớ bãi sông, chứ kỳ thực 5.000-10.000 đồng bà kiếm được chẳng thấm vào đâu. Muốn bữa ăn ngoài món tương chấm dưa leo trường kỳ còn có thêm chút thịt cá cho con gái mình đỏ da thắm thịt, bà cố gắng nuôi thêm bầy vịt, đàn gà. Thức ăn thì người ta thương tình bán “chịu” cho bà, đến khi bầy gà, bầy vịt lớn bà bán có tiền thì trả cho họ. Khoảng hơn hai tháng bà bán một lứa vịt, gần năm tháng thì bán lứa gà, mỗi đợt bà kiếm lời được khoảng 500.000 đồng.
Vui vẻ lo cho đứa con điên
Mùa xuân của mọi người đang kéo về đến tận cửa. Mùa xuân duy nhất của đời bà, hơn bốn chục năm qua cứ điên dại ở trong nhà. Con gái của bà Sáu tên Loan, bà gọi là “con Út”. Theo bà, chị sinh ra bình thường khỏe mạnh, được bà cho đến trường biết đọc biết viết nhưng đến năm 19 tuổi, sau trận cảm, bỗng dưng chị đâm ra ngơ ngẩn. Bệnh nặng dần, chị hay nói lảm nhảm, có khi khóc lóc, đập phá đồ đạc. Đi khám thì bác sĩ cho biết chị bị tâm thần phân liệt. Bà phải chạy vạy thuốc thang liên tục cho chị đến khi bệnh tạm thời ổn định. Nhưng cũng từ đó, người mẹ già phải chăm bẵm cô con gái ba, bốn chục tuổi không khác chăm một đứa trẻ. Chị bị nặng tai cũng từ đó, bà nói chị không nghe, mà dù có nghe cũng không hiểu. Công việc trong nhà như cơm nước, dọn dẹp, nuôi bầy vịt… bà sai một đằng, chị làm một nẻo nên rốt cuộc bà phải lọ dọ tự tay làm hết. Bà Chín, người hàng xóm đến chơi, nói góp: “Kỳ lạ là tui chưa bao giờ thấy bà Sáu quạu quọ, rầy la cô Út, ngược lại bả cứ lẳng lặng, vui vẻ lo cho cổ”. Thì đó, nhìn nồi gạo ngâm nước đầy tràn chị vừa đem vào nhà, bà bật cười: “Chèng ơi, vo gạo kiểu này ăn sao hết hả con? Thôi lỡ rồi…”.
Hò để quên khổ cực
Bà Sáu cũng từng có một gia đình sum vầy với chồng và bốn đứa con. Lấy chồng, bà theo chồng về Long Thành, Đồng Nai sinh sống. Chồng bệnh mất, bà dắt các con trở về quê ngoại, cất căn chòi trên mảnh đất này. Nhà không tài sản, ruộng vườn, con trai lớn bỏ đi làm ăn biệt xứ, đến nay bà không biết anh ở đâu mà tìm. Con trai giữa cũng bỏ bà mà đi rồi bệnh chết ở Vũng Tàu. Anh Đẹt, con trai út của bà, thì ở gần nhà. Anh nghèo xác nghèo xơ, theo ghe đi đánh cá thuê ở ngoài biển Vũng Tàu mươi bữa, nửa tháng mới về nhà một lần nên chẳng đỡ đần gì được cho bà. Gia đình còn lại một mẹ, một con gái, ngỡ có thể an ủi cho tuổi già của bà, nào ngờ gánh nặng cơm áo bà phải lo cho cả hai mà đau bệnh, vui buồn bà chỉ biết ôm vào thân một mình. Thương con, thương mình, bà ngó chị Út, bật lên câu hò không có trong sách vở: Hò… hơ.. ơ… ví dầu con có ẩm ương… mẹ đây cũng một lòng thương cho tròn…
An ủi cho bà Sáu trong cảnh tuổi già cơ cực, cùng bà chống chọi lại nỗi sợ một ngày rất gần bà nằm xuống chị Út sẽ cù bất cù bơ là những câu hò đối đáp đã đi vào máu thịt của bà. Một thời con gái, nó là niềm vui của bà trên cánh đồng vào mùa cấy mạ, gặt lúa. Tuổi già, câu hò đỡ đần giùm bà mệt nhọc trên bãi sông, ngoài cánh đồng. “Coi vậy chớ vừa bắt cá, bắt ốc vừa hò vài ba câu, lần quần hết buổi lúc này không hay” - bà nói. Rồi say sưa, bà cất giọng run run hò như đang trở về thời con gái xa lắc: Hò… hơ… ơ… lưới thưa em bủa con cá duồng, ở nhà em mà có chuyện… hò… ơ… ở nhà em mà có chuyện… em bơi xuồng đi kiếm anh…
End of content
Không có tin nào tiếp theo