Khám phá

Cử nhân loại giỏi vẫn thất nghiệp

Nhiều cử nhân tốt nghiệp loại giỏi vẫn thất nghiệp vì thiếu kỹ năng làm việc. Thực tế, những gì họ được học trên giảng đường rất xa lạ với nhu cầu tuyển dụng.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phát triển (DEPOCEN), cho hay trung tâm từng nhận được nhiều  hồ sơ xin tuyển dụng của các tân cử nhân với bảng điểm đẹp. Thế nhưng, có những sinh viên tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ nhưng dịch không được mà giao tiếp với khách hàng người nước ngoài cũng rất khó khăn.

Thiếu kỹ năng thực hành


Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo của sinh viên đều có vấn đề. Khả năng lướt web của họ rất nhanh nhưng trình bày bản chuẩn trên Word, Excel thì lại không làm được. Theo TS Nguyễn Ngọc Anh, ngay cả với các cử nhân khoa học tự nhiên như ngành toán thì cũng chỉ một số ít xác định rõ công việc thực sự là gì nên có sự chuẩn bị phù hợp. “Nhiều người đến phỏng vấn nhưng không biết nhà tuyển dụng cần vị trí gì, công việc như thế nào” - ông cho biết.

Một luật sư có tiếng, hiện đang là trưởng một văn phòng luật sư ở Hà Nội, kể không ít cử nhân mang hồ sơ xin việc đến văn phòng nhưng nhà tuyển dụng nhanh chóng thất vọng khi nhận ra những thứ học được trên giảng đường hóa ra rất xa lạ với đòi hỏi của công việc thực tế. “Chúng tôi gần như không cần đến những mớ khái niệm, phạm trù, nguyên tắc, đặc điểm mà sinh viên học được trong nhà trường.

Cái mà chúng tôi cần là kỹ năng thực hành, kiến thức về sự vận hành của luật pháp trong thực tiễn, chứ không cần sự trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật vì có thể tra cứu không khó khăn gì. Điều quan trọng nhất trước một vụ tranh chấp là thân chủ cần biết được trong thực tiễn, tòa án sẽ phán quyết thế nào chứ không phải là kết quả sẽ ra sao nếu vận dụng các nguyên tắc luật học chung chung. Vì thế, rất nhiều cử nhân luật bị chúng tôi từ chối” - ông giải thích.
 

Ứng dụng thay nghiên cứu hàn lâm


Mục tiêu của giáo dục đại học là đến năm 2020, ít nhất 70% sinh viên được đào tạo theo định hướng thực hành. Đó là định hướng đúng, do vậy, đã có một số trường đại học khởi động triển khai chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng thay vì nghiên cứu hàn lâm. Chương trình này được đánh giá là có ưu điểm vượt trội về kiến thức thực tế, thực tập và ứng dụng, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo, nhạy bén và biết nắm cơ hội ngoài kiến thức chuyên môn như các chương trình truyền thống. Sinh viên chương trình này cũng được đánh giá là tích cực, năng động và tự tin hơn, khả năng có việc làm sau khi tốt nghiệp cũng cao hơn…

Ưu điểm nhiều nhưng việc nhân rộng các chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng thực sự rất khó khăn. Hiện có tới 6/8 trường thực hiện chương trình này coi mình là trường định hướng nghiên cứu. GS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, phân tích: Học phí của chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng cao gấp nhiều lần so những chương trình truyền thống khiến sự lựa chọn của người học với chương trình này không cao. Đó là chưa kể đến việc các chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử nên điểm số của sinh viên cao hơn hẳn.

TS Phạm Thị Ly, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, cho rằng chính thói quen quan tâm đến bảng điểm hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ở nhiều nhà tuyển dụng đang ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng. Nếu theo chương trình này, sinh viên khó có được một bảng điểm đẹp bởi  dự án thực hành, bài tập nhóm cũng như những kỹ năng thực hành… có yêu cầu cao. Hơn thế, tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội đã tạo ra những lo ngại về khả năng chuyển tiếp lên học các bậc học cao hơn của sinh viên chương trình đào tạo nghề nghiệp - ứng dụng.

42% bị từ chối

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), có tới 26,2% cử nhân được khảo sát chưa hoặc không tìm được việc làm. Trong số này, có tới 58,2% không biết xin việc ở đâu, 42% còn lại cho hay bị nhà tuyển dụng từ chối do không đáp ứng được yêu cầu. TS Đào Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách, cho biết ngay cả những cử nhân đã đi làm cũng gặp không ít thách thức, khi 61% nói mình thiếu kỹ năng làm việc, 42% thiếu kinh nghiệm và có tới 32% thiếu kiến thức chuyên môn.

 

 

Hải Yến (Theo Người lao động)

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo