Cụ ông 70 tuổi chế tạo ra những chiếc sọt rác độc nhất vô nhị
Những chiếc sọt rác bảo vệ môi trường của cụ ông 70 tuổi
Gần 2 năm nay, những người hay lưu thông qua đường Hà Mục (Phường Hòa Thọ Đông - Quận Cẩm Lệ - TP Đà Nẵng), đã quá quen thuộc với hình ảnh một cụ ông hằng ngày ngồi lom khom trên vỉa hè để đan từng chiếc sọt rác bằng những sợi dây đai nhựa.
Ông Đoàn Túc cho biết, trước đây ông vốn là thợ may nệm, nhưng gần 2 năm nay do sức khỏe yếu nên ông phải nghỉ việc, ở nhà làm “thợ đụng”. Năm 2015, khi Đà Nẵng phát động “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, ông Túc nảy sinh ý tưởng sẽ làm một việc gì đó để góp phần giúp thành phố xanh – sạch – đẹp hơn.
Thấy những con đường quanh khu dân phố mình sống rất ít những sọt rác công cộng, một số nơi thì đặt các thùng xốp, thùng sơn, bịch ni lông,… nhếch nhát. Vốn đã có nghề đan bội tre “làm vốn” nên ông nảy ra ý tưởng đan sọt đựng rác từ các dây đai nhựa phế thải. Ngay sau khi loé lên ý tưởng, sáng hôm sau ông vội vàng đến các công ty bán gạch men gần khu dân cư để xin dây đai nhựa phế thải và thép.
Có được vật liệu, ông Túc bắt tay vào “chế tạo” ra những chiếc sọt rác “độc nhất vô nhị” của mình. Lúc đầu, thấy ông lụi hụi ngồi đan vật dụng kỳ lạ, nhiều người đi qua trêu chọc ông rảnh quá nên hóa rồ. Thế nhưng, bỏ ngoài tai những lời gièm pha, ông tiếp tục mày mò để hoàn thiện chiếc sọt rác của mình.
Nhưng không phải ý tưởng nào cũng thành công ngay từ ban đầu, phải qua nhiều lần cải tiến để hoàn thiện thì đến nay sọt rác bằng dây ni lông của ông có chiều cao 0,5m, chiều rộng là 0,4m và có độ bền có thể lên đến 10 năm.
Cụ Túc cho biết, đây là loại dây đai nhựa dùng để đóng gói các loại gạch men, loại dây này rất bền, ông đã biết đến loại dây này từ khi còn làm nệm cho ghế salon. Cứ vài ngày ông lại đạp xe đến khắp các cơ sở bán gạch men để xin dây bỏ đi về đan sọt.
Hằng ngày, ông cụ lom khom từ sớm đến đêm cũng chỉ đan được tầm 3 chiếc sọt. Cứ lặng lẽ như thế, gần 2 năm nay đã có hơn 300 chiếc sọt đựng rác “made in ông Túc” được ra đời. Mỗi chiếc sọt rác ông Túc bán với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng, tùy theo yêu cầu của người đặt mua.
Ban đầu, chỉ có một số người hàng xóm mua sọt rác để giúp ông Túc có tiền mưu sinh. Dần dần, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người đến “đặt hàng” những chiếc sọt rác “hand made” của lão nông này. Cứ thế, suốt 2 năm nay, những chiếc sọt rác bằng dây đai nhựa của cụ ông U70 đã phủ sóng khắp nhiều con đường tại phường Hòa Thọ Đông.
Việc làm đáng trân trọng của cụ ông U70
Không chỉ đan sọt để kiếm tiền trang trải cuộc sống, mà cứ mỗi khi đi qua ngõ 3, ngã 4 nào thấy không có thùng đựng rác, ông Túc đều lặng lẽ mang sọt của mình đến đặt để mong cải thiện môi trường ở những nơi công cộng này. Đặc biệt, bà con nào muốn mua sọt rác của ông nhưng thiếu tiền thì ông lại biếu không…
Với nụ cười thân thiện, ông Túc nói: “Tôi rất vui khi hằng ngày ngồi đan từng chiếc sọt như vậy, vì công việc này không chỉ giúp cho cuộc sống của tôi mà tôi còn vui khi thấy khu phố mình sống sạch đẹp hơn nhờ những chiếc sọt do mình đan và được mọi người nhiệt tình ủng hộ như vậy…”.
Ông Đoàn Anh - Chi hội trưởng Hội Nông dân khu dân cư số 19 (Phường Hòa Thọ Đông) cho hay, nhờ việc làm của ông Túc cùng với ý thức của người dân đã làm cho những con đường trong khu vực mỹ quan hơn, không còn tình trạng lộm thộm như lúc trước.
Trao đổi với Dân Việt, bà Nguyễn Thị Tố Trang - Chủ tịch hội nông dân phường Hòa Thọ Đông cho biết: Những sọt đựng rác của cụ Túc đạt tiêu chuẩn, chất lượng và tiêu chí do địa phương và các đoàn thể đề ra nhằm góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan khu vực, đồng thời hưởng ứng các "Năm Văn hóa, văn minh đô thị".
“Đây là mô hình rất hay lại còn mới mẻ của địa phương. Thay vì bỏ đi những sợi dây đai nhựa tại các cơ sở gạch men, ông Túc đã tận dụng lại những “phế phẩm” này để tạo ra những chiếc sọt rác vô cùng chắc chắn và đẹp mắt, lại thân thiện với môi trường. Trước mắt, chúng tôi đang chọn đường Hà Mục làm nơi thí điểm mô hình này và sẽ nhân rộng ra toàn địa bàn trong thời gian tới…”, bà Trang nói.
"Địa phương đang xem xét việc nhân rộng mô hình sọt rác bằng dây ni lông của cụ ông Đoàn Túc trên toàn địa bàn nhằm góp phần mang lại mỹ quan cho các khu dân cư và nơi công cộng…”. - Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh - Phó Chú tịch UBND phường Hòa Thọ Đông khẳng định.
End of content
Không có tin nào tiếp theo