Cụ rùa đá tái xuất sau gần 500 năm ở vùng đất thiêng Trà Bát
Những bảo vật linh thiêng mà bao thế hệ người dân trong làng dày công gìn giữ cũng dần thất lạc theo thời gian. Ngỡ, thế là hết! Nhưng...
Đào móng nhà "quật" lên rùa "khủng"
Hơn hai mươi năm trước, khi còn là những cậu bé tóc để chỏm đào, theo vào giấc ngủ của chúng tôi là những câu chuyện huyền bí về vùng đất Trà Bát. Phủ chúa nguy nga, tráng lệ, bức tượng Phật linh thiêng chẳng ai dám mạo phạm cho đến con rùa bằng đá vôi khổng lồ án ngữ vùng đất... sống động qua từng lời kể của các vị già làng. Những đứa trẻ ngày xưa giờ đã lớn khôn. Bí ẩn của vùng đất Trà Bát cũng chỉ còn là kỷ niệm tuổi thơ. Nhưng rồi đột ngột một ngày cuối tháng Ba, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại khẩn của bác Nguyễn Huỳnh (Trưởng thôn Trà Liên) bảo về quê có chuyện gấp, làng vừa phát hiện bảo vật... quốc gia.
Trưa hôm sau, đón chúng tôi tại đình làng Trà Liên, khuôn mặt người trưởng thôn tuổi ngoài 60 phơi phới đến lạ. "Miềng đi luôn ra chỗ nớ cho kịp bữa trưa nghe mấy cháu...", nói rồi bác Huỳnh hăng hái làm "hoa tiêu" dẫn đường. Ra đến đầu làng, bác nhắc: "Mấy con xăn cùn (xắn quần) lên tận trục cúi (đầu gối) chớ không bùn hắn dính hết vô người chừ...". Tất tả vén quần lên tận đầu gối, lần từng bước một, chúng tôi lội ra đám ruộng cách cổng làng Trà Liên chừng chục mét. Trước mặt chúng tôi là một "ụ" đất nhô cao hẳn lên khỏi mặt ruộng, dài 1m, bề ngang khoảng 0,6m, xung quanh là những tảng đá xếp thành vòng tròn bao lấy "ụ" đất.
Lấy hộp diêm quẹt lửa thắp bó nhang đã chuẩn bị từ trước, bác trưởng thôn đưa cho mỗi đứa ba nén nhang. Cầu khấn một lúc rồi bác thắp nhang lên "ụ" đất, tay bác run run bới từng gọng cỏ, cục đất đắp lên nấm mộ. Chỉ vào "ụ" đất, bác Huỳnh cho biết: "Đây chính là mộ rùa đá của làng Trà Liên, mộ chỉ vừa được lập mới đây thôi, nhưng cơn bão số 10 càn quét qua nên xung quanh mộ đều xăm xắp nước. Cũng vì bị nước xói mòn nên một phần mai rùa đá đã bị lộ thiên".
Nhìn vẻ hoang tàn của ngôi mộ, bác Huỳnh ngậm ngùi: "Chỉ chút nữa thôi là chẳng ai biết đến sự tồn tại của con rùa đá này rồi!". Nguyên chủ nhân khu đất này là của gia đình anh Trịnh Hải Hùng. Nhà chỉ có hai anh em nên gia đình chia đôi mỗi người một nửa đất để xây nhà ra ở riêng. Chiều 18/3/2013, khi gia đình anh Hùng đào móng nhà thì chạm phải những khối đá lớn nằm cách mặt đất chừng hơn nửa mét. Lấy hết những khối đá lên, anh Hùng phát hiện một con rùa đá khổng lồ ở dưới. Điều lạ là con rùa đá chỉ có ba chân, ở trên mai rùa còn có một tấm bia khắc chữ Hán.
Phát hiện báu vật thiêng của làng nhưng lại sợ làng biết không cho xây nhà trên khu đất này nữa, nên gia đình anh Hùng phủ một lớp đất mỏng lên rùa để không ai biết. Chờ cho trời tối hẳn, anh Hùng làm một mâm lễ cúng bái, bảo người nhà đào con rùa đá lên, bỏ xe bò chở lên bãi đất gần nghĩa địa của làng để chôn. Mọi việc hoàn tất nhưng cho dù đã ngồi ở nhà hơn tiếng đồng hồ, anh Hùng vẫn thấy ruột mình nóng ran. Vắt tay lên trán suy nghĩ một hồi, anh quyết định bảo người nhà ra khu đất xúc hết lớp đất vừa đào, đem ra bãi bồi gần sông ái Tử đổ. Đến gần nửa đêm mọi việc mới hoàn tất, mệt rã rời, người đàn ông ngủ một giấc dài đến sáng.
Giai thoại “rùa thần” báo oán, dân làng phạt vạ
Mọi chuyện xảy ra đêm 18/3/2013 có lẽ sẽ rơi vào quên lãng nếu không có sự nghịch ngợm của tụi trẻ con trong làng. Đêm đó trăng rằm nên lũ trẻ rủ nhau ra bãi đất gần bờ sông chơi trốn tìm. Lúc đó phát hiện người nhà anh Hùng đem chở đất đi đổ, chúng đem chuyện này về nói với mấy người trong làng. Ngày hôm sau, câu chuyện có người đổ đất ra bờ sông nhanh chóng lan đi khắp làng. Ban đầu, mọi người chỉ nghĩ là chuyện bình thường nhưng sau khi xâu chuỗi toàn bộ sự việc, người làng mới đặt ra nghi vấn: "Tại sao nhà ở đầu làng mà phải chở đất ra tận bờ sông, cách đó khá xa để đổ? Rồi tại sao không đổ vào ban ngày mà lại đổ vào ban đêm?...".
Chuyện truyền tới tai các bậc bô lão trong làng và ông trưởng làng đến tận nhà anh Hùng để hỏi cho ra nhẽ. Biết không thể giấu được nữa, anh Hùng mới đem toàn bộ câu chuyện ra thuật lại. Vừa nghe chuyện, ông nổi giận bừng bừng, bắt gia đình anh Hùng chuẩn bị sắm sửa lễ rồi tới tận nhà từng ông trưởng tộc trong làng mời các ông ra cúng tế để tạ lỗi và thỉnh “cụ rùa” về chỗ cũ.
Sáng 20/3, có mặt đông đủ bà con trong làng, các cụ trong ban trị sự làng Trà Liên mới làm lễ tế trời đất, tạ lỗi với tổ tiên xin thỉnh "cụ rùa" về. Bốn thanh niên chưa vợ nhận nhiệm vụ đào đất, khiêng rùa đá lên khỏi mặt đất.Tuy nhiên, đào hết lớp đất mặt mới phát hiện kích cỡ "khủng" của "cụ rùa". Rùa đá làm bằng đá vôi, dài hơn 1m, bề ngang cũng hơn nửa mét, nặng hơn nửa tấn nên làng phải huy động thêm 4 thanh niên nữa mới khiêng nổi.
Rùa đá được đào lên đem về chôn ở chỗ cũ, một nấm mồ mới được đắp lên, các khối đá lúc trước được xếp thành vòng tròn quanh ngôi mộ. Phần đất gia đình anh Hùng lỡ đem đổ ngoài sông cũng bị làng "phạt" phải xúc bằng hết về đổ quanh ngôi mộ rùa. Riêng tấm bia đá có khắc chữ, làng nhờ người dịch nghĩa là chữ "Việt" và chữ "ân" nên giao cho một cụ có uy tín trong làng cất giữ. Nhiều người còn đồn rằng, vì mạo phạm "rùa thần" mà gia đình anh Hùng bị thần linh trách tội chẳng những không xây được nhà mà ăn ở không yên. Làm ăn thất bát phải tha phương cầu thực.
Rùa đá mất chân "tái xuất" sau gần 500 năm?!
Khi được hỏi về lai lịch của con rùa đá, khuôn mặt vị trưởng thôn như chùng xuống, rồi bác tâm sự: "Bác gọi chúng con về đây cũng là vì chuyện này, hiện tại thì vẫn chưa có nguồn tài liệu chính thức nào nói về mộ rùa đá, nguồn gốc con rùa đá thì chỉ là những phỏng đoán mang tính cá nhân chứ chưa có cứ liệu xác thực chính xác...".
Khi mộ rùa đá được phát lộ, cụ Nguyễn Cầu (88 tuổi, trưởng tộc Nguyễn Công) cho rằng: "Đây có thể là cổ vật trong lăng Cồn Rùa trước đây và có tuổi thọ trên 400 năm. Lăng Cồn Rùa được xây dựng vào buổi đầu mở cõi của vương triều nhà Nguyễn. Quá trình khai khẩn đất đai, ông đã cho xây dựng lăng Cồn Rùa to nhất làng Trà Liên. Qua mấy trăm năm tồn tại, đến thời chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, lăng Cồn Rùa bị bom đạn phá tan tành, những cổ vật trong Lăng cũng bị kẻ gian đánh cắp gần hết... Con rùa đá khổng lồ này có thể chính là một trong hai con rùa đá từng án ngữ trước lăng Cồn Rùa xưa".
Không đồng tình với ý kiến của cụ Cầu, một số vị bô lão khác trong làng lại phán đoán theo một hướng khác. Các cụ cho rằng, nơi đây từng một thời là Dinh chúa Trà Bát oai hùng. Mà bất cứ cung vua, phủ chúa nào trước khi xây dựng đều triệu tập quần thần xem địa thế phong thủy, "bắt" long mạch mới tiến hành xây dựng. Bên cạnh đó, phong thủy cả Hán lẫn Việt đều có nói về việc dùng rùa làm bằng đá để trấn yểm long mạch, bảo vệ cho vùng đất.
Nếu nhìn căn cứ vào hình thù "cụ rùa”, đó là một con rùa đá ba chân, đại ý bày tỏ ước nguyện thế đất vững chắc như kiềng ba chân. Một điều nữa, cổng làng Trà Bát xưa và Trà Liên ngày nay đều được xây dựng đúng nguyên một địa điểm, con rùa đá lại được chôn ngay đầu làng, chỉ chếch cổng làng có vài mét. Vì vậy, nhiều khả năng đây chính là con rùa đá được các thế hệ cha ông chôn xuống để trấn yểm cho vùng đất Trà Bát.
Dù cho lai lịch con rùa đá khổng lồ ba chân ở làng Trà Liên vẫn đang còn là bí ẩn chưa có lời đáp thấu đáo. Tuy nhiên, từ khi phát hiện mộ rùa đá, dân làng chúng tôi coi đó như vật thiêng của làng và bảo vệ nghiêm ngặt không cho người lạ đem đi nơi khác. Vào mỗi ngày rằm, người dân trong làng có thể đến mộ rùa thắp hương cầu mong những điều tốt lành.
Kinh Doanh & Pháp Luật
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo