Sau khi cử tri Tân Bình kiến nghị không nên xây dựng sân bay Long Thành, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không đã chính thức lên tiếng.
PV: UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xem xét kiến nghị của cử tri quận Tân Bình về việc không nên xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, với lí do sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) vẫn chưa sử dụng hết công suất của mình. Thưa ông, quan điểm của Cục hàng không ra sao trước nhận định này?
Ông Lại Xuân Thanh: TSN đã sử dụng hết công suất chưa thì phải nói rõ là TSN đã sử dụng hết công suất thiết kế rồi.
Cụ thể, năm 2013 đã có 20 triệu hành khách, những tháng đầu năm 2014, tốc độ tăng trưởng hơn 20%, như vậy con số đã đủ nói lên tất cả.
Mà việc xây dựng sân bay Long Thành nếu bây giờ tất cả đều thông qua, thì sớm cũng phải 8 năm, còn bình thường cũng phải là 10 năm mới xây dựng xong. Trong 8 năm lấy đâu ra sân bay để phục vụ lượng hành khách ngày càng tăng.
Thủ tướng cũng đã quyết định tiếp tục phải làm sao TSN đạt được công suất theo quy hoạch 25 triệu hành khách/năm. Cho đến nay đã đạt gần 23 triệu hành khách/ năm của 2014. Công suất tối đa của dự án mới là 26 triệu hành khách, như vậy chỉ cần qua đến 2016 thì hết công suất.
Mặt khác, con số thống kê về lượng hành khách sân bay TSN từ trước đến nay của TPHCM đều không đúng. TPHCM đã phải có công văn cho ngành hàng không xin lỗi chuyện đưa ra con số sai lêch, khi khẳng định số lượng hành khách TSN giảm. Nó thấp hơn số liệu thống kê chính thức báo cáo nhà nước.
PV: Thậm chí các cử tri còn kiến nghị rằng đất nước ta hiện đang còn nghèo, không nên vay vốn ODA để xây dựng sân bay làm gì. Ông nghĩ sao?
Ông Lại Xuân Thanh: Hội đồng thẩm định dự án cũng đã bàn về việc xây dựng sân bay có phù hợp với chính sách của Đảng, nhà nước hay không, dựa theo Nghị quyết 13 về đột phá phát triển kết cấu hạ tầng.
Mà kết cấu hạ tầng hàng không cũng là một hạng mục quan trọng. Nếu các cử tri cứ bám vào chuyện TSN, bám vào Biên Hòa, thì không ổn vì không thể dùng 2 sân bay này được. Nếu dùng Biên Hòa thì phải bỏ TSN, nếu mở rộng TSN thì kịch kim lấy hết đất thuộc về quốc phòng thì cũng chỉ đến khoảng 40 triệu hành khách/năm.
Thế nhưng, theo tiêu chuẩn của ICAO về phát triển bền vững, tiếng ồn, không thể phát triển thêm được. Biên Hòa cũng không thể phát triển lên nữa.
Thêm nữa, là việc lấy đất cũng không khả thi, giải phóng 140 nghìn dân giữa thành phố là không tưởng, có tiền chắc chắn cũng không làm được. Dù có làm như thế chả lẽ chúng ta chỉ đóng đô ở sân bay lớn nhất có 40 triệu hành khách/năm.
Trong khi nhìn xung quanh khu vực tất cả các nước đều quy hoạch 100 triệu hành khách/năm, trung bình khai thác sân bay lớn đã là 50 - 60 triệu hành khách/năm. Chúng ta chả lẽ chỉ nhìn tương lai đóng đinh ở 1 quy hoạch là 30 - 40 triệu hnnh khách/năm.
Rõ ràng muốn đất nước trở thành 1 nước công nghiệp, muốn kết cấu hạ tầng là đột phá để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhưng lại không muốn nâng cao cơ bản cho công nghiệp, như vậy hoàn toàn không chấp nhận được.
Còn căn bản chúng tôi cũng đã phải trả lời nhiều câu hỏi: Tiền đâu ra? Nếu vậy, thì cũng cần hỏi làm dự án Biên Hòa, TSN ở đâu ra.
Trong khi tiền cho dự án Biên Hòa, TSN cao hơn Long Thành. Tức là, nếu không đóng đô 25 triệu hành khách/năm, thì không giải được bài toán tiền đâu ra, tiền mở rộng TSN nhiều hơn xây mới Long Thành. Tiền bỏ ra lớn hơn, đi liền với quy hoạch lâu dài của 1 đất nước phát triển công nghiệp hóa thì không nhìn thấy tương lai.
PV: Nói như vậy, có nghĩa các nhà quản lý đã tính toán xong bài toán về nguồn vốn đầu tư?
Ông Lại Xuân Thanh: Nguồn vốn chúng tôi sẽ tính, nhưng đừng nghĩ rằng xây Long Thành là mất tiền. Chẳng lẽ dự án khác không mất tiền.
Chúng ta cứ ngồi kêu tiền đâu ra để không làm, thì chỉ đóng đô ở TSN 25 triệu hành khách/năm, chấm hết.
Sao chưa bao giờ đặt câu hỏi: Muốn mở rộng TSN ra thì tiền cũng đâu ra?. Trong khi tiền đó cao hơn xây Long Thành mới, còn Biên Hòa cao hơn rất nhiều lần, đất không thể mở rộng.
Hiện nay, Biên Hòa không có 1 con đường nào tiếp cận được, nhưng nếu muốn làm thì tiền gấp đôi tại. Vì sao vậy?
Thứ nhất, phải xây một căn cứ quân sự khác, để thay cho căn cứ Biên Hòa, nghĩa là đi làm 1 sân bay khác. Đó là chưa tính kinh phí di chuyển bộ đội từ Biên Hòa sang sân bay khác.
Thế mới thấy, vẫn còn nhiều yếu tố "'điểm liệt" đầy rẫy.
PV: Thưa ông, bên cạnh việc không đồng tình xây sân bay Long Thành, cử tri quận Tân Bình còn tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng giải tỏa sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và thu hồi ngay đất xây sân golf để mở rộng sân bay. Bên Cục đã tính toán đến vấn đề này?
Ông Lại Xuân Thanh: Bây giờ giao toàn bộ đất sân golf cho hàng không, nếu muốn nâng lên công suất 40 triệu hành khách/năm thì phải làm thêm đường băng, đất làm nhà ga, giải phóng 1 số lượng hộ dân khổng lồ, giữa thành phố, giao thông tiếp cận, chưa tính đến việc GPMB để làm 1 đường giao thông tiếp cận khác vào khu đó.
Người ta cứ nói đến sân golf, cho sân golf hàng không dân dụng để làm gì? Việc xây sân golf hay không xây sân golf đều không giúp nâng công suất của TSN lên.
Bởi nếu tăng công suất nhà ga, sẽ gây tắc nghẽn trên vùng trời không thể lên được 40 triệu hành khách/năm.
Hiện nay, vùng trời đã tắc nghẽn vì có sự hoạt động của sân bay Biên Hòa. Sân bay này nhằm phục vụ an ninh quốc phòng, đường bay ra Biển Đông phục vụ chiến lược biển.
Cho nên, vùng trời của TSN cực kỳ bị bó hẹp, vì hoạt động quân sự, vì nằm giữa thành phố, vì các khu vực cấm bay...Về vùng trời cũng không thể đạt được công suất nâng lên 40 triệu hành khách/năm.
Vì vậy, nâng năng suất của TSN lên 40 triệu là điều không tưởng, nếu muốn phải di dời Biên Hòa ra chỗ khác, thì TSN mới có thể đạt được 40 triệu hành khách/năm. Lúc đó lại ra sân bay Long Thành thì tiền đầu tư đã mất nhiều hơn rồi.
PV: Cũng theo văn bản kiến nghị, người dân quận Tân Bình còn cho rằng việc xây dựng nhà hàng, khách sạn, nhà cao tầng trong sân bay sẽ ảnh hưởng đến đường bay, gây nguy hiểm. Điều này có đúng?
Ông Lại Xuân Thanh: Cái này chúng tôi đã giải trình kỹ với quốc hội, những công trình nhà ở đó, về an toàn nó là nha bỏ không hay nhà hàng thì cũng giống nhau.
Cục đã cấp phép thì sẽ không liên quan đến an toàn bay của TSN, có tiêu chuẩn rõ ràng rồi, chúng tôi chỉ quan trọng công trình đó độ cao bao nhiêu, có tác dụng đúng tiêu chuẩn ICAO không?
Nhà hàng, khách sạn, nhà dân mức độ an toàn phụ thuộc độ cao, chứ không phụ thuộc tính chất công trình, nếu nhà hàng nằm trong tiêu chuẩn cấp phép thì cũng đã đáp ứng được tiêu chuẩn về tĩnh không.
PV: Cho đến nay, dưới sự ủng hộ của Thủ tướng, cùng những kế hoạch cụ thể cho dự án xây sân bay quốc tế Long Thành, tất cả có diễn ra thuận lợi không, thưa ông?
Ông Lại Xuân Thanh: Chúng tôi, hiện nay, không nói đến chuyện cần thiết nữa, tại vì nó cần thiết lắm rồi, không nói mở rộng TSN, Biên Hòa nữa, vì không khả thi.
Tất cả chỉ tập trung vào xây dựng sân bay Long Thành. Thứ nhất, tập trung việc GPMB, bồi thường, tái định cư, công ăn việc làm cho người dân ra sao, tỉnh Đồng Nai sẽ chịu trách nhiệm trình bày với Quốc hội về việc này.
Thứ hai, xem xét tính hợp lý về quy mô 5000 ha, các giai đoạn phát triển của Long Thành.
Thứ ba, nguồn vốn kiến nghị cơ chế chính sách, đây là công trình đơn lẻ lớn nhất từ trước đến nay.
Thứ tư, xem xét hiệu quả của đồng vốn, có 2 phương án, giải trình rõ chứng minh được hiệu quả đầu tư nguồn vốn.
Cuối cùng, làm rõ dự án đầu tư về giao thông tiếp cận, như kiểu cầu làm xong mà không có đường dẫn, vấn đề này rất được quan tâm, nếu hợp lý ngành GTVT cần đưa ngay vào dự án để cho nó phát triển cùng với dự án xây Long Thành.
Báo Đất Việt