Cúm A/H7N9 quá nguy hiểm!
Tỉ lệ tử vong quá cao
Cục Quản lý khám chữa bệnh đã có văn bản hỏa tốc gửi các bệnh viện, yêu cầu tăng cường khám, phát hiện các trường hợp viêm phổi nặng không rõ nguyên nhân, lấy mẫu xét nghiệm để kịp thời phát hiện bệnh nhân cúm A/H7N9.
Ngày 10/4, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm cúm A/H7N9 ở người. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, virus cúm A/H7N9 là một chủng mới, có nguồn gốc gene từ virus cúm gia cầm và một số loài chim, có khả năng gây nhiễm cho người dẫn đến viêm phổi nặng tiến triển nhanh, tỷ lệ tử vong cao.
Theo Bộ Y tế, đường lây truyền của virus cúm A/H7N9 hiện tại chưa được hiểu rõ và chưa có bằng chứng về sự lây truyền virus từ người sang người. Theo Hướng dẫn, các ca bệnh nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9 là có biểu hiện lâm sàng như đã có tiền sử đi vào vùng có ca bệnh, tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh, tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ. Bên cạnh đó, người bệnh có các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp như: Sốt, ho, khó thở, có tổn thương mô phổi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho hay, về công tác chẩn đoán, Bộ Y tế yêu cầu những bệnh phẩm để chẩn đoán người nhiễm cúm gồm dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản, dịch phế nang… Đối với các trường hợp đầu tiên nghi nhiễm cúm A/H7N9, các đơn vị cần lưu mẫu và chuyển mẫu đến các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép khẳng định.
Về nguyên tắc điều trị, Bộ Y tế nêu rõ, các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để chẩn đoán xác định bệnh. Các ca bệnh đã xác định nhiễm cần nhập viện, cách ly hoàn toàn và sử dụng thuốc kháng virus (oseltamivir hoặc zanamivir) càng sớm càng tốt.
Đối với các cơ sở điều trị, Bộ Y tế lưu ý, trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 nặng đáp ứng chậm với thuốc kháng virus thì có thể dùng liều gấp đôi và thời gian điều trị có thể kéo dài đến 10 ngày hoặc đến khi xét nghiệm virus trở về âm tính. Đặc biệt, các cơ sở y tế cần theo dõi chức năng gan, thận của bệnh nhân để điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Chủ động đối phó
Trước đó, ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã giám sát công tác kiểm dịch H7N9 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và công tác thu dung bệnh nhân tại BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các đơn vị phòng chống cúm không nên chủ quan lơ là vì hiện nay ngoài nguy cơ bị dịch cúm H7N9 từ Trung Quốc, Việt Nam đang phải đối phó với nguy cơ bùng phát cúm H5N1 từ Campuchia.
Hiện BV Nhi Đồng 1 TP HCM đã thành lập 8 đội cơ động phòng chống cúm. Khoa Nhiễm của bệnh viện có hai phòng cách ly sẽ tiếp nhận bệnh nhân nặng, có khả năng thu nhận 120 bệnh nhân. Đại diện BV Nhi Đồng 2 TP HCM cũng cho hay, bệnh viện có một phòng cách ly tiếp nhận những trường hợp nặng, đơn vị hồi sức nhiễm có 10 giường nhưng có thể huy động 30 giường nếu dịch xảy ra.
Nhằm phòng chống dịch cúm A/H7N9, ngành Y tế Hà Nội cũng thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, túc trực 24/24 giờ. Theo đó, chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên của các đội cơ động phải lên đường đến xử lý các ổ dịch, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các tuyến. Các đội cơ động còn có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các kỹ thuật chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm khi có dịch. Đội được trang bị các phương tiện phòng hộ, cứu thương, thuốc, dịch truyền và các thiết bị cần thiết để phục vụ, cứu chữa bệnh nhân. Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.
Tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cũng đã bố trí 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và hai phòng cách ly đặt tại sân bay để đo thân nhiệt cho tất cả khách nhập cảnh. Trong trường hợp phát hiện khách qua cửa khẩu sốt hoặc có biểu hiện cúm, nhân viên y tế sẽ khám sàng lọc, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 hoặc chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện được quy định để điều trị. Lực lượng cấp cứu của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội được huy động thường trực tại sân bay 24/24 giờ hỗ trợ vận chuyển cấp cứu khi phát hiện bệnh nhân.
Vì sao H7N9 gây hại cho động vật ít hơn con người?
Ngày 10/4, Phòng thí nghiệm ký sinh trùng gây bệnh, thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc khẳng định không tìm thấy gene nào trong virus cúm H7N9 có nguồn gốc từ lợn. Kết quả trên đã loại trừ khả năng lợn là vật chủ trung gian truyền bệnh cúm gia cầm chết người này.
Theo các nhà nghiên cứu, quá trình kết hợp gene của virus này có thể xảy ra ở khu vực châu thổ sông Dương Tử, gồm Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô. Họ phát hiện ra rằng một loại virus trên chim hoang dã đến từ Triều Tiên và các khu vực khác ở Đông Á đã trộn lẫn với virus cúm gia cầm tìm thấy trên vịt và gà ở châu thổ sông Dương Tử trong quá trình chim di cư.
Nghiên cứu của phòng thí nghiệm trên cho thấy các đoạn gene H7 và N9 trong virus H7N9 giống với mẫu virus cúm gia cầm trong những con chim hoang dã đến từ Đông Á, trong khi sáu đoạn gene khác có nguồn gốc từ gà tại Thượng Hải, Chiết Giang và Giang Tô.
Liên quan đến câu hỏi tại sao virus H7N9 ít gây hại cho động vật hơn cho con người, các nhà nghiên cứu cho biết đó là vì sự biến đổi của virus. Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên hoang dã Trung Quốc cho biết các chuyên gia và các nhà khoa học về động vật đã tăng cường theo dõi đường di cư của chim hoang dã nhằm ngăn chặn virus H7N9 lây lan.
Minh Tâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất