Cúm mùa, sốt rét kháng thuốc cũng có thể gây tử vong
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong mùa thu đông, chiều 27/9, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng và chống dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh mùa thu đông tại 4 điểm cầu trên cả nước nhằm phòng chống dịch bệnh kịp thời nhất.
Chủ trì Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra cảnh báo các bệnh có thể gây thành dịch bệnh nguy hiểm vào mùa thu – đông là: Zika, sốt xuất huyết, chân tay miệng, cúm (cúm mùa và cúm gia cầm), sốt rét và bạch hầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những dịch bệnh này có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời, vì thế không nên chủ quan với bất kỳ căn bệnh nào, bởi kể cả bệnh cúm thường (H1N1) - là bệnh rất dễ mắc trong thời tiết chuyển mùa hiện nay - cũng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong. Thực tế hiện bệnh cúm mùa đang gia tăng ở một số tỉnh, bởi vậy phải có biện pháp phòng chống bệnh kịp thời. Báo Tổ Quốc đưa tin.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), đối với bệnh do virus Zika gây nên, ở Việt Nam đã ghi nhận có 3 trường hợp dương tính được phát hiện ở một số tỉnh (Phú Yên, Khánh Hòa, TP HCM). Về bệnh sốt huyết, tính từ đầu năm đến nay, ghi nhận 72.372 trường hợp ở ở 53 tỉnh/thành phố, so với cùng kỳ năm ngoái, con số này có gia tăng. Báo Khám Phá đưa tin.
Ngoài ra, đối với bệnh sốt rét, Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, bệnh đang có khả năng tăng cao, nguyên nhân là do người di cư, người lao động Việt Nam từ nước ngoài về...Đáng nói là bệnh sốt rét có tỷ lệ kháng thuốc cao, vì thế sẽ gây khó khăn trong việc điều trị.
Để đối phó với dịch bệnh nói chung, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngành cần tập trung vào dự phòng, phát hiện, đáp ứng và khống chế dịch bệnh, nhất là những dịch bệnh mới nổi như Zika hay các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát cao vào cuối năm như sốt xuất huyết, cúm gia cầm, sốt rét.. nhất là các dịp lễ, tết, noel... lượng người đi lại từ vùng này đến vùng khác gia tăng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân hãy chủ động phòng chống bệnh, không được chủ quan dịch bệnh, chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng thời gian, đủ liều để phòng các căn bệnh nguy hiểm, nhất là vệ sinh môi trường, triệt các ổ dịch, nơi sinh sản và phát triển của muỗi. Việc không để muỗi đốt là việc chủ động của từng cá nhân chứ ngành y tế không thể làm thay được.
Đặc biệt, tuyên truyền người dân hãy đưa con đi tiêm chủng đúng thời gian, đủ liều để phòng các căn bệnh nguy hiểm như viêm não, ho gà, bạch hầu, sởi...
End of content
Không có tin nào tiếp theo