Tin tức - Sự kiện

Cuộc chơi thử 'sức bền' doanh nghiệp nội

Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt với sự “đổ bộ” của một loạt các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội vẫn còn rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước nếu biết tận dụng lợi thế và nắm bắt được xu hướng phát triển thị trường.

Vẫn bị chi phối bởi các kênh phân phối truyền thống

 
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ Công Thương và đại diện một số DN thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, ông Trần Nguyên Năm – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, ước tổng mức bán lẻ theo giá thực tế năm 2014 là 140 tỷ USD, tăng 15 tỷ USD so với năm 2013.
 
Ngành bán lẻ tiếp tục có đóng góp đáng kể vào GDP (chiếm tỷ trọng khoảng từ 13 – 15%), tạo việc làm cho hơn 6,3 triệu lao động. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Việt Nam vẫn là thị trường bán lẻ có nhiều tiềm năng và cơ hội, nhất là trong đầu tư vào bán lẻ hiện đại.
 
Dù vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chủ bị chi phối bởi các kênh phân phối truyền thống. Theo một số nghiên cứu, thị phần bán lẻ hiện đại Việt Nam chỉ ở mức 20%, thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực (thị phần này ở Indonesia là 43%, Thái Lan 46%, Malaysia 53%). Thành phố có thị phần bán lẻ hiện đại cao như Tp. Hồ Chí Minh cũng chỉ khoảng 33%, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với các thành phố trong khu vực như Kuala Lumpur (Malaysia) 63%, Bangkok (Thái Lan) 70% và Jakata (Indonesia) 66%.
 
Phần lớn thương nhân trong nước có quy mô vừa và nhỏ, trong khi tại các nước phát triển Âu - Mỹ, 10 nhà bán lẻ hàng đầu thường chiếm 60 – 70% thị phần. Theo số liệu của Vụ Thị trường trong nước, doanh số bán hàng của Saigon Co.op – nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam năm 2013 – chỉ khoảng 22.000 tỷ VND, tương đương 1 tỷ USD, chiếm 0,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Ngoài ra, có hơn 55% DN có số vốn dưới 100 triệu và có tới 2 triệu hộ kinh doanh.
 
Đa dạng hóa các loại hình bán lẻ
 
Từ đầu năm 2013 đến nay, thị trường Việt Nam tiếp tục đa dạng hóa các loại hình bán lẻ hiện đại, đánh dấu bằng sự kiện lần đầu tiên xuất hiện một số mô hình trung tâm mua sắm hiện đại quy mô lớn của một số thương hiệu bán lẻ mới của Việt Nam và một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đó là Vincom Mega Mall Royal City với tổng diện tích lên tới 230.000m2 và Vincom Mega Mall Times City với tổng diện tích hơn 200.000m2 ở Hà Nội của Tập đoàn Vingroup. Công ty TNHH Aeon Viêt Nam (100%) vốn Nhật Bản) mở hai trung tâm mua sắm lớn là Aeon Mall Tân Phú Celadon (TP. Hồ Chí Minh) và Aeon Bình Dương Canary; Ocean Retail của Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) với 9 siêu thị và đại siêu thị Ocean Mart cùng 4 cửa hàng tiện lợi Ocean Mart Express...
 
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các thương hiệu bán lẻ Việt Nam bên cạnh việc tiếp tục thực hiện kế hoạch củng cố và mở thêm các cơ sở bán lẻ mới theo mô hình đang vận hành đã mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư phát triển sang các mô hình bán lẻ mới. Đáng kể như Saigon Co.op (Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh) liên doanh với NTUC FairPrice (Singapore) lập đại siêu thị Co.opXtra plus tại quận Thủ Đức; hợp tác với Mapletree (Singapore) khởi công dự án Shoping Mall tại quận 7 (TP. Hồ Chí Minh) và tiếp tục phủ kín các mô hình bán lẻ hiện đại bằng việc lập trung tâm thương mại Sense City tại Ninh Kiều (Cần Thơ). Hiway (Công ty cổ phần Hiway Việt Nam) mở thêm một đại siêu thụ Hiway Supercenter Ngọc Khánh tiếp theo Supercenter Hà Đông…
 
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng ghi nhận gia tăng việc thăm dò, tìm kiếm cơ hội đầu tư của một số tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart (Mỹ), Auchan (Pháp) và thành lập cơ sở bán lẻ của các nhà đầu tư mới như Robinson (Thái Lan), E-Mart (Hàn Quốc)…
 
Khuyến khích mô hình liên doanh, liên kết
 
Tại buổi làm việc, đại diện một số DN trong nước cũng đã có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện để họ có thể hoạt động hiệu quả hơn trong lĩnh vực bán lẻ. Các DN cho rằng, cần có quy hoạch mạng lưới bán lẻ rõ ràng, giảm bớt hệ thống trung gian không cần thiết, góp phần hạ giá thành sản phẩm, bình ổn thị trường…
 
Ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, các DN trong nước hiện rất khó khăn trong việc tìm mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng. Chi phí mặt bằng hiện chiếm tới 6 – 7% doanh thu, thực sự gây khó khăn, triệt tiêu khả năng cạnh tranh của DN. Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ các DN trong nước đầu tư hệ thống bán lẻ mới có thể cạnh tranh được với các DN FDI. 
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Công Thương cũng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan quản lý đầu tư địa phương và DN phân phối thực hiện đúng các quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong việc xem xét cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất của DN FDI theo đúng Cam kết gia nhập WTO và quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BCT. Đồng thời, từ kinh nghiệm của Saigon Co.op, Phú Thái… nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích các DN phân phối vốn trong nước liên doanh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để qua đó học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến…
Theo Công Thương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo