Cuộc giao lưu kỳ lạ giữa Hoàng Sa
“Có lẽ đây là chương trình tuyệt vời nhất mà tôi được tham gia. Tôi cảm phục ý chí của các bạn, dù ở đây có nhiều hiểm nguy đe dọa nhưng các bạn vẫn rất tỉnh táo và yêu đời”, Ông Robert Marthew McPride (người Anh, phóng viên đài Al Jazeela) nói về cuộc giao lưu.
Sau cả ngày quần nhau quyết liệt với các tàu hung hãn của Trung Quốc tại khu vực đặt giàn khoan trái phép, tối ngày 14/6, tàu CSB 4033 tổ chức chương trình giao lưu “Hát với biển đảo Hoàng Sa” với sự tham gia của các phóng viên nước ngoài.
Đại tá Võ Văn Kính, Phó chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2, người gợi ra ý tưởng chương trình giao lưu văn nghệ đặc biệt này, kể: “Dự kiến ngày 15/6, hơn một chục phóng viên các hãng thông tấn, báo chí lớn của quốc tế sẽ được chuyển sang tàu khác để về lại đất liền sau gần 1 tuần họ trực tiếp tác nghiệp tại thực địa khu vực đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc.
Tác phong sinh hoạt hòa nhã, vui vẻ cùng thái độ tác nghiệp rất chuyên nghiệp của họ khiến anh em trên tàu ai cũng quý mến. Bịn rịn lúc chia tay, nên chiều đó tôi quyết định cùng anh em tàu CSB 4033 tổ chức một cuộc liên hoan, giao lưu văn nghệ để chia tay các bạn phóng viên nước ngoài”.
Từ phác thảo ban đầu, ông Kính trực tiếp thiết kế “sân khấu” chương trình với tên gọi “Hát với biển đảo Hoàng Sa”, phông sân khấu là một tờ bìa cứng khổ lớn, vẽ cách điệu bản đồ Việt Nam với các quần đảo của Tổ quốc bằng bút mực.
Chiều, sóng gió Hoàng Sa trở nên dịu hơn so với những ngày trước. Trời không mưa, nên trăng rằm hiện lên rất sớm. Cán bộ chiến sĩ toàn tàu cùng hàng chục nhà báo trong nước và quốc tế quây quần trên boong tàu chao đảo ngả nghiêng. Không có loa đài, nhạc cụ, diễn viên cũng chính là khán giả.
MC dẫn chương trình chính là đại tá Kính. Sau bài phát biểu ngắn gọn và lời cảm ơn các bạn phóng viên quốc tế, ông Kính bắt nhịp bài hát “Vì nhân dân quên mình”.
Cả tàu, cả các vị khách đứng sát bên nhau, vừa choãi chân, ôm vai nhau nghiêng người chống lại những cú chao đảo trên sóng biển Hoàng Sa, vừa hát say sưa.
Suốt một tuần trải nghiệm giữa biển trời Hoàng Sa đầy sóng gió, “tam ca nam” người Pháp gồm: Pluno Laymond Phillip (phóng viên báo Le Monde - Pháp), ông Philippe Alfred Leltien (phóng viên Radio France - Pháp) và ông Võ Trung Dung (phóng viên TV5 - Pháp) cũng say sưa hát về biển đảo quê mình.
Bài dân ca thiếu nhi Pháp mang tên “Một con thuyền nhỏ” như một câu chuyện về ước mơ của con người trước biển: “Thuở đó, có một con thuyền nhỏ và một người thủy thủ nhỏ/Ước mơ một ngày nào đó sẽ đi được trên một biển lớn”.
Đại tá Kính đáp lại bằng bài thơ “Đứng giữa Hoàng Sa” do ông vừa viết xong: “Giữa biển trời bao la/Bềnh bồng theo con sóng/Trên boong tàu gió lộng/ Dưới biển ngọc Hoàng Sa…”. Rồi cả tàu lại cất lên giai điệu “Tổ Quốc gọi tên mình”. Từ lĩnh xướng của thiếu úy Nguyễn Trung Huỳnh: “Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/Bão tố dập dồn, căng lưới, bủa vây…”.
Những bài hát nước ngoài liên tục kết nối. Không chỉ tham gia hát, các phóng viên của đài TBS (Nhật Bản), Al Jazeela (Quatar), Chanel News Asia (Singapore) còn liên tục quay phim, ghi hình. Có lẽ họ không muốn bỏ lỡ cơ hội bất ngờ và đặc biệt này trong những tin bài, phim, ảnh ghi nhận sự kiện Hoàng Sa thời điểm nóng.
Ông Robert Marthew McPride (người Anh, phóng viên đài Al Jazeela) nói: “Có lẽ đây là chương trình tuyệt vời nhất mà tôi được tham gia. Tôi cảm phục ý chí của các bạn, dù ở đây có nhiều hiểm nguy đe dọa nhưng các bạn vẫn rất tỉnh táo và yêu đời”. Cuộc giao lưu kết thúc bằng bữa liên hoan với cá, mực tươi vừa vớt từ biển lên. Tối đến các phóng viên tập trung xem bóng đá World Cup ngay trên tàu.
Suốt những ngày có mặt trên tàu CSB 4033, các phóng viên quốc tế đã nhiều phen thót tim trước những cuộc quần nhau quyết liệt giữa tàu CSB 4033 cùng các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam với các đội tàu hung hãn của Trung Quốc tại nơi họ đặt giàn khoan trái phép.
Phía mạn phải tàu CSB 4033, cách không xa “sân khấu” nơi các cán bộ và phóng viên đang hát, có một miếng vá to gần bằng chiếc chiếu. Ngày 3/5/2014, vừa có mặt tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ngay hôm sau tàu CSB 4033 đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 44044 lao vào đâm rách mạn phải tàu. Tuy nhiên, tàu của Trung Quốc cũng bị rách mũi, mất mỏ neo, chết cả ba máy.
Cũng từ đó đến nay, tàu CSB 4033 luôn trở thành mục tiêu tấn công hàng đầu của các loại tàu Trung Quốc. Thuyền trưởng sinh năm 1983, quê vùng biển Đức Phổ (Quảng Ngãi) - Lê Trung Thành bình thản nói: “Anh em trên tàu CSB 4033 phần lớn đều trẻ, luôn bản lĩnh, gan góc, nhưng cũng hết sức lạc quan, yêu đời!”.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo