Xã hội

Cướp biển thả thuyền viên Việt Nam: Tháng ngày cùng cực ở xứ người

(DNVN) - Những tháng ngày ở Somalia, nhóm thuyền viên được cướp biển cấp cho rất ít thức ăn và nước uống chỉ đủ cầm hơi, ngủ tạm bợ dưới lùm cây...

Sau khi cướp biển Somalia thả thuyền viên bị bắt giam hơn 4 năm ròng, thuyền viên Nguyễn Văn Hạ (35 tuổi) được trở về Việt Nam, cùng gia đình đáp chuyến xe khách về căn nhà nhỏ lụp xụp ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). 

Gặp người thân, anh Hạ ôm chặt từng người từ ngoài đường vào đến cổng. Sau khi thắp nén hương tạ ơn tổ tiên, anh kể về quãng thời gian 4 năm 8 tháng ở Somalia, theo tin tức trên báo Vnexpress.

Từ khi khống chế nhóm thuyền viên, cướp biển đưa tàu vào vùng an toàn. Sau 8 tháng, tàu bị đứt neo, trôi dạt vào một sa mạc, từ đó mọi người lên bờ và sống cho đến ngày được thả tự do. Nhớ lại khoảnh khắc nhóm cướp nã đạn vào thân tàu, anh bảo "tưởng đã chết rồi, không bao giờ có thể trở về với gia đình".

Thuyền viên Hạ vui vầy bên người thân khi trở về. Ảnh: Đức Hùng/VNE.

Những tháng ngày ở Somalia, nhóm thuyền viên chỉ được cướp biển cấp cho mỗi người một lít nước ăn và sinh hoạt. "Nếu dùng nước tắm thì thôi uống, còn uống thì khỏi tắm".

Hàng đêm, chúng đưa cho một ít bột lúa mì, sáng ra bỏ vào thùng tráng bánh cuốn, mỗi người được khoảng 5 miếng bánh mỏng ăn sáng. Buổi trưa và tối, thuyền viên ăn "dở cơm dở cháo", uống nước chè ngọt. Chỗ ngủ là dưới lùm cây, lấy bạt che lên. Cứ khoảng vài tháng thì toán cướp đưa tới một con dê rồi bảo làm thịt, sau đó chặt khúc chia đều lại cho mỗi người một miếng.

"Cướp khi nào cũng nhắc tới tiền. Lần cuối cùng chúng bắt tôi gọi về cho gia đình là cuối năm 2012, dọa nếu 7 ngày sau không có tiền nộp sẽ bắn chết. Từ đó trở đi, tôi không bao giờ được liên lạc với gia đình. Bản thân tưởng tượng khi về nhà, nấm mộ gió mà vợ con, bố mẹ lập cho tôi đã xanh cỏ", anh Hạ nói.

Hơn 4 năm sống dưới sự giam cầm của cướp biển, quần áo các thuyền viên rách tả tơi. Khi nhóm cướp vứt quần áo cũ đi, các con tin nhặt vá lại để dùng. Một số người khác lấy bao bì may làm quần đùi. 

"Đau ốm triền miên, ngoài thuyền trưởng bị bắn chết, trên tàu lúc bị bắt có 28 người. Sau một năm 2 người chết vì bệnh tật. Chúng tôi chủ yếu bị viêm cơ khớp, bệnh về đường ruột. Khi đau ốm thì nằm một chỗ, thỉnh thoảng nhóm cướp mới cho một viên paracetamol cầm cự", anh Hạ kể.

 

Dù bất đồng ngôn ngữ, song các anh Hạ, Xuân và Phương xem thuyền viên ngoại quốc như những người bạn thân thiết. Anh em mỗi khi tuyệt vọng đều quây quần giúp đỡ nhau. Qua 4 năm, thuyền viên Việt Nam "học mót" được ít tiếng Anh và tiếng Trung Quốc để giao tiếp với mọi người.

Cuộc sống giữa sa mạc khiến anh Hạ già đi trước tuổi. Khi xuất khẩu, tóc còn xanh, nhưng bây giờ nhiều chỗ bạc, phải cạo trọc. Anh Hạ và anh Xuân có con nhỏ, cứ mỗi lần nghe tiếng chuông điện thoại có nhạc trẻ con của nhóm cướp vang lên, họ đều rơi nước mắt.

Anh Hạ bảo mọi người vẫn không tin là được thả tự do. Một ngày tháng 10/2016, một vài tên cướp thông báo sẽ thả người, sau đó đưa về Kenya. Đến giờ anh cũng không biết bên nào thương thảo để được giải thoát, chỉ khi về đến Kenya thì mọi người mới hét lên "mình được sống rồi".

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngay sau khi nhận được thông tin về việc 26 thuyền viên thuộc tàu Naham 3, trong đó có 3 thuyền viên Việt Nam, bị cướp biển Somalia bắt cóc từ tháng 3/2012 sẽ được thả và đưa về Kenya, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania cử cán bộ sang Kenya hỗ trợ, giúp đỡ và thu xếp các thủ tục để sớm đưa những thuyền viên Việt Nam về nước.

Ngày 23/10/2016, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Tanzania đã tới sân bay Kenyatta đón, động viên các thuyền viên Việt Nam. Nhìn chung, sức khỏe các thuyền viên ổn định và dự kiến sau quá trình kiểm tra sức khỏe, những thuyền viên này sẽ được tổ chức Chương trình hỗ trợ con tin (thuộc Chương trình phát triển Liên hợp quốc – UNDP) trao trả cho đại diện Đại sứ quán để thu xếp thủ tục đưa các thuyền viên này về nước.

 

26 con tin được thả lần này có quốc tịch Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Cướp biển Somali ban đầu bắt giữ 29 ngư dân, nhưng một người đã thiệt mạng trong vụ cướp, 2 người khác "qua đời vì bệnh tật", theo tuyên bố của tổ chức Oceans Beyond Piracy (OBP).

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo