Tin tức - Sự kiện

Cứu sống bé gái 14 tuổi bị rắn chàm quạp cực độc cắn

(DNVN) - Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết vừa cứu sống một bé gái bị loài rắn độc chàm quạp cắn trúng chân, gây rối loạn đông máu nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thông tin trên báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 9-8, cháu Hồ Thị Lý (14 tuổi, trú xã Trà Phong, Tây Sơn, Quảng Ngãi) đi ngoài đồng thì bị rắn chàm quạp (loài rắn cực độc) cắn trúng vào chân trái. Bệnh nhân được sơ cứu tại chỗ và chuyển đến BV Đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu. Tuy nhiên, cháu Ly có biểu hiện rối loạn đông máu nặng nên phải chuyển ra BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng chữa trị.

Chân cháu Lý bị rắn cực độc cắn.

Qua thăm khám, các bác sĩ thấy bệnh nhân đi tiểu ra máu, sưng từ chân lên ngực, có nguy cơ chèn ép khoang và hoại chi. Tình trạng bệnh nhân lúc này rất nguy kịch cần phải dùng huyết thanh kháng nọc rắn. Tuy nhiên, BS Võ Hữu Hội (khoa Hồi sức nhi, BV Phụ sản-Nhi Đà Nẵng) cho biết loại huyết thanh này rất hiếm, tại bệnh viện lúc này không có. Bệnh viện đã phải liên hệ toàn quốc và cuối cùng được Bệnh viện Chợ Rẫy cho mượn dùng. Trong lúc chờ thuốc huyết thanh kháng nọc rắn, các bác sĩ đã phải truyền nhiều máu và chế phẩm máu để cấp cứu cho bệnh nhân, theo thông tin trên báo dân trí.

Sức khỏe của cháu Lý hồi phục sau cấp cứu.

Sau 3 lần truyền huyết thanh kháng nọc rắn, tình trạng rối loạn đông máu và hoại chi của bệnh nhân đã cải thiện dần. Đến nay sức khỏe của cháu Lý đã phục hồi và dự kiến sẽ xuất viện trong ngày mai.

Rắn Chàm quạp (hay còn gọi rắn lục Mã lai, rắn lục nưa,…) có tên khoa học là Calloselasma rhodostoma (tiếng Anh là Malayan pit viper), thuộc phân họ rắn có hố má Crotalinae, họ rắn Lục (Viperidae family). Rắn có màu nâu hay đỏ nâu dài khoảng 0,2 – 1 m, nặng 100 – 2000g, đầu hình tam giác, dọc theo sống lưng có nhiều hình tam giác màu nâu đối xứng giống cánh bướm. Màu sắc của rắn mới thoạt nhìn giống loài trăn hoa nên người dân dễ nhầm lẫn dẫn đến tai nạn. 

Đây là loại rắn độc rất nguy hiểm thường gây tai nạn ở các nước vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á (Thái Lan, Mi An Ma, Lào, Cam pu Chia, Việt Nam, Malaysia, Indonesia). Rắn Chàm quạp chiếm tỉ lệ 19,4% các trường hợp rắn độc cắn nhập bệnh viện Chợ Rẫy, gây tử vong cao và thường gặp ở vùng trồng nhiều cây cao su và cây điều thuộc các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, núi Cấm (An Giang) và khu vực núi đá vôi Nam bộ như Kiên Lương, Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang. 

Nên đọc
Nguyễn Hà (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo