Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng đang xử lý "chuyện kỳ quặc"

Ngày 19/12, ông Tạ Tự Bình - Phó Trưởng ban Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho biết, Thành ủy đang theo sát từng bước xử lý “chuyện kỳ quặc” trong công tác quản lý và tình trạng phá rừng phòng hộ tại bán đảo Sơn Trà.

 Đà Nẵng ra tay xử lý “chuyện kỳ quặc”

 Ông Bình cho hay, tại phiên họp chất vấn ngày 13/12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ có ý kiến: “Được cơ quan nhà nước giao quản lý và bảo vệ rừng nhưng rồi cho thuê rừng thì Giám đốc Sở NN-PTNT không biết. Chỉ có ông Giám đốc Sở Xây dựng biết. Như thế chứng tỏ một điều rất kỳ quặc!".
 
Ông Bí thư sau đó đã có quyết định giao UBND thành phố xử lý vụ việc đồng thời trả lời rõ những câu hỏi: “Tại sao rừng phòng hộ của Đà Nẵng lại đem cắt đi bán? Ai cho bán? Thứ nữa là kiểm lâm ở đâu mà để người ta chặt phá rừng đặc dụng như thế? Và khi nào trồng lại?", ông Bình cho biết thêm.
 
Bí thư Đà Nẵng, ông Trần Thọ
 
Dù đã trả lời việc cắt 5ha rừng phòng hộ quốc gia để lập dự án là do UBND TP giao cho Sở Xây dựng cùng Cty Bamboo thực hiện. Khi phát hiện sai phạm UBND TP quyết định xử phạt 50 triệu đồng, Sở NN-PTNT không biết việc này. 
 
Câu trả lời của Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, ông Trần Đình Quỳnh chưa làm các đại biểu hài lòng. Bởi lẽ, Sở NN-PTNT là người chủ quản lý rừng mà lại không biết việc cấp phép này thì đúng là “điều kỳ quặc”.
 
Tuy nhiên, chuyện kỳ quặc này không chỉ xảy ra ở riêng Đà Nẵng mà còn là tình trạng chung của cả nước. Rất nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, yêu cầu công an điều tra, trong khi đó các đại biểu, chuyên gia cũng gay gắt lên tiếng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ.
 
Dư luận đang trông chờ vào một chỉ đạo quyết liệt của Đà Nẵng.
 
Gia Lai: Công an điều tra phá rừng
 
Ngày 27/11, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo Công an tỉnh đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 điều tra, làm rõ các sai phạm trồng rừng ngoài dự án của Công ty TNHH MTV Bình Dương và Trung đoàn 710 thuộc Binh đoàn 15 để có biện pháp xử lý.
 
Khai thác rừng nghèo để trồng cao su ở Gia Lai
 
Đối với diện tích đất đã khai hoang nhưng không trồng được cao su, yêu cầu Công ty Bình Dương và Trung đoàn 710 phải trồng lại rừng.
 
Lãnh đạo Công ty Bình Dương là ông Trần Văn Khanh đã cố ý làm sai, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, tự ý thỏa thuận đền bù, trồng cao su ngoài diện thích quy hoạch, biến đất lâm nghiệp thành diện tích xây nhà cho công nhân, gây thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. 
 
Trước đó, năm 2010 và 2011, UBND tỉnh Gia Lai giao 4 quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch và cho Công ty Bình Dương thuê đất để trồng cao su tại huyện Chư Prông, Gia Lai, tổng diện tích 2.774 ha. 
 
Công ty Bình Dương chỉ trồng 529 ha cao su trong vùng dự án. Diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 700 ha lân cận không được UBND tỉnh Gia Lai cho phép chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su đã bị Công ty Bình Dương cho san phẳng trồng 474 ha cao su ra ngoài ranh giới, địa phận được giao đất.
 
Đắk Lắk: Cương quyết thu hồi diện tích cao su trái phép
 
Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích rừng bị lấn chiếm, chặt phá, trồng cao su trái phép. 
 
Theo Sở NN-PTNT tỉnh, từ năm 2008 trở lại đây, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 14.159 ha rừng, đất rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Trong đó, các Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp, các doanh nghiệp nhận rừng, đất rừng để chuyển đổi trồng cao su, trồng rừng, chiếm nhiều nhất. 
 
Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư 18 dự án trồng cao su, trồng rừng do không đủ năng lực tài chính hoặc sang nhượng, mua bán dự án trái phép; trong đó, chủ yếu là các dự án trồng mới cao su nằm trên các địa bàn các huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Năng.
 
Tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với địa phương nhổ bỏ toàn bộ cây trồng trái phép, trồng lại toàn bộ số diện tích rừng đã bị chặt phá từ năm 2008 trở lại đây. 
 
Phải rà soát lại toàn bộ
 
Từ chủ trương chuyển đổi rừng trồng cao su cũng như lấy đất làm thủy điện khiến rừng đang bị tàn phá thảm hại. Hệ quả là bão, lũ liên miên và người dân đang phải hứng chịu.
 
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đau xót chia sẻ: “Mấy ngày nay tin về bão lũ, vỡ đập liên tục xảy ra. Bây giờ là lúc các chủ trương sai khiến dân đang phải chịu hậu quả. Cả thủy điện, cao su nỗ lực phá rừng thì lấy gì ngăn lũ lụt?”.
 
GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, “Cách làm vội vàng như vậy nếu không vì quyền lợi cục bộ địa phương hoặc nhóm lợi ích thì cũng không còn giải thích nào khác dễ nghe hơn”.
 
Đại biểu Trương Văn Vở dẫn số liệu, tính đến hết năm 2012, diện tích cao su của cả nước đạt 915.000 ha, vượt xa con số 800.000 ha, là mốc trong Chiến lược phát triển cao su đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt. Chỉ riêng miền Trung dù chưa được quy hoạch nhưng đã trồng 30.000 ha.
 
Ông Vở “đề nghị Chính phủ rà soát, không được xem đây là điều kiện và là cái cớ để phá rừng”.
 
Trước đó, cũng liên quan đến chủ đề này ông Vở cũng từng gửi phiếu chất vấn tới bộ trưởng. Theo đó ông Vở nói thẳng: “tạm dừng cho phép khảo sát, phê duyệt các dự án mới đầu tư phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên đất lâm nghiệp có rừng tự nhiên”.
 
Ông Vở chất vấn: hiện nay do công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo, tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng cao su trái pháp luật vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên. Do vậy vấn đề trách nhiệm này thuộc về ai cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm.
 
TS Triệu Văn Hùng, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho biết, với tư cách là cơ quan nghiên cứu khoa học bản thân ông và Viện từng có ý kiến cao su phải trồng đúng chỗ, đúng nơi sống được, đúng giống có thể sinh trưởng được và cho ra mủ.
 
“Chúng tôi không thể chỗ nào cũng vỗ tay vào để người ta chặt rừng đi trồng cao su. Cuối cùng cao su cũng không thành mà rừng thì mất không ai được gì cả”, TS Hùng nói.
 
Còn Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng đau xót khi chứng kiến thảm họa cao su chết hàng loạt, đổ rạp sau bão số 10. Ông nói thẳng: Đây là hậu quả của một sai lầm về chủ trương, làm trái quy hoạch mà nhiều người can ngăn cũng không nổi.
 
“Hồi có chủ trương đưa cây cao su ra Bắc gồm Bắc Trung Bộ và miền núi phía Bắc tôi đã nhiều lần can ngăn mà không ai quan tâm".
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo