Pháp luật

Đại án OceanBank: Thiệt hại thêm 343 tỷ vì Phạm Công Danh vay tiền

Phạm Công Danh sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung do Danh thành lập để vay tiền đã gây thất thoát thêm tài sản tại OceanBank.

Trong ngày hôm nay (29/8), phiên tòa xét xử đại án OceanBank lần 2 tiếp tục diễn ra. Theo cáo trạng, đầu năm 2012, Hà Văn Thắm đã gặp Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng TMCP Đại Tín, sau đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam) đặt vấn đề mua lại Ngân hàng Đại, theo tin tức trên báo Đầu tư.

Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa

Ban đầu, bà Phấn thỏa thuận bán lại hơn 84% vốn điều lệ của Ngân hàng Đại Tín cho Hà Văn Thắm. Nhưng khi vào tiếp quản, nhận thấy tình hình thực tế của Ngân hàng Đại Tín rủi ro, các khoản vay của nhóm bà Phấn phức tạp, Hà Văn Thắm đã gặp Phạm Công Danh và giới thiệu cho Phạm Công Danh mua Ngân hàng Đại Tín.

Giữa tháng 11/2012, Thắm và Danh thống nhất việc Thắm sẽ cho Danh vay 500 tỷ đồng từ Oceanbank để tăng tính thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng. Bà Hứa Thị Phấn đồng ý cho Phạm Công Danh mượn tài sản thế chấp gồm quyền phát sinh từ 2 hợp đồng góp vốn đầu tư và xây dựng nhà ở tại Dự án Khu dân cư phức hợp đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) và 5,8 triệu cổ phần của CTCP Tập đoàn SSG của nhóm Hứa Thị Phấn, Hứa Thị Bích Hạnh và Ngô Kim Huệ.

Hai bên đã ký hợp đồng cho mượn tài sản thế chấp. Bà Phấn cam kết chịu trách nhiệm về tính chính xác của toàn bộ hồ sơ pháp lý và giá trị tài sản.

Phạm Công Danh sử dụng pháp nhân là Công ty TNHH một thành viên Thương mại và dịch vụ Trung Dung do Danh thành lập để vay tiền. Tài sản bảo đảm có thêm phần vốn góp 250 tỷ đồng của Trần Văn Bình (nguyên Giám đốc Công ty Trung Dung. Nhưng thực chất vốn góp không có thật, Trần Văn Bình chỉ là một lái xe, được Danh đưa vào đứng tên).

Sau đó, ngày 23/11/2012, Oceanbank đã giải ngân cho Công ty Trung Dung số tiền 500 tỷ đồng. Phạm Công Danh dùng số tiền trên để tất toán cho 5 hợp đồng vay của Hứa Thị Phấn tại Ngân hàng Đại Tín, đồng thời ghi nhận việc Danh trả tiền mua cổ phần của nhóm Phấn. Do Công ty Trung Dung mất khả năng thanh toán, Oceanbank không thu hồi khoản vay trên.

 

Kết luận giám định thể hiện, tổng giá trị tài sản đảm bảo tại thời điểm giải ngân là 70,7 tỷ đồng (hiện nay là 156,4 tỷ đồng). Như vậy, khoản vay của Công ty Trung Dung còn thiệt hại 343,5 tỷ đồng.

Việc cho vay này vi phạm nhiều quy định về cho vay của Ngân hàng Nhà nước cũng như quy chế nội bộ Oceanbank. Cụ thể, khoản vay 500 tỷ đồng không đúng mục đích. Hà Văn Thắm biết rõ việc vay tiền nhằm mục đích tăng thanh khoản cho Ngân hàng Xây dựng là không đúng với hợp đồng tín dụng nhưng vẫn cho vay.

Theo cáo trạng, Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Oceanbank bị truy tố cùng lúc về 4 tội danh là "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", báo Vnmedia đưa tin.

Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962) - nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank - người đại diện phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này bị đề cập xử lý về 3 tội danh gồm "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".  

Gần 50 bị cáo liên quan, trong đó có Phạm Công Công Danh - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh và bà Hứa Thị Phấn - cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Đại Tín - lần lượt bị xem xét trách nhiệm theo 2 tội danh "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

 

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Đầu tư, Vnmedia)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo