Đại biểu Quốc hội băn khoăn việc tăng lương cơ sở
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 1/11, hầu hết các đại biểu nhất trí với nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm 2016- 2020, Chính phủ đã đưa vào ở Điều 2, Mục 2 về điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bình quân khoảng 7- 8% năm.
Từ nghị quyết 5 năm này thì trong nghị quyết dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 ở Điểm thứ 10 đã nêu: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,21 triệu đồng/tháng lên 1,3 triệu đồng/tháng, tức là tăng khoảng 7%. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2017.
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- tỉnh Thanh Hóa hoan nghênh Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, trong nghị quyết nói điều chỉnh bình quân khoảng 7% đến 8%/năm thì phải tính toán lại. Lương cơ sở trong khu vực nhà nước thực chất là tiền lương tối thiểu trước đây cùng với khu vực quan hệ sản xuất thì chúng ta tách ra. Khu vực sản xuất kinh doanh thì ta xác định tiền lương tối thiểu theo vùng, theo 4 vùng và 1/1 hàng năm chúng ta điều chỉnh để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức không phải bản chất như vậy. Trong điều chỉnh này chúng ta nói từ nay đến năm 2020, không rõ ngân sách ở đâu. Chúng ta không thể điều chỉnh tăng tiền lương như cách này được.
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, trong vấn đề này có 3 nhóm chúng ta phải tính: Nhóm thứ nhất là người nghỉ hưu. Người nghỉ hưu vừa điều chỉnh tăng 8%, năm ngoái, còn điều chỉnh mức không để cho người nghỉ hưu có mức lương thấp hơn mức tiền lương cơ sở và một nhóm không thấp hơn 2 triệu đồng. Khu vực nghỉ hưu chúng ta xác định làm sao sàn an sinh xã hội, người nghỉ hưu không được dưới sàn an sinh xã hội. Nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng tăng lên và điều kiện kinh tế - xã hội tăng lên thì ta điều chỉnh. Nó không nằm trong cải cách tiền lương.
Đại biểu cho rằng, Chính phủ dành được 7- 8%/năm chỉ là giải pháp tình thế, chưa phải bản chất của cải cách chính sách tiền lương, đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện theo nguyên tắc phân phối theo lao động. Nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương như là đầu tư cho sự phát triển.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để cải cách chính sách tiền lương thì Chính phủ phải quyết tâm cao, giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và áp lực của thị trường. Nhà nước phải thực hiện khoán chi dịch vụ công theo kết quả đầu ra. Chúng ta không nên phân biệt đơn vị nhà nước hay đơn vị tư nhân, phải lấy hiệu quả làm thước đo. 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức chỉ có 500 ngàn công chức, viên chức thuộc đối tượng cải cách chính sách tiền lương, còn 2,2 triệu chúng ta phải tính theo Nghị quyết 16, tính đúng, tính đủ chi phí theo kết quả đầu ra, có như vậy mới cải cách được chính sách tiền lương, không để tiền lương như hiện nay. Đại biểu nêu rõ, công chức ngành này có phụ cấp cao hơn công chức ngành khác là một sự bất hợp lý của tiền lương.
Cùng băn khoăn với đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bắc Việt- tỉnh Ninh Thuận bày tỏ, trong điều kiện ngân sách khó khăn và nợ công cao thì việc tăng lương sẽ tác động như thế nào trong điều hành. Để giải quyết băn khoăn này, đại biểu đề nghị nên việc tinh giản biên chế theo lộ trình đến năm 2021, kết hợp thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng ta làm thật tốt việc này thì ta có nguồn chứ không phải không có để thực hiện điều chỉnh tăng lương theo lộ trình.
Thứ hai nếu thực hiện thì Chính phủ trong điều hành cũng phải thực sự kiên quyết, làm sao bảo đảm ổn định tình hình giá cả, không để tăng giá bất hợp lý vì nếu không tăng lương mà giá tăng thì không ổn.
Thứ ba, đại biểu đề nghị trong nghị quyết này và điểm này, điều chỉnh lương này đồng đều cả đang đương chức và cán bộ hưu trí và đối tượng người có công đều cùng mức điều chỉnh như trong nghị quyết. Điều chỉnh với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội và người có công nên có tỷ lệ điều chỉnh cao hơn. Vì thực tế đây là những người tính ra đồng lương rất thấp. Nếu cùng một tỷ lệ như cán bộ, công chức, viên chức đương chức thì tiền thực tế họ nhận không cao. Theo tôi nếu mức cán bộ đương chức, công chức, viên chức là 7% thì lương hưu và nhất là các đồng chí về hưu trước năm 1993 nên là 8% điều chỉnh. Không thể cùng mức điều chỉnh. Báo cáo với Quốc hội, điều chỉnh này tuy ít, nhưng thực tế rất rất nhiều cho các gia đình thoát nghèo.
Thực tế đây là những đồng chí đã tham gia qua 2 cuộc kháng chiến và các đồng chí không thể sống với chúng ta mãi được, bây giờ có sự điều chỉnh cao hơn để thấy sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đối với những người đã có công với đất nước, với nhân dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị điều chỉnh, nhưng mức điều chỉnh với cán bộ hưu trí, đối tượng người có công nên điều chỉnh mức cao hơn chứ không nên thể hiện như trong nghị quyết này.
Cùng quan điểm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động bố trí trong dự toán được giao để thực hiện, làm phát sinh một vấn đề nếu không quyết liệt và đột phá, làm theo cách cũ thì sẽ không thực hiện được. Vì các đơn vị trực thuộc các bộ, ngành, địa phương có 3 loại đơn vị dự toán:
Thứ nhất, đơn vị hành chính nhà nước cấp kinh phí theo định mức, nhiệm vụ không thể có nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; Thứ hai, đơn vị sự nghiệp không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp, nếu không có nguồn hoặc không đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương; Thứ ba, chỉ còn các đơn vị có nguồn thu cao là có thể tự lo được mà theo quy định hiện nay, các đơn vị này phải dành 35- 40% nguồn thu sự nghiệp để thực hiện cải cách tiền lương. Có thể thừa kinh phí, nhưng không có cơ chế điều chuyển cho các đơn vị thiếu nguồn.
Chính phủ cần quyết tâm tăng lương để đảm bảo lộ trình đã bị chậm trễ nhiều năm. Nhưng nếu làm theo cách cũ thì phải bố trí thêm kinh phí, nếu không phải có cơ chế điều chuyển kinh phí cải cách tiền lương còn thừa từ đơn vị này sang đơn vị khác, không thì tăng lương vẫn chỉ nằm trong nghị quyết. Đại biểu khẳng định, nếu bố trí nguồn như hiện nay 8 nghìn 5 trăm tỷ chỉ đủ tăng lương hưu cho người có công, không tăng lương được cho công chức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng