Tin tức - Sự kiện

Đại dương và nước mắt

Đem tính mạng đánh cược với đại dương, đó là tất cả ý chí và hành động của cựu binh Nguyễn Văn Nam, nguyên chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Tần 3 và 13 đồng đội của ông vượt sóng ra nhà giàn cách đây 25 năm trước.

 Lên nhà giàn bằng dây kéo

Cuộc sống của 14 cán bộ, chiến sĩ lần đầu tiên sống ở nhà giàn thời ấy là ngày đêm vật lộn với sóng gió, khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn mọi thứ, cô đơn và nhớ đất liền cồn cào xé ruột. Và lần đầu tiên, giọt nước mắt của những người lính nhà giàn rơi giữa mặn mòi vị biển.

Ra đi không hẹn ngày về
 
Để tường tận về cuộc mưu sinh của 14 chiến sĩ nhà giàn đầu tiên trên biển ngày đó, tôi tìm gặp cựu binh Nguyễn Văn Nam, nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn DK1- người mệnh danh là “sói biển” có mặt ở nhà giàn sớm nhất từ những ngày đầu xây dựng.
 
Trong căn nhà của người lính hải quân già ở số nhà 1096 đường 30/4 phường 11 Vũng Tàu, ông kể cho tôi nghe những ngày đầu ra nhà giàn chốt giữ, thiếu thốn đủ bề, chồng chất khó khăn, nhưng anh em vẫn trụ vững. Vượt lên trên gian khổ là tinh thần khắc phục và nghị lực sống kiên cường, dẫu có nhiều mất mát hy sinh. “Đó là những ngày tháng không thể nào quên, là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất trong cuộc đời người lính biển, khoảnh khắc ấy đã thấm vào gan ruột tôi. Tôi vẫn nhớ như in tất cả những vật dụng để từng chỗ trên mỗi nhà giàn”, ông Nam chia sẻ.
 
Chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đầu tháng 7/1989, đại úy Nguyễn Văn Nam “cầm quân” 13 cán bộ chiến sĩ ra nhà giàn Phúc Tần sinh sống và chốt giữ. Một cuộc mưu sinh gắn liền với sinh tử giữa đại dương. Trước ngày đi 3 hôm, em trai anh chết do tai nạn. Vợ anh- chị Đặng Thị Thủy ốm nặng. Lúc ấy, nói đến đi Trường Sa, DK1 là chuyện gì đó rất ghê gớm. Những người đi Trường Sa, DK xác định: “Ra đi không hẹn ngày về”. Anh Nam cũng xác định đi là sẵn sàng hy sinh quên mình vì Tổ quốc. Lần đầu tiên Lữ đoàn 171 Hải quân đưa lực lượng đi làm nhiệm vụ trên biển xa nên cán bộ Lữ đoàn rất quan tâm, lo lắng. Trước ngày đi, Thủ trưởng đơn vị đến từng nhà động viên anh em yên tâm lên đường làm nhiệm vụ. Còn đối với cán bộ chiến sĩ sống tập thể tại đơn vị thì làm công tác tư tưởng, dặn dò và chia tay. Ai cũng nói hẹn ngày gặp lại, nhưng trong thâm tâm, thương xót vô cùng vì biển xa sóng gió, gian khổ khó khăn, biết bao giờ đoàn viên. 
 
Trong khi nhà đang có tang, vợ ốm, nhưng anh Nam quyết tâm gạt nước mắt ra đi vì nhiệm vụ trên giao. Trung tá Phạm Xuân Hoa, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 đã đến tận nhà động viên: “Đồng chí cứ chỉ huy anh em ra nhà giàn làm nhiệm vụ. Vợ con ở nhà yên tâm đã có đơn vị, chúng tôi lo”. Chị Thủy, vợ anh đang ốm nặng cũng cố tiễn chồng ra cửa, gạt hai hàng nước mắt dặn chồng: “Anh đi bình an, hoàn thành nhiệm vụ trở về với mẹ con em. Em và các con luôn chờ đón anh về”. Nhìn mặt vợ thân yêu và con gái nhỏ, Nam mím chặt môi để không bật ra tiếng nấc. Anh bế con gái đầu lòng hôn lên má và giấu giọt nước mắt chực trào ra.
 
Con tàu gỗ nhỏ bé có tên HQ-727 qua 3 ngày 3 đêm hành trình liên tục đã đưa 14 cán bộ chiến sĩ đến nhà giàn Phúc Tần. Ra đến nơi, anh viết thư về thông báo với vợ, con, một lá thư khác gửi về quê tận Vĩnh Phú dặn nhờ người em ruột: “Nếu anh hy sinh thì chú vào Vũng Tàu đưa vợ con anh về quê sinh sống”.
 
Chống chọi với đại dương
 
Giữa cái nắng cháy da cháy thịt, giữa tiếng gió gào thét suốt đêm ngày, 14 cán bộ chiến sĩ trằn mình trong nắng lửa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, luyện tập các phương án tác chiến, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với những trận cuồng phong. Những thứ ở đất liền rất bình thường như rau xanh và nước ngọt, thì ở nhà giàn cực kỳ hiếm hoi và quý giá. Chỉ nước ngọt thôi, cũng là loại xa xỉ, hiếm hơn cả Trường Sa. Bởi ở Trường Sa, nước ngọt được các chiến sĩ khơi từ lòng đảo, còn ở nhà giàn DK1 nước ngọt chỉ có thể mang ra từ đất liền hoặc hứng nhờ trời mưa.
 
Nhà giàn Phúc Tần là thế hệ đóng đầu tiên. Nhà thiết kế kiểu boong-tong đặt nổi trên đáy san hô. Nhà chia làm ba tầng. Dưới tầng công tác là 3 ngăn đựng nước ngọt và dầu hỏa. Bồn chứa nước chỉ hơn 10 khối. Với ngần ấy nước cho 14 con người trong 6 tháng trời ròng rã, chỉ nội rửa tay thôi cũng không đủ, huống hồ nấu ăn, tắm, rửa. Còn rau xanh thì chưa biết trồng thế nào. Thức ăn chính hằng ngày của cán bộ chiến sĩ vẫn là thịt hộp và rau muống phơi khô đóng thành bao tải do quân nhu cấp gửi từ đất liền ra. Do nhà có kết cấu dạng boong-tong đặt lên nền san hô cách mặt nước 7 mét, nên chỉ cần sóng cấp 4 hoặc dòng nước chảy mạnh là khối bong-tông đã di dịch bập bềnh trôi trong nước. Sau 3 ngày xây dựng, sóng to đã đánh vỡ toàn bộ phần boong-tong, bồn nước ngọt và bồn dầu hỏa. Biết không trụ vững an toàn, lệnh cấp trên rút toàn bộ cán bộ chiến sĩ về đất liền. 
 
Ngày trở về đất liền, chị Thủy bế con ra tận cầu cảng đón chồng. Bế con gái trên tay, Nam nghèn nghẹn. 
 
Anh và 13 cán bộ chiến sĩ lao vào huấn luyện, rèn luyện sức khỏe. Một tháng qua mau, đại úy Nguyễn Văn Nam cùng 13 cán bộ chiến sĩ đem theo 20 phi nước ngọt và 5 phi dầu hỏa theo tàu ra nhà giàn Phúc Tần chốt giữ. Một kế hoạch sinh tồn cho cuộc sống mới bắt đầu. Trước hết là tiết kiệm thật chi li nước ngọt và trồng rau xanh. Nước ngọt được chia theo đầu người mỗi ngày 6 lít cho cả tắm rửa. Nước tắm, giặt xong dùng để tưới rau, miễn là không nhiễm xà bông và nước mặn. Còn trồng rau xanh anh em đã lấy gỗ tạp chế thành những chiếc máng nhỏ để trồng rau trên ấy và phải “làm nhà” cho rau ở, gió hướng nào che hướng ấy. Do nhiễm mặn từ nước biển bốc hơi, nên rau xanh cứ nảy mầm là thối gốc hoặc lên được 2 lá đành chết lụi.
 
Những giọt nước mắt đầu tiên
 
Sau 11 tháng sống trên nhà giàn Phúc Tần, đại úy Nguyễn Văn Nam cùng 13 cán bộ chiến sĩ được về đất liền để kíp trực khác ra thay. Chia tay nhà giàn và những người ở lại, Nam căn dặn anh em: “Điều kiện sống ở đây vô cùng khó khăn gian khổ. Anh em phải thương yêu đùm bọc nhau, coi nhau như ruột thịt. Gian khổ thế nào cũng giữ vững ý chí chiến đấu, không sờn lòng, không chùn bước trước những khó khăn. Còn người là còn nhà giàn, còn biển là còn Tổ quốc”.
 
Chiếc xuồng nhỏ bé chở Nam và đồng đội của anh ra tàu HQ- 931 về đất liền. Ngồi trên xuồng, ngoảnh lại. Nam và mọi người bật khóc. Lần đầu tiên những giọt nước mắt của người chiến sĩ nhà giàn tràn vào nước biển mặn mòi. Khóc bởi thương anh em. Khóc bởi giữa biển nước mênh mông, nhà giàn nhỏ bé như nuốt vào lòng biển, không thấy bến bờ. Trên đó là những người lính trẻ 18, đôi mươi, vô tư, hồn nhiên luôn canh cánh nỗi nhớ đất liền và gồng mình quanh năm chống chọi với khí hậu hà khắc nắng cháy da, gió 4 mùa rát mặt. Những khó khăn đó có thể chịu đựng được, nhưng có những cái phải thầm lặng hy sinh gian khổ hơn. Đó là sự chịu đựng nỗi nhớ.
 
Cựu binh từng được mệnh danh “sói biển nhà giàn” vì đi biển không bao giờ say sóng và 112 lần lăn lộn với biển cả, song không khỏi xúc động khi nhắc lại những ngày đầu ông từng cầm quân 13 chiến sĩ đi dựng nhà giàn. “Nếu trong chiến trận, người lính đẹp nhất là cầm súng chiến đấu, thì ở nhà giàn, đẹp nhất là cống hiến sức mình cho biển đảo. Sự thầm lặng hi sinh của chiến sĩ nhà giàn Dk1 không thể nói hết bằng lời. Tôi chỉ tiếc rằng, mình không được cống hiến nhiều hơn nữa”.
 
Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo