Đại tướng và "nơi đất nước đứng lên"
Con đường nhỏ men dọc ven mép núi, dẫn chúng tôi tìm về với Phai Khắt, Nà Ngần, rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) trong dịp chuẩn bị 49 ngày, ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
18 năm giữ rừng Trần Hưng Đạo
Từ Thành phố Cao Bằng, ngược quốc lộ 34 về hướng huyện Nguyên Bình, con đường độc đạo chạy xuyên qua 4 huyện vùng cao của tỉnh miền núi vùng biên viễn Đông Bắc này: Nguyên Bình, Tĩnh Túc, Bảo Lạc, Bảo Lâm, khách sẽ ngược đường bước tới Hà Giang, tỉnh địa đầu Tổ quốc.
Sát trung tâm thị trấn Nguyên Bình, một ngã 3 khuất nẻo có tấm biển chỉ ngược đường leo lên núi: Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo – Phai Khắt – Nà Ngần.
18km đường rừng, con đường nhỏ hẹp chạy bám ven vách núi với độ dốc cao từ 10-12%, là tới Phai Khắt. Từ đây, rẽ trái thêm 20km nữa, là tới đồn Nà Ngần. Tiếp tục đi thẳng, tiếp tục leo núi, vượt cây cầu nhỏ dẫn qua suối Tam Kim, không còn thấy cột mốc ghi tên địa danh vùng đất cần phải tới, mà các cột mốc đều chỉ ghi cây số đường đi và chung một tên địa danh: Di tích.
“Di tích”, một địa danh gần như chỉ có ở Cao Bằng, là cách mà người dân Cao Bằng gọi tên khu di tích rừng chiến khu Trần Hưng Đạo đã ghi vào sử sách, nơi mà ngày 22/12/1944, tại một khu rừng vắng trên ngọn núi mang tên Dền Sinh thuộc dãy Khau Giáng (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), cách đồn Phai Khắt mà người Pháp đóng giữ 7km, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) do Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã ra đời, là tiền thân hình thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay.
Xe chạy kịch đường, trước mặt hiện ra mà vách núi dựng đứng lấp lối, với một bức phù điêu sừng sững do Bộ Quốc phòng đứng ra xây tặng Cao Bằng từ năm 2005, ghi dấu son lịch sử của một đất nước đã đứng lên giành độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ xuất phát từ nơi đây với 34 con người những ngày đầu hình thành lực lượng vũ trang nhân dân để giành độc lập cho Tổ quốc từ năm 1944.
Trưa giữa tháng 11/2013 về, nắng xuống rực cả cánh đồng Phai Khắt, nhưng trong khu rừng Trần Hưng Đạo tĩnh mịch lạ thường. Nắng xuyên qua kẽ lá dẫn bước chân chúng tôi theo dấu tiền nhân tới với mảnh đất hẹp nằm sâu trong rừng, nơi mà vào lúc 17h ngày 22/12/1944 của thế kỷ trước, đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã đọc diễn từ thành lập đội VNTTGPQ:
“Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là một nhiệm vụ quan trọng và nặng nề… Chúng sẽ vạch rõ cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ rằng mình là đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc. Theo chỉ thị của đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố Đội tuyên truyền giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên con đường vũ trang đấu tranh”.
Mảnh đất hẹp đó nay đã được xây dựng thành một nhà bia tưởng niệm, là một khối đá hình chữ nhật dựng đứng 4 mặt ghi: Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 10 lời thề danh dự của chiến sỹ cứu quốc; Lễ thành lập Đội VNTTGPQ và danh sách 34 chiến sỹ những ngày đầu.
Vào sâu khu rừng, chúng tôi gặp một người đàn ông đang lặng lẽ dọn dẹp lối đi, tay nhặt những quả chín trên cao đang rơi rụng đầy sân 2 dãy nhà năm xưa lợp lá cọ là lán nghỉ che chắn cho những bậc tiền nhân từ 69 năm trước từng trú chân nơi đây. Ông là Đặng Hồng Cao (53 tuổi), cán bộ Phòng Văn hóa thông tin huyện Nguyên Bình.
18 năm, bắt đầu từ năm 1995, ông Cao từ Sở Văn hóa thông tin tỉnh Cao Bằng được chuyển vào huyện Nguyên Bình, được giao nhiệm vụ vào giữ khu rừng chiến khu Trần Hưng Đạo. Người cán bộ văn hóa nay lấy vợ ở ngay thôn Tam Kim, 3 con cũng đều đã lớn, đã bước đủ bước chân dọc ngang khu rừng này.
Ông Cao nhớ rõ từ nhà bia tưởng niệm lên tới đỉnh Slam Cao, nơi “anh Văn” từng đứng quan sát trước khi quyết định mở màn trận đầu diệt đồn Phai Khắt ngày 25/4/1944, nay đường đi đã được lát đá lên tới đỉnh núi, cao tới 505 bậc. Ông cũng nhớ rõ dòng chảy của khe nước ngay dưới lán nghỉ, nơi nước từ trong khe đá chảy ra, quanh năm mát lạnh, là nơi những đội viên cứu quốc đầu tiên năm xưa dùng lấy nước sinh hoạt, giặt giũ. Toàn bộ diện tích khu di tích rừng Trần Hưng Đạo rộng 201,7ha.
Gần nhà bia là 2 lán nghỉ nằm đối diện nhau, nơi 34 con người những ngày đầu đã sống để làm nên một đất nước hôm nay. Ông Cao cũng nhớ rõ bữa cơm chiều ngày 22/12 năm 1944 chưa xa đó, 34 đội viên VNTTGPQ đã ăn một bữa cơm chiều trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt, bữa cơm nhạt không có cả rau lẫn muối, trong tấm ảnh hiện vẫn được lưu giữ tại nhà trưng bày chiến thắng đồn Phai Khắt.
Gọi là đồn, nhưng đồn Phai Khắt vốn dĩ là nhà riêng của ông Nông Văn Lạc (xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), xây dựng năm 1940, tới năm 1944 thì bị người Pháp chiếm giữ đóng đồn, án ngữ ngay ngã 3 đường từ Nguyên Bình vào xã Tam Kim hoặc rẽ trái sang xã Hoa Thám. Đó là một ngôi nhà 3 gian 2 mái, có gác lửng theo lối cầu thang dẫn lên đặc trưng của người Tày vùng cao miệt Đông Bắc, nằm hòa lẫn giữa rất nhiều nhà dân như một cộng đồng tề tựu.
Chị Nông Thị Bích, hướng dẫn viên nhà trưng bày chiến thắng Phai Khắt, hóa ra lại là cháu ruột ông Nông Văn Lạc. Cô gái trẻ mặc bộ váy đen tuyền truyền thống của phụ nữ dân tộc Tày không khỏi tự hào: “Ông nội tôi trước đây là người đầu tiên của xã Tam Kim tham gia Việt Minh. Trong kế hoạch đánh đồn Phai Khắt, ông tôi được Đại tướng giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ, tự vệ địa phương làm công tác chuẩn bị cho trận đánh, tiếp tế cơm nước và đặt các trạm canh gác… Để thuận lợi việc đi lại, Đại tướng làm giấy đi tuần giả, con dấu giả. Ngôi nhà này trước kia là của ông tôi. Khi thực dân Pháp kéo đến, chúng định đóng đồn ở Pác Cáp, nhưng vì Pác Cáp không có nhà nên chúng kéo về xóm Phai Khắt chiếm ngôi nhà của ông tôi làm nơi đóng quân”.
Sau này, ông Nông Văn Lạc đã tình nguyện hiến căn nhà để làm nhà trưng bày chiến thắng Phai Khắt.
Và nay, cô cháu gái nhỏ của ông Nông Văn Lạc, cùng với bậc cao niên như ông Đặng Hồng Cao đang tiếp tục công việc thường niên: Giới thiệu với những du khách đến Phai Khắt, vào các dịp lễ 34/4; 1/5; 27/7; 2/9… biết rõ hơn về những tấm ảnh, những khẩu súng kíp, những chiếc nồi cơm, những chiếc dây thừng từng treo cổ người dân Tam Kim của người Pháp…, để những người Việt Nam đến nơi đây có thể hiểu rõ hơn sự gian khổ và sự bền tâm vững chí của những bậc tiền nhân những ngày đầu đã gầy dựng nên độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước hôm nay.
Cả dòng họ giữ gìn Nà Ngần
Chiều 25/12/1944, đội VNTTGPQ tiêu diệt đồn Phai Khắt, “diệt 1 tên, bắt 17 tên, thu 17 súng”, ngay trong đêm đã hành quân sang đánh đồn Nà Ngần.
Đồn Nà Ngần cũng chẳng phải là đồn bốt kiên cố như cách mà nhiều người miền xuôi vẫn hình dung trên sách vở, bởi vốn dĩ là đó là ngôi nhà của một đồng bào người Tày từ Bình Dương vào đây lập nghiệp, bị người Pháp chiếm đóng quân. Xóm Nà Ngần thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, từ những năm 40 của thế kỷ trước đã là nơi sinh sống của nhiều dòng họ dân tộc Dao. Năm 2013, từ Phai Khắt sang Nà Ngần dài hơn 20km, xe chúng tôi cheo leo bám theo con đường ven vách núi rải đá cấp phối bụi mù mịt, đặc trưng của những con đường lên vùng cao những năm 80 của thế kỷ trước. Thảng hoặc trên đường, chỉ gặp một vài người dân lầm lũi đi nương, trong tiếng chim rừng kêu khắc khoải khi chiều đã về tà.
Những bóng áo xanh màu lính đang hối hả ghép đá ghè ta-luy dương đoạn đường đang sạt lở tại điểm dốc gần cây cầu qua sông Tam Kim trước khi sang Nà Ngần. Vẫn những bóng áo xanh của lính đứng dậy chỉ lối: “Đường này xe chưa đi nổi. Muốn vào Nà Ngần, phải quay lại theo đường cũ”.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng) xác nhận: “Tuyến đường từ Tam Kim sang Nà Ngần, nối về thành phố Cao Bằng đã được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 100 tỷ, hiện đang được thi công rất gấp rút”.
Nếu tuyến đường này nối xong, thì từ Nà Ngần về tới TP. Cao Bằng chỉ còn 18km, khép lại một vòng cung trọn vẹn cho những ai muốn tìm về với vùng đất địa đầu miền biên viễn Đông Bắc, mà từ nơi này đất nước đã đứng lên.
Người đàn ông lưng dắt con dao quắm, ngồi lên xe chỉ đường cho chúng tôi vào Nà Ngần dặn trước: “Hơi dốc đấy nhé”. Không chỉ còn là dốc, từ đường quốc lộ đang thi công vào tới đồn Nà Ngần là một con đường đất đỏ được cào bám ven rìa núi, dốc dựng đứng, theo cách mà những lái xe miền cao vẫn gọi tên con đường bằng hình ảnh “phía trước là bầu trời”, bởi chẳng nhìn thấy đường ở đâu khi xe leo lên dốc.
Nà Ngần nay không còn lại nhiều dấu vết cũ, chỉ còn là một bãi đất phẳng được vây cọc làm tường rào, trên đó có một “nhà bia” ghi lại dấu tích chiến thắng lúc 17h ngày 26/12/1944 năm xưa, khi đội VNTTGPQ do “anh Văn” chỉ huy “diệt 5 tên, bắt sống 17 tên, thu 27 súng”. Phần lớn trong số những binh lính bị bắt được thả về với gia đình, cấp cho lương thực, quần áo.
Ngay sát đồn Nà Ngần năm xưa, những mái nhà đang lên khói bếp khi trời đã về chiều. Người đàn ông chỉ đường cho chúng tôi vào Nà Ngần tên Đặng Văn Chi (42 tuổi, dân tộc Dao), hóa ra lại là người của dòng họ Đặng đang ngày đêm gìn giữ di tích Nà Ngần. Anh Chi kể rằng sau chiến thắng Nà Ngần, khi tất cả rút đi, thì vài năm sau, cả gia tộc anh khai hoang phục hóa mảnh đất này, biến mảnh đất từng ghi dấu tích tang thương của người Pháp trở thành những thửa ruộng cho hạt lúa nuôi người.
Nà Ngần trước không có đường vào. Năm 1995, khi xây dựng nhà bia tưởng niệm chiến thắng Nà Ngần, để đưa được tấm bia ghi dấu tích vào tới nơi, những người thi công đã phải chặt 20 cây luồng làm bè, đặt tấm bia lên trên, thả trôi theo dòng sông Tam Kim vào tới đất này thì huy động 40 người dân mất nhiều ngày mới gánh lên tới nơi. Gia đình anh Chi đã hiến mảnh ruộng vốn là nền đồn Na Ngần cũ, để làm nhà bia tưởng niệm chiến thắng Nà Ngần. Đến năm 2009, khi máy xúc, máy ủi thi công đường quốc lộ vào tới địa điểm này, người dân Nà Ngần mới nhờ cào giúp con đường vào xóm Nà Ngần, nay mới có được con đường “hơi dốc đấy” mà anh Chi nói ở trên.
Chiều xuống muộn, ráng chiều tà hắt qua đầu hẻm núi. Anh Đặng Văn Chi rút con dao quắm, chặt nốt những cành cây vương vãi che mất bờ rào khu di tích nhà bia tưởng niệm chiến thắng Nà Ngần, lôi vứt ra ngoài bờ núi. Anh Chi kể rằng anh được huyện Nguyên Bình “nhờ” chăm nom mảnh đất này, nơi mà gia tộc anh vẫn gọi là “nhà bia”, và anh đã làm công việc đấy nhiều năm nay, như một sự giữ gìn những dấu ấn của tiền nhân từ thuở đầu dựng nước, để thi thoảng có khách đường xa ghé thăm luôn nhìn thấy sự trang nghiêm của một mảnh đất đã đi vào sử sách.
Cũng như đất nước này đã được dựng nên bởi những người dân bình dị đã góp của, góp công như thế.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo