Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay kể chuyện gì với bác sĩ?
Thượng tá bác sĩ Vũ Phi Hải - phó chủ nhiệm khoa A11 - trìu mến gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông.
37 người là bác sĩ, điều dưỡng, cấp dưỡng và công vụ của khoa A11 Bệnh viện Quân y 108 là những người đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 1.559 ngày Đại tướng nằm tại đây (ông nhập viện từ ngày 24/6/2009).
Tình cảm của anh chị em nơi đây gắn bó với ông như người thân trong gia đình. Khi chia sẻ về những giây phút gần gũi, chăm sóc Đại tướng tại phòng bệnh không ai tránh khỏi những giây phút nghẹn ngào.
Là một trong những bác sĩ điều trị chính cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong nhiều ngày ở Bệnh viện 108, thượng tá bác sĩ Vũ Phi Hải - phó chủ nhiệm khoa A11 - rất xúc động: “Lúc đầu bác là bệnh nhân, nhưng bởi chăm sóc, giao tiếp với bác nhiều nên bác trở nên gần gũi và thân thiết với chúng tôi như một người ông”.
Bác sĩ Vũ Phi Hải rưng rưng khi nhắc đến mới hôm qua thôi, mọi người vẫn còn nhìn thấy ông: “Có lúc Đại tướng khỏe, có lúc Đại tướng yếu, đó là chuyện thường gặp ở người già. Trong 1.559 ngày ông ở viện, có nhiều lần ông trở bệnh nặng nhưng rất may mắn là những lần ấy đã điều trị cho ông thành công. Dù nhiều lần ông trải qua những giây phút rất nguy hiểm nhưng ông tỉnh táo đến giây phút cuối cùng”.
Là người tình cảm nên Đại tướng quan tâm đến tất cả anh chị em đang làm việc tại khoa: “Ông hỏi thăm mọi người về gia đình, con cái. Ông cũng thích nói chuyện về cây và hoa, bởi nhà ông có cả một vườn lan và ông có rất nhiều kinh nghiệm trồng cây. Ông có thể nói say mê về cách chăm sóc cây hay kể chuyện về những đứa cháu nội ngoại của mình” - bác sĩ Hải kể.
Là người quan tâm đến mọi chuyển biến của xã hội và tình hình thời sự trong nước và quốc tế, những ngày nằm ở bệnh viện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất thích đọc báo: “Khi mắt kém, không đọc được nữa thì các điều dưỡng đọc báo cho ông nghe, hoặc chúng tôi thường xuyên kể với ông về những chuyện xảy ra ở bên ngoài, ví như mọi người gọi ông và bảo: Ông ơi, cây xăng ở gần bệnh viện cháy ông ạ” - chị Lê Thị Kim Nhung, điều dưỡng ở khoa A11, tâm sự.
Và mỗi lần đến chăm sóc cho Đại tướng, bao giờ các chị cũng ghé vào tai cụ mà nói: “Ông ơi, cháu xoa bóp tay cho ông nhé”, hay: “Ông ơi, cháu rửa mặt giúp ông nhé”... Và mỗi lần như vậy, dù bàn tay rất run, đôi mắt kém nhưng Đại tướng vẫn kéo cái bảng tên của điều dưỡng lên đọc xem đó là ai. Và hầu hết, Đại tướng nhớ tên tất cả những người đang chăm sóc cho ông, từ bác sĩ điều trị đến điều dưỡng, cần vụ và đầu bếp.
Khi còn trò chuyện được nhiều, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay hỏi han các chị về gia đình, con cái và thường khuyên mọi người chịu khó bảo ban cho con cái học hành: “Khi chúng tôi đọc báo cho ông nghe mà gặp những từ tiếng Anh chúng tôi phát âm sai, bao giờ ông cũng dạy chúng tôi phát âm lại cho đúng và giảng giải những nghĩa của từ đó. Rồi sau ông bảo: Mình học nhiều, biết nhiều thì dạy cho con được nhiều” - chị Nhung nhớ lại.
Từ đầu năm 2013 bệnh tình của Đại tướng trở nặng, nhưng ông vẫn lắng nghe những câu chuyện mà các chị điều dưỡng kể và tuân thủ nghiêm ngặt mọi phác đồ điều trị, dinh dưỡng. “Có những điều ông không thích, nhưng nếu đấy là yêu cầu của bác sĩ thì ông thực hiện rất nghiêm túc” - bác sĩ Hải chia sẻ.
Chiều 4/10/2013, toàn bộ người thân của Đại tướng và các bác sĩ đã tề tựu đông đủ tại bệnh viện khi sức khỏe của Đại tướng đã suy giảm rõ rệt: “Giây phút ấy mọi người đều có mặt và tất cả chúng tôi hiểu rằng điều này rồi sẽ đến nhưng không ai cầm được nước mắt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể nào tin được ông đã ra đi” - chị Trần Ngọc Lan, một trong hai đầu bếp đã phục vụ những bữa ăn cho Đại tướng ở bệnh viện, bật khóc.
Và từ hôm nay cũng như nhiều ngày khác nữa, những điều dưỡng, những bác sĩ, công vụ... có thể vẫn đi ngang qua căn phòng trên tầng 2 mà Đại tướng đã ở trong suốt 1.559 ngày qua, nhưng không ai còn có thể chạy vào đó mà gọi “ông ơi” nữa!
Các giáo sư đã nỗ lực hết sức
Ngày 5/10, một lãnh đạo của Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe trung ương cho hay trong ba ngày cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở dương thế (từ ngày 2 đến 4/10), mỗi ngày các thành viên của hội đồng chuyên môn đều hội chẩn một lần về sức khỏe Đại tướng. Trước đó, khi sức khỏe Đại tướng khá hơn, 2-3 tuần hội đồng chuyên môn gồm các thầy thuốc đầu ngành lại hội chẩn một lần.
“Tinh thần mọi người rất quyết tâm, chúng tôi luôn nỗ lực còn nước còn tát. Nhưng do tuổi cao, suy kiệt, Đại tướng đã qua đời do “bệnh già”. Đại tướng hoàn toàn không có bệnh thực thể nguy hiểm nào” - vị lãnh đạo này cho biết |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bên lề WEF Davos 55: Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh
Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại chính sách đặc biệt tại WEF Davos
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?