Dân trải bạt ngủ ngay cổng nhà máy gây ô nhiễm
Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên người dân xã Hắc Dịch phản ứng, bao vây trụ sở nhà máy thép vì ô nhiễm mà đã lần thứ năm, thứ sáu.
Theo phản ánh của người dân xã Hắc Dịch, chiều 3-11, nhà máy thép của Công ty TNHH Đồng Tiến (đóng tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) xả mùi khói rất khó chịu.
Sau khi trời tạnh mưa, bao trùm quanh nhà máy và các khu dân cư lân cận là bầu trời đầy mù sương.
Nhiều lần gây ô nhiễm!
Đến khoảng 18g cùng ngày, khi mùi hôi, gây khó thở xộc vào từng nhà dân vào giờ ăn tối, người dân xã Hắc Dịch đã kéo đến cổng nhà máy phản đối.
Họ yêu cầu được đối thoại với ông Trần Quang Khải, tổng giám đốc công ty Đồng Tiến.
Do không được đối thoại, người dân đã bày chiếu, chăn ngủ ngay trước cổng ra vào nhà máy suốt đêm 3-11.
Ông Trần Xuân Tú (55 tuổi ngụ tại ấp Trảng Cát, xã Hắc Dịch) bức xúc cho biết, từ khi nhà máy thép Đồng Tiến hoạt động, người dân ở xung quanh sống không yên ổn vì xả khói bụi, gây tiếng ồn. Mùi của khi thải nhà máy thép xả ra khét lẹt, gây buồn nôn cho người hít phải. Ngoài ra, khi thải, bụi thải của nhà máy còn làm cho cây cối không thể cho năng suất như trước.
Chị Lê Thị Kim Loan cho hay, trước đây, mỗi năm rẫy, vườn nhà chị thu hoạch 2, 3 tấn điều nay chỉ còn vài tạ vì khói, bụi che hết lá điều, quả điều.
Cây tiêu của nhà ông Tú cũng bị nổ hết lá.
Chị Đường Thị Mỹ Nga, ở ấp Suối Nhum thì cho hay, con cháu nhỏ trong nhà chị và hàng xóm, đứa nào cũng bị xổ mũi, viêm họng vì hít phải khói thải, khí thải của nhà máy.
Đến trưa 4-11, sau khi các ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm cảnh sát môi trường, thanh tra sở tài nguyên môi trường, chi cục bảo vệ môi trường và chính quyền xã làm việc với nhà máy xong, người dân mới dọn dẹp đồ ngủ trước cổng nhà máy Đồng Tiến.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tuất, giám đốc điều hành nhà máy thép Đồng Tiến cho biết, lúc 19g30 ngày 3-11, bảo vệ báo có người dân kéo đến nhà máy vì nhà máy gây khói bụi, có mùi khét, gây khó thở. Nhưng lúc này nhà máy đã dừng hoạt động.
Còn bà Nguyễn Thị Hồng Lộc, cán bộ môi trường của nhà máy cho biết, khi trời mưa, không khí ẩm, khói không thoát lên được nên khi trời tạnh khói thoát ra, tạo thành sương mù.
Đốt thùng phuy chứa chất độc làm nguyên liệu thép
Tuy nhiên, xác nhận của thượng tá Lê Văn Ninh, phó trưởng phòng cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân gây ra khói khét lẹt, khó thở rất có thể là do nhà máy thép Đồng Tiến đã sử dụng vỏ thùng phuy chứa hóa chất độc hại như dung môi, sơn, keo để làm nguyên liệu luyện thép.
Những thùng phuy này chưa được xử lý, làm sạch bên trong nên khi nấu chảy đã tạo ra các hiện tượng trên.
Qua kiểm tra ở bãi chứa phế liệu và bãi dập phế liệu thành khuôn để đưa vào lò nấu cháy, cơ quan chức năng phát hiện có khoảng 1.600 thùng phuy chứa hóa chất chưa được xử lý sạch trước khi nấu chảy.
Ông Lê Văn Ninh khẳng định, việc nhà máy sử dụng thùng phuy chứa chất để nấu thành nguyên liệu là sai với pháp luật bảo vệ môi trường. Vì thùng phuy trên có hóa chất độc hại bám bên thành, nhà máy thép là đơn vị không có chức năng xử lý chất thải nguy hại.
Theo quan sát của Tuổi Trẻ, trên những thùng phuy này đều có nhãn mác cảnh báo, khuyến cáo độc hại cũng như cách sử dụng an toàn nhưng đa số đã bị bóc đi.
Tuy nhiên vẫn còn sót lại những mác chưa được bóc.
Trên những mác này có nhãn ghi rõ: “kích thích cho mắt và da”, “gây hại khi hít phải”, “kích thích hệ hô hấp và có thể gây ra chứng mù mắt, chóng mặt”, “có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản hoặc thai nhi”.
Có nhãn ghi “Rủi ro: độ cháy cao; nguy hiểm khi tiếp xúc lên da hay hít phải”. “An toàn: để xa các vật dễ cháy, không tiếp xúc vào mắt, không được đổ xuống cống rãnh, sử dụng các biện pháp phòng chống tĩnh điện”.
Trên những mắc này đều ghi rõ các nhà nhà sản xuất, xuất xứ.
Sau khi làm việc với nhà máy, ngành chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu nhà máy tạm dừng hoạt động cho đến khi có kết luận của cơ quan chức năng. Đồng thời yêu cầu nhà máy chuyển toàn bộ số thùng phuy trên đến nhà máy xử lý chất thải để xử lý.
Vụ việc đang được ngành chức năng tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.
Ông Nguyễn Thái Sinh, Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định, nhà máy sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Hầu hết người dân xã Hắc Dịch yêu cầu phải di dời nhà máy thép Đồng Tiến.
Ông Lê Minh Vương, phó chủ tịch UBND xã Hắc Dịch cho biết, nhà máy thép Đồng Tiến nằm tại xã Hắc Dịch là nằm ngoài quy hoạch các nhà máy thép.
Và biện pháp tốt nhất là di dời nhà máy vì phía đối diện nhà máy là quy hoạch khu dân cư vệ tinh của đô thị mới Phú Mỹ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo