Đắng lòng bán công ty, nợ càng phình to
Năm 2011, Công ty cổ phần xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) đã mời Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư Trường Sa (Công ty Trường Sa, trụ sở tại TP.Hồ Chí Minh) vào “hỗ trợ tái cấu trúc tài chính”.
Kế hoạch của Công ty Trường Sa là giúp doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, xử lý nợ xấu, tăng hiệu quả quản trị.
Ba cổ đông lớn chiếm trên 90% cổ phần của Công ty Xi măng Thanh Liêm (vốn điều lệ 120 tỷ đồng) đã bán toàn bộ cổ phần cho Công ty Trường Sa.
Ông Ngô Quốc Hùng- người của Công ty Trường Sa trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Xi măng Thanh Liêm. Thời điểm đó (tháng 9-2011), Công ty Xi măng Thanh Liêm đang nợ các ngân hàng hơn 400 tỷ đồng (nợ nhóm 3).
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau 1 năm “đổi chủ”, số nợ của Công ty Xi măng Thanh Liêm không giảm, mà đã tăng thêm và chuyển sang nợ xấu, lên tới hơn 540 tỷ đồng tại hai ngân hàng.
Còn theo thông tin của Tổng cục Thuế, công ty xi măng Thanh Liêm đã tạm ngừng kinh doanh. Thực tế, nhà máy xi măng Thanh Liêm gần như dừng sản xuất, người lao động nghỉ việc, chỉ còn một bảo vệ trông coi nhà máy và vài cán bộ ngân hàng xuống quản lý tài sản thế chấp.
Cũng trong năm 2011, Công ty Trường Sa còn mua hơn 97% cổ phần của Công ty CP kinh doanh kim khí Hải Phòng, với giá 16,3 tỷ đồng, trong thời điểm Công ty Kim khí Hải Phòng đang nợ nần trên 100 tỷ đồng không có khả năng trả nợ.
Ông Ngô Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Trường Sa trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Kim khí Hải Phòng. Theo thỏa thuận, sau khi bàn giao xong phía Công ty Trường Sa phải trả tiền.
Ông Phạm Văn Thưởng, nguyên Giám đốc Công ty Kim khí Hải Phòng, cho biết: “Hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần là ngày 28-9-2012, nhưng Công ty Trường Sa vẫn không trả tiền, mà lại xin gia hạn thêm 3 tháng nữa”.
Ông Phạm Văn Thưởng cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu Công ty Trường Sa: Một là trả tiền mua cổ phần, hai là bàn giao lại quyền quản trị doanh nghiệp. Nếu họ không trả tiền, không trả lại doanh nghiệp thì chúng tôi phải nhờ đến pháp luật thôi”.
Ngày 19-11, các cổ đông Công ty Kim khí Hải Phòng đã gửi đơn kiến nghị Công an Thành phố Hải Phòng điều tra hành vi “chiếm đoạt doanh nghiệp” của công ty Trường Sa. Khi những tranh cãi giữa nhóm cổ đông cũ và mới chưa có hồi kết, thì công ty này vẫn ngừng hoạt động, người lao động nghỉ việc không lương. Khối nợ các ngân hàng vẫn đẻ lãi thêm hơn 3 tỷ đồng mỗi tháng.
Ngoài hai doanh nghiệp trên, Công ty Trường Sa còn thâu tóm Công ty Thái Sơn (Hải Phòng), cũng trong bối cảnh công ty này đang lâm cảnh nợ nần tới gần ngàn tỷ đồng.
Nhưng từ đầu tháng 8-2012, khi cha con ông Phạm Văn Thụ (Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn) bị tạm giam với tội danh lừa đảo liên quan đến các khoản vay, Công ty Thái Sơn gần như ngừng hoạt động.
Còn ông Phạm Văn Quang, người được Công ty Trường Sa cử làm đại diện chủ sở hữu mới của Công ty Thái Sơn cũng không đến công ty để điều hành, ngoại trừ việc mang đi 2 chiếc ôtô hạng sang của doanh nghiệp.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, ngày 15-11, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế (Công an Thành phố Hải Phòng) đã triệu tập ông Ngô Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty Trường Sa đến làm việc từ ngày 16 đến 19-11.
Việt Huế (Theo Tiền Phong)
End of content
Không có tin nào tiếp theo