Tin tức - Sự kiện

Đằng sau chuyện Giám đốc bệnh viện chối chức Phó giám đốc Sở

"Việc một ông giám đốc bệnh viện huyện từ chối nhận chức phó giám đốc sở theo tôi biết từ trước đến nay chưa có tiền lệ...", ông Nguyễn Ty chia sẻ.
 
Đàng hoàng thì nghèo!
Ngày 29/7, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo BS Hồ Phi Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Bình Thuận (huyện Đức Linh) vì không chấp hành quyết định điều động, bổ nhiệm của UBND tỉnh làm Phó Giám đốc Sở Y tế. Vì sao từ chối lên chức lại bị kỷ luật thưa ông?
 
Đã là một đảng viên thì phải thực hiện sự phân công nhiệm vụ của Đảng. Nếu không thực hiện thì sẽ bị kỷ luật là điều bình thường.
 
Được lên chức có lẽ là mơ ước của rất nhiều người, vì sao trong trường hợp này, vị giám đốc bệnh viện lại từ chối, theo ông?
 
Có thể vì người đó tự xét thấy năng lực, điều kiện, hoàn cảnh công việc và thấy rằng nếu đảm nhận vị trí mới sẽ không có lợi cho xã hội, không đem lại hiệu quả giống như công việc đang làm. Chuyển sang làm công tác quản lý thì không có lợi cho sự phát triển chung, nên nhường cơ hội cho người khác. Hoặc khi cân nhắc giữa cái được và cái mất thì họ thấy rằng công việc họ đang làm có lợi cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội hơn. Ở góc độ là một công dân thì người này có quyền từ chối không làm. Nhưng một đảng viên mà thoái thác, trốn tránh nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị kỷ luật.
 
Rõ ràng từ chối việc thăng chức đến giờ vẫn là câu chuyện ngược đời?
 
Tôi cũng thấy lạ quá. Trước tới nay chưa thấy ai từ chối việc thăng chức cả!
 
Nếu một người từ chối một chức vụ cao hơn vì tự thấy mình không đủ năng lực thì phải khen ngợi họ chứ, sao lại kỷ luật ạ?
 
Đó là do cơ quan có thẩm quyền xem xét ở góc độ nào. Nếu đúng người đó có lý do là không đủ năng lực đảm đương vị trí đó thì có thể thông cảm cho người ta, nhưng nếu vì những lý do khác như vì gia đình thì không được. Còn nếu ở góc độ cá nhân, vì thấy rằng làm ở vị trí đó chỉ được cái "tiếng" thôi chứ về lợi ích thì không được gì, thu nhập không bằng vị trí hiện tại nên từ chối thì phải xem xét tư cách người đó. 
 
Có người cho rằng ông A, ông B được lên chức, nhưng thực ra là bị "giáng chức" vì cái chức vụ cao hơn ấy chẳng "màu mỡ", chẳng có bổng lộc gì, phải chăng câu chuyện này cũng thế?
 
Chính là thế. 
 Ông Nguyễn Ty, nguyên Phó ban Nông nghiệp Trung ương Đoàn.
 
Điều động người này, dọn chỗ cho người khác
Như ông vừa nói, chức vụ cao hơn nhưng có thể quyền lợi thấp hơn. Vậy mà lâu nay người ta vẫn nghĩ rằng, chức vụ đi cùng với quyền lợi?
 
Điều đó đúng nhưng không phải đúng với tất cả mọi trường hợp. Khi họ đã xử lý công việc dựa trên lợi ích của bản thân mình thì cái chữ quyền và lợi kia sẽ được đặt lên hàng đầu. Rất hiếm khi có người từ chối chức vụ, nên hy vọng trong trường hợp này là từ chối vì tự nhận thấy không đủ năng lực chứ không phải vì cân nhắc quyền lợi của bản thân, hoặc vì là bác sỹ nên muốn được trực tiếp làm nghề chứ không muốn làm quản lý. 
 
Theo Sở Nội vụ Bình Thuận thì điều này làm xáo trộn công tác quy hoạch cán bộ?
 
Việc bổ nhiệm, luân chuyển cũng có những vấn đề cần phải bàn. Có nơi, tôi được biết, thực chất việc điều động một cán bộ đi là để dọn chỗ cho một người khác vào vị trí thay thế đó. Người nào muốn vào thế chân đó thì lại phải vận dụng mối quan hệ quen biết, huy động tiền bạc lo lót chạy chọt để được đề bạt vào vị trí đó, thế là phát sinh tiêu cực. 
 
Vậy là trong chính việc thuyên chuyển cán bộ cũng có thể tồn tại tiêu cực?
 
Người ta có nhiều cách để làm lắm. Ví dụ như cho cán bộ đi học để có kiến thức đủ đáp ứng vị trí công việc mới theo quy hoạch cán bộ, hoặc thấy người này ở vị trí này không có lợi cho ông A, ông B, nên phải bố trí cho đi học, sau đó thì sẽ bố trí công việc khác. Trong quy hoạch, đảng viên phải tuân thủ sự phân công của tổ chức Đảng, chứ không phải thích quy hoạch thế nào cũng được.
 
Nhưng theo quy định, một người nắm giữ một vị trí công tác quá lâu thì phải điều chuyển để tránh phát sinh tiêu cực. Chả nhẽ tiêu cực lại phát sinh từ chính việc chống tiêu cực?
 
Đúng là theo quy định, một người công tác ở một vị trí lãnh đạo 10 năm thì nằm trong diện thuyên chuyển. Có thể là đề bạt lên chức vụ cao hơn, có thể chuyển đến địa phương, ngành khác để công tác, hoặc chuyển từ làm chuyên môn sang quản lý và ngược lại. Trở lại câu chuyện của ông giám đốc bệnh viện nói trên thì nếu đã đủ thâm niên công tác 10 năm thì buộc phải thuyên chuyển. Trong vụ việc đó thì phải xác định rõ nguyên nhân người này từ chối chức vụ mới.
 
"Đầu gà" tốt hơn "đuôi trâu"!
 
Ông vừa nói từ trước đến nay chưa có ai từ chối việc mình được thăng chức?
 
Đúng là theo tôi được biết thì chưa gặp trường hợp như thế này bao giờ. Tôi biết một câu chuyện có một người là giám đốc một xí nghiệp được đề bạt làm phó tổng giám đốc của tổng công ty. Anh này mới than thở rất ái ngại khi nhận chức vụ mới và thực lòng không muốn nhận. Các cụ bảo chức vụ mới này như cái "đuôi trâu", cái xí nghiệp của anh này chính là "đầu gà". "Đầu gà" tốt hơn "đuôi trâu". Anh này mới đề xuất là chỉ xin làm giám đốc của xí nghiệp thôi, còn khi đã lên chức cao hơn nghĩa là chỉ là một công chức làm công ăn lương, không có bổng lộc gì cả. Từ một người chủ động biến thành người bị động thì không muốn, không thích.
 
Rồi sự việc ấy kết thúc thế nào ạ?
 
Chắc là những người "ở trên" cũng đoán được cái tâm tư của anh này nên họ gật gù, thế thì cho anh giữ cả hai chức vụ, vừa là phó tổng giám đốc kiêm giám đốc xí nghiệp. Anh này bảo: "Thế thì còn được, tôi làm".
 
Vậy là bài học từ câu chuyện này cũng chính là lợi ích kinh tế của cán bộ khi đảm nhận các chức vụ?
 
Nó rõ ràng là lợi ích kinh tế trong chính công tác cán bộ của chúng ta hiện nay.
 
Việc loại bỏ yếu tố lợi ích trong bố trí cán bộ có khó không, có làm được không?
 
Cứ làm đúng luật, đúng quy định thì lấy đâu ra lợi ích. Một người quản lý xí nghiệp đốc thúc công nhân tăng gia sản xuất, phát triển lợi nhuận tốt hơn một phó tổng giám đốc chỉ như một tay sai chứ. Trước đây cán bộ được đề bạt thường dùng khẩu hiệu "vì nhân dân phục vụ", nên việc đề bạt đó thường được cán bộ rất phấn khởi. Nhưng giờ, trước khi về vị trí mới, người ta luôn cân nhắc mình có quyền lợi gì trong đó. Thế nên, loại bỏ tiêu cực trong công tác cán bộ hơi khó.
Xin cảm ơn ông!
 
UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, thực hiện công tác củng cố tổ chức cán bộ tại Sở Y tế, trong 6 tháng đầu năm 2014, UBND tỉnh đã xem xét bổ nhiệm mới hai phó giám đốc sở. Nhìn chung, công tác quy hoạch, củng cố ngành y tế nhận được sự đồng thuận, chưa có phản ánh hay trở ngại gì. Tới đây, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung lựa chọn nhân sự để bổ nhiệm chức danh Giám đốc Sở Y tế.
 
Theo Kiến thức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo