Tin tức - Sự kiện

Đằng sau quyết tâm mua bằng được Rafale của Ấn Độ

Việc Ấn Độ đặt mua 36 tiêm kích đa năng Rafale của Pháp theo hợp đồng riêng biệt đã gây một cú sốc lớn trong bối cảnh gói thầu cung cấp 126 chiếc Rafale trước đó còn chưa ngã ngũ.
 
Khen Pháp là nhà cung cấp vũ khí tin cậy…
 
Trong chuyến thăm chính thức tới Pháp vừa qua, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã gây bất ngờ lớn khi tuyên bố nước này sẽ đặt mua 36 máy bay tiêm kích đa năng Rafale nguyên chiếc.
 
Chưa hết, ông cũng khen hết lời khi nói “Pháp là nhà cung cấp vũ khí tin cậy”, bất chấp quá trình đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất 126 máy bay loại này đang gặp vướng mắc, chưa thể đi đến hồi kết, thậm chí có lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc.
 
Nguyên nhân của quyết định khó hiểu này hầu hết đều được lý giải theo hướng Ấn Độ cần ngay máy bay mới, hiện đại để thay thế các loại máy bay cũ như Mirage-2000, MiG-27 và nhất là dòng máy bay MiG-21 vốn được mệnh danh là “quan tài bay”.
 
Điều đó hoàn toàn đúng, tuy nhiên, ẩn sau quyết định này có lẽ còn nhiều nguyên nhân khác khó có thể lý giải theo logic thông thường.
 
 
Ấn Độ đã quyết định đặt mua 36 tiêm kích đa năng Rafale của Pháp
 
 
 
…bằng chứng của nỗi thèm khát công nghệ
 
Mặc dù đơn giá đã tăng gần gấp đôi so với giá chào thầu khiến tổng giá trị hợp đồng cung cấp 126 chiếc Rafale đội lên tới 20 tỷ USD, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Ấn Độ về cơ bản đã chấp nhận mức giá này.
 
Cộng thêm 36 chiếc Rafael theo đề nghị mới nhất sẽ nâng tổng số máy bay loại này Ấn Độ đặt mua lên tới 162 chiếc, chỉ thua hợp đồng mua 272 chiếc Su-30MKI của Nga về số lượng, nhưng giá trị lại gấp hơn 2 lần. Tại sao vậy?
 
Thứ nhất, điều không phải bàn cãi là Rafale được các chuyên gia quốc tế cũng như Ấn Độ đánh giá là dòng tiêm kích đa năng thế hệ 4++ hiện đại nhất thế giới.
 
Nó đáp ứng tốt nhất các yêu cầu khắt khe trong điều kiện mời thầu và đánh giá thực tế của Ấn Độ để vượt qua các đối thủ sừng sỏ như EuroFighter EF-2000 của châu Âu, MiG-35 của Nga hay F/A-18 Super Hornet của Mỹ.
 
Thứ hai, nhu cầu thay thế các máy bay thế hệ cũ đang có trong biên chế của Không quân Ấn Độ là hết sức cấp bách. Trong khoảng 5 - 7 năm trở lại đây, đã có hàng chục vụ tai nạn liên quan tới các máy bay cũ khiến không ít phi công thiệt mạng.
 
Chắc chắn các phi công cũng như tướng lĩnh Không quân nước này không thể chấp nhận mãi sự hy sinh vô ích, để hối thúc Chính phủ phải nhanh chóng đặt mua máy bay mới.
 
Thứ ba, trình độ công nghiệp quốc phòng Ấn Độ không theo kịp thế giới và hầu hết các dự án chế tạo đều chậm tiến độ, khiến các vũ khí chưa kịp ra lò đã đứng trước nguy cơ lạc hậu.
 
Điển hình như các dự án: xe tăng Arjun, tên lửa phòng không Akash, máy bay Tejas hay tàu hộ vệ săn ngầm P-28 Kamorta… Cách nhanh nhất và duy nhất là mua công nghệ từ các nước phát triển, trong đó có Pháp.
 
Tiêm kích nhẹ Tejas cũng như nhiều chương trình vũ khí của Ấn Độ đã bị chậm tiến độ hàng chục năm
 
Thứ tư, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ Phương Tây của Ấn Độ đang ngày càng trở nên rõ nét và Nga đang mất dần vai trò là nhà cung cấp chính.
 
Trong khi đó, đối thủ chiến lược là Trung Quốc đang có những bước tiến vượt bậc, khiến lực lượng vũ trang Ấn Độ đứng trước nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng.
 
Chưa kể, Trung Quốc quyết mua bằng được Su-35 từ Nga, số lượng tuy ít nhưng nếu họ sao chép công nghệ thành công, Ấn Độ cần phải có loại vũ khí có khả năng khắc chế.
 
Thứ năm, tiền không thành vấn đề. Dường như Ấn Độ đã chấp nhận đơn giá tăng gần gấp đôi với gói thầu 126 chiếc Rafale, vướng mắc duy nhất hiện nay có lẽ nằm ở việc Pháp nhất quyết không đồng ý bảo hành chất lượng sản phẩm lắp ráp tại Ấn Độ.
 
Hơn nữa, đã có tiền lệ khi họ mua nhiều vũ khí với đơn giá đắt khủng khiếp, gấp 2 lần so với các hợp đồng thông thường như C-130J, C-17M và P-8I từ Mỹ hay tên lửa SPYDER từ Israel.
 
Thứ sáu, trong khi hợp đồng 126 chiếc Rafale gặp nhiều vướng mắc thì Châu Âu cũng như Nga quyết liệt vận động Ấn Độ chuyển hướng quay lại EF-2000 hay MiG-35 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, bất chấp các loại máy bay này từng là bại tướng trước Rafale.
 
Bối cảnh này vô hình chung tạo sức ép, buộc phía Pháp phải nhượng bộ và Ấn Độ là người được hưởng lợi.
Thứ bảy, chính Ấn Độ cũng đã và đang gặp rắc rối khi máy bay Su-30MKI do Nga cung cấp gặp trục trặc nghiêm trọng, có thời điểm quá nửa phải nằm sân.
 
Tiền lệ này khiến Ấn Độ chặt chẽ hơn trong các điều khoản hợp đồng để không bị tránh “vỏ dưa gặp vỏ dừa”, buộc Pháp phải bảo hành cho chất lượng máy bay Rafale dù lắp ở Pháp hay Ấn.
 
Đây là nguyên nhân chính khiến hợp đồng chưa thể ký chính thức chứ không hẳn ở chỗ Pháp không sẵn sàng chuyển giao công nghệ.
 
Tiền lệ đối với Su-30MKI buộc Ấn Độ phải đặt ra những điều kiện bảo hành ngặt nghèo
 
Tiền lệ đối với Su-30MKI buộc Ấn Độ phải đặt ra những điều kiện bảo hành ngặt nghèo
 
Tóm lại, việc Ấn Độ đặt mua 36 chiếc Rafale nguyên chiếc, giao ngay hoàn toàn có thể hiểu được và sớm muộn gì hợp đồng 126 chiếc khác cũng sẽ được ký kết.
 
Quyết định bất ngờ nhưng xét ra Ấn Độ có lý khi nằng nặc mua bằng được, nhất là khi Rafale vừa có màn trình diễn không thể tuyệt vời hơn trong cuộc chiến chống IS.

 

(Theo Trí Thức Trẻ)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo