Tin tức - Sự kiện

Đánh thuế tài sản với nhà, đất ở: Kiến nghị xem xét sau năm 2020

HoREA cho rằng, nên xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau năm 2020. Đồng thời bày tỏ quan ngại sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế" do người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa đóng góp ý kiến về đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, trong đó, có đối tượng chịu thuế là tài sản nhà ở, đất ở.

Theo đó, HoREA cho rằng, Luật Thuế tài sản nếu được ban hành tại thời điểm hiện nay sẽ có tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng. Bên cạnh tác động làm tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch, Hiệp hội cũng bày tỏ quan ngại sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế", do người tiêu dùng (người mua nhà) vừa phải nộp tiền sử dụng đất rất lớn, vừa phải nộp thuế tài sản.

HoREA kiến nghị xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020 thì phù hợp hơn.

Bên cạnh đó, HoREA cũng quan ngại Luật thuế này được ban hành sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung mà trực tiếp là giá cả trên thị trường bất động sản cũng như tác động làm giảm phần nào hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường bất động sản.

Về giá tính thuế và thuế suất theo dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, HoREA cho rằng, việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng "có thể chấp nhận được" khi so sánh với thuế suất của nhiều nước. Đồng thời, cho rằng Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống thì chưa thật thỏa đáng.

Về thời điểm ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội kiến nghị xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020 thì phù hợp hơn.
Theo HoREA, Luật Thuế tài sản được áp dụng ở đa số các nước trên thế giới, là nguồn thu quan trọng, ổn định và bền vững của ngân sách nhà nước tại địa phương, góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Ở Việt Nam, hiện nay, chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó, có đất ở theo quy định của "Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp" năm 2010.

Mức thuế phải nộp tính theo bảng giá đất của cấp tỉnh, với thuế suất 0,03% (đối với đất ở trong hạn mức); 0,07% (đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức); 0,15% (đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức).

Cho rằng xây dựng Luật Thuế tài sản, trong đó, có thuế đất ở, nhà ở, nhất là trong giai đoạn sau năm 2020 là cần thiết nhưng theo HoREA, có điểm khác biệt cơ bản là ở các nước khác thì đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản thu ngân sách "tiền sử dụng đất" như ở Việt Nam.

 

"Tiền sử dụng đất đang là "ẩn số", là "gánh nặng", cách tính tạo ra cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu và doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục hành chính này. Tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nhà ở, như chiếm khoảng trên dưới 10% trong giá thành căn hộ chung cư; khoảng trên dưới 30% trong giá thành nhà phố; chiếm khoảng trên dưới 50% trong giá thành biệt thự", HoREA cho biết.

Do vậy, theo Hiệp hội này, việc xây dựng dự án Luật Thuế tài sản (đánh thuế đất ở, nhà ở) cần đi đôi với việc sửa đổi chính sách và cơ chế tính "tiền sử dụng đất", theo hướng quy định "tiền sử dụng đất" là một sắc thuế đánh trên hoạt động "chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất ở", với thuế suất khoảng 10-15%, tính trên bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.

"Hiệp hội tán thành việc bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp khi ban hành Luật Thuế tài sản như dự thảo đã đề xuất", HoREA cho biết.

Nên đọc
Theo Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo