Đập thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt hay vẫn ổn định?
Sáng 19/3, GS.TS Nguyễn Thế Hùng - phó chủ tịch Hội Cơ học thủy khí Việt Nam, tổ trưởng bộ môn cơ sở kỹ thuật thủy lợi khoa xây dựng thủy lợi thủy điện, ĐH Bách khoa Đà Nẵng - đã có buổi thị sát bờ đập công trình thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam).
Tận mắt khảo sát, chứng kiến hiện trường, GS Hùng không khỏi lo lắng vì công trình có dấu hiệu bất bình thường về chuyên môn.
Tại hiện trường sáng 19/3, nước từ các khe nhiệt nằm trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn tiếp tục tuôn trào càng khiến người dân lo lắng. Phía trên thân đập, từ sáng sớm một nhóm công nhân dưới sự chỉ huy của hai kỹ sư tiếp tục tìm cách ngăn dòng nước chảy ra từ các khe nhiệt.
Tại một vị trí khe nhiệt ở phần thân đập phía bên phải, nước phun thành dòng khá mạnh nên nhóm thợ khoan phải tìm cách khoan các lỗ ở khe nhiệt các bậc từ phía dưới lên rồi đưa ống nước vào để phun keo vào trong khe nhiệt. Còn ở phía trên, hai công nhân khác dùng búa, đục theo khe nhiệt để tạo ra những rãnh lớn rồi nhét bao nilông, túi vải vào nhằm ngăn dòng nước tuôn ra. Ở những đoạn khe nhiệt đã khô, công nhân dùng ximăng, keo và hóa chất hàn dán lại. Tuy nhiên, dòng nước vẫn bắn ra không ngừng từ các vị trí này.
Nếu có dư chấn, đập có thể bị phá hủy
Trao đổi với GS Hùng, ông Võ Duy Minh, giám đốc Ban điều hành dự án thủy điện Sông Tranh 2, giải thích nơi chảy nước là những khe nhiệt có trong thiết kế cho sự giãn nở của bêtông. Và nước thoát qua khe nhiệt là lượng nước thẩm thấu qua thành bêtông đều nằm trong tính toán của thiết kế. Ông Minh cho rằng những ngày qua công nhân đã làm lại đường ống cho các khe nước chảy vào hành lang thu nước thấm chứ hoàn toàn không phải “bịt” không cho nước chảy ra ngoài, người dân không nên quá lo lắng.
Sau khi nghe giải thích, GS Hùng nhận định: “Qua khảo sát cho thấy công trình có dấu hiệu bất thường. Về nguyên tắc, những khe nhiệt không thể có nước chảy qua mà ở đó có những van bằng đồng (chuyên môn gọi là van omega) dùng để chắn nước thấm vào khe nhiệt”.
Theo GS Hùng: “Không có công trình nào có hành lang thu nước thấm đặt ở phần hạ lưu của thân đập. Thông thường phải đặt hành lang thu nước thấm ở 1/3 thân đập về phía trên. Phần 2/3 thân đập dưới phải đảm bảo khô ráo 100%. Tôi đã đi hàng trăm đập nước khắp nơi trên thế giới nhưng chưa thấy công trình nào như thế này!”.
Cũng theo nhận định của GS Hùng, nếu có một cơn dư chấn bất thường do động đất ở khu vực này có thể phá hủy đập bất cứ lúc nào. Chưa nói nước chảy qua thân đập thường xuyên như vậy dẫn đến bêtông bị hỏng do hiện tượng thủy hóa. Vì theo nguyên tắc của bêtông đầm lăn này thì bêtông lớp ngoài có mác tối thiểu 250, trong khi ở ruột mác bêtông chỉ khoảng 150 nên rất dễ bị bục bêtông do thấm nước. Khi đó thân đập sẽ rất nhanh hỏng vì trong nước có các hóa chất khác làm hư hại công trình.
GS Hùng cho rằng nguyên nhân nước chảy thành vòi trên thân đập là do áp lực nước theo cột đứng và theo nguyên tắc bình thông nhau. Do áp lực lớn của hồ nước bên trên nên phía dưới đã có những vòi nước chảy xì hình cầu vồng bên dưới thân đập.
“Điều đó chứng tỏ đập đã bị nứt. Nếu có một cơn địa chấn thì con đập sẽ bị phá hủy, gây thảm họa chết người cho vùng hạ lưu... Về nguyên tắc nước thấm qua thành đập theo thiết kế thì phải thấm đều, nhưng ở đây nước thấm tập trung đã tạo thành dòng chứng tỏ con đập đang có vấn đề. Nhà đầu tư có thể bị thua lỗ do đập hỏng nhưng hàng ngàn sinh mạng người dân vùng hạ lưu đáng giá hơn nhiều” - GS Hùng nhận định.
Điều không được phép trong xây dựng đập
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, chủ tịch Hội Đập lớn VN, cho rằng việc xuất hiện trên thân đập vết nứt, rồi nước rỉ thành dòng từ thượng lưu ngấm qua thân đập xuống hạ lưu là “rất nguy hiểm”, là điều không được phép trong xây dựng đập. GS Giang cho rằng nếu không kiểm tra, xử lý kịp thời thì từ vết nứt, dòng nước rò rỉ trong thân đập sẽ làm hỏng, xói mòn vật liệu (bêtông) tạo thành xói ngầm. Chậm xử lý xói ngầm sẽ sinh năng lượng và đến thời điểm sẽ gây bục, vỡ đập.
GS Giang cho biết ở VN từ khi có các đập bằng bêtông (trước bêtông là đập bằng đất), kể cả sau này sử dụng công nghệ bêtông đầm lăn như thủy điện Sông Tranh 2 hay thủy điện Sơn La thì chưa hề xuất hiện các hiện tượng nguy hiểm tương tự. Bởi trong xây dựng đập, yếu tố kỹ thuật được đặt lên hàng đầu, thi công rất nghiêm ngặt, phải có cả chống thấm thân đập phía thượng lưu. Tuy nhiên, theo những gì được mô tả thì về kỹ thuật vẫn có thể xử lý được các vết nứt, rò rỉ nhưng cần phải làm khẩn trương, thận trọng.
Đập vẫn ổn định, người dân không phải lo lắng Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa gửi văn bản của Ban quản lý dự án thủy điện 3 như một thông báo quan điểm chính thức của tập đoàn này. Văn bản khẳng định các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đã được nghiệm thu và đánh giá là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình. Lý do nước chảy là do khe nứt nhiệt được thiết kế để triệt tiêu hiệu ứng nhiệt có thể khiến nứt bêtông trong quá trình thi công cũng như quá trình vận hành sau này (có khoảng 30 khe nứt nhiệt như vậy trên toàn đập). Ban quản lý dự án thủy điện 3 cam kết: “Chúng tôi tin lượng thấm sẽ giảm và chất lượng công trình sẽ tốt hơn”. Ông Trần Văn Hải - trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 - cho biết thêm: - Tích nước đầy hồ vào tháng 11-2010, nhưng đến tháng 11-2011 thân đập thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xuất hiện hiện tượng rò rỉ nước với tổng lượng thấm đo được 30 lít nước/giây. Vào thời điểm này, nước thấm được chúng tôi thu gom về trong các hành lang nằm giữa thân đập nên mọi người không thấy. Để hạn chế tình trạng trên, chúng tôi đã xử lý bằng cách dùng chất keo xịt vào các vị trí rò rỉ bên trong hành lang, mục đích là ngăn không cho nước chảy vào hành lang nữa. Tuy nhiên giải pháp xử lý của chúng tôi chưa được tốt, chưa đạt yêu cầu nên nước không chảy vào hành lang nữa mà lại chuyển hướng chảy ra ngoài vỏ đập như hiện tại chúng ta thấy. Qua khảo sát cho thấy hiện trên thân đập xuất hiện ba vị trí xì nước. Vị trí thứ nhất xuất hiện ở cao trình 132m, vị trí thứ hai xuất hiện ở cao trình 140m và vị trí thứ ba ở cao trình 168m, tất cả đều xuất phát ở các khe nhiệt (rãnh co giãn bêtông). Chúng tôi khẳng định rằng đập vẫn ổn định và an toàn đúng thiết kế, người dân không phải quá lo lắng. * Hội đồng nghiệm thu các cấp có biết chuyện xì nước này không và liệu nó có liên đới gì đến các trận động đất trước đó? - Việc tổng lượng nước thấm qua thân đập (30 lít/giây) đã được hội đồng nghiệm thu nhà nước, hội đồng nghiệm thu cấp EVN và hội đồng nghiệm thu cơ sở đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình. Tất cả đều cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật, tuy không mong muốn nhưng vẫn nằm trong yêu cầu cho phép. Hiện các nhà khoa học không đưa ra ngưỡng tổng thấm nước bao nhiêu là cao nhất mà chỉ đánh giá rằng việc thẩm thấu đó có ảnh hưởng đến an toàn đập hay không và cách thức thấm như thế nào mà thôi. Tôi lưu ý rằng việc thấm này không hề liên quan đến các trận động đất xảy ra gần đây ở Bắc Trà My, bởi việc thấm nước này xuất hiện từ ngay sau khi hồ tích đầy nước. Việc xử lý rất phức tạp về khâu kỹ thuật, chúng tôi vừa làm vừa thử, không được cách này thì bày cách khác... vả lại đập này chịu lực bằng trọng lực của thân đập rất lớn nên với lưu lượng chảy 30 lít/giây thì không có gì phải e ngại cả. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo