Đâu là “nỗi lo” lớn của TP.HCM trong việc đánh giá cán bộ, thu hút nhân tài?
Trong phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường thuộc khuôn khổ kỳ họp thứ bảy (kỳ họp bất thường) HĐND TP.HCM khóa IX diễn ra ngày 15/3, nhiều đại biểu dành sự quan tâm đối với 2 đề án thu hút nhân tài và chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Đây là 2 trong số 4 đề án triển khai Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, điều cốt lõi trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học về làm việc cho các đơn vị của thành phố là phải tạo được cơ chế cho họ hoạt động hiệu quả.
Theo ông Quang, ngoài hỗ trợ về vật chất thì cần có chế độ đặc biệt để các chuyên gia đóng góp như cơ chế hoạt động, được lãnh đạo thành phố lắng nghe. “Những điều này quan trọng hơn lương hay mức trợ cấp ban đầu cho dự án. Bởi với thu nhập của các chuyên gia đã được khẳng định về năng lực thì những tài trợ này chỉ mang tính tượng trưng”, ông Quang nói.
Cũng quan tâm đến việc thu hút, sử dụng nhân tài, đại biểu Trần Hoàng Danh băn khoăn giữa chính sách thu hút và đãi ngộ.
Theo ông, khi chuyên gia, nhà khoa học đến công tác tại thành phố thì nhận được chế độ hỗ trợ ban đầu. “Vậy thời gian công tác, gắn bó với thành phố bao lâu thì họ giữ được phần hỗ trợ ban đầu. Chứ còn nếu ký hợp đồng xong một thời gian ngắn lại không công tác được nữa thì thành phố không đạt được mục đích thu hút nhân tài”, ông Danh nói.
Ngoài ra, ông Danh cho rằng có chính sách thu hút người tài đến thì nên có đãi ngộ đối với người đang làm tốt, với chế độ rõ ràng, cụ thể.
Theo ông Danh, đề án không nên yêu cầu chuyên gia, nhà khoa học chứng minh có nhu cầu chỗ ở bởi vì rõ ràng ai cũng có nhu cầu. Vì vậy, tiền hỗ trợ nhà ở thì nên tính vào tiền lương, ai muốn thuê nhà như thế nào là chuyện của họ.
Về đề án chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang cho rằng, cần thay đổi cách đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức để có cơ sở phân phối thu nhập tăng thêm.
Theo ông, hiện nay các cơ quan đang đánh giá cán bộ theo biểu mẫu chung vào cuối năm nên thường những việc cán bộ làm đầu năm không được nhớ mà những việc làm cuối năm sẽ đại diện cho đánh giá.
Ông cũng chỉ ra rằng trong quá trình đánh giá cũng có nhiều bất cập ở chỗ cuối cùng hầu hết mọi cán bộ đều “hoàn thành công việc” và “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Do đó, muốn đề cử cho người làm tích cực nhiệt huyết cũng khó, mà muốn tinh giản những người không làm được việc, không tích cực cũng khó.
“Lãnh đạo đánh giá nhân viên cũng ngại vì cuối năm còn có quy trình bỏ phiếu cho lạnh đạo nữa, nếu làm rát quá thì dễ bị cấp dưới bỏ phiếu thấp”, ông Quang nói.
Từ đó, ông Quang đề nghị xây dựng mẫu đánh giá theo từng tháng với những tiêu chí cụ thể và các lãnh đạo sẽ đánh giá trực tiếp. Theo đó, các lãnh đạo trực tiếp từ trưởng phòng đến phó phòng đánh giá cán bộ và lãnh đạo đơn vị đánh giá trưởng phòng, phó phòng hàng tháng.
“Như vậy, việc đánh giá sẽ mang lại hiệu quả xuyên suốt và anh em không tâm tư, từ đó làm cơ sở phân phối cho thu nhập tăng thêm, nếu không cuối năm lại cào bằng, chia đều hết cho mọi người”, ông Quang chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, đề án thu hút nhân tài, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ là những vấn đề rất mới. Đây là cơ chế mà TP.HCM được Quốc hội cho thí điểm nên HĐND thành phố phải cố gắng đưa ra những nghị quyết phù hợp với thực tế, hiệu quả nhất
“Đây là cơ chế mà Quốc hội cho chúng ta thí điểm và tăng thẩm quyền để HĐND TP quyết định các vấn đề này. Cho nên chúng ta phải có trách nhiệm với quyết định của mình. Tôi mong muốn đại biểu tích cực thảo luận, tranh luận để làm sáng rõ vấn đề để khi quyết, chúng ta yên tâm rằng quyết định của mình là đúng đắn và sát với thực tiễn của thành phố.
Sáng mai (16/3), Sở Nội vụ, Sở Tài chính sẽ giải trình các ý kiến thảo luận. Sau đó, HĐND TP.HCM sẽ thông qua Nghị quyết về vấn đề này trước khi bế mạc kỳ họp bất thường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo