Đau lòng những vụ án "nồi da nấu thịt"
Gây thương tích và sẵn sàng đoạt mạng
Lên án hành vi của đứa cháu bên vợ, tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, ông Vũ Đình Hàng (trú huyện Thường Tín, Hà Nội) cho rằng, bị cáo không chỉ bất chấp luân thường đạo lý mà còn coi thường sức khỏe, tính mạng người khác và coi thường pháp luật. Trong khi ấy, mức án mà cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là rất thấp, không đủ sức răn đe. Từ đó, ông Hàng đề nghị Tòa án Hà Nội tăng nặng hình phạt đối với bị cáo.
Câu chuyện đau lòng của gia đình ông Hàng bắt nguồn từ việc vợ ông là bà Lê Thị Phú cùng người chị gái được bố mẹ để lại cho mảnh vườn.
Sau ngày chị gái bà Phú mất, phần đất hương hỏa của người quá cố được chuyển cho con trai là Lê Văn Thanh (SN 1976, trú tại xã Lê Lợi, Thường Tín). Tranh chấp đất giữa bà Phú và đứa cháu gọi bằng dì bắt đầu phát sinh khi cả 2 cùng cho rằng ranh giới đất đai phải theo ý mình. Và rồi giữa lúc chính quyền địa phương vào cuộc giải quyết thì bà Phú bất ngờ dựng hàng rào chia thửa đất.
Phát hiện việc làm vô lý này, chiều 24-1-2014, vợ Thanh gọi điện cho chồng về giải quyết. Ngay lập tức, Thanh bảo vợ mang kìm ra cắt phá, còn đối tượng thì đứng ngoài trợ giúp về mặt tinh thần.
Không chịu thua cháu, vợ chồng bà Phú cũng tức tốc ra hiện trường giành giật. Sau đó, khi ông Hàng dùng điện thoại quay, chụp lại cảnh đứa cháu dâu cắt phá hàng rào để báo chính quyền thì bị Thanh liên tục nhặt gạch, đá tấn công.
Hậu quả, ông Hàng bị ném gạch vào đầu với tỉ lệ thương tích 10%. Sau 2 cấp xét xử, Thanh cũng buộc phải chấp hành bản án 7 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”.
Tương tự về mối quan hệ họ hàng như ở vụ án trên, Lê Hoàng Hiệp (SN 1987, trú tại phường Khâm Thiên, Đống Đa) và ông Thạch Văn N (trú cạnh nhà bị cáo) cũng là chú cháu của nhau. Tối 20-5-2015, Hiệp vừa đi làm về ngang qua nhà chú họ thì nghe rõ tiếng vợ chồng ông N nói chuyện.
Dừng lại nghe lỏm, đối tượng thấy vợ chồng người chú đang nói xấu mình. Vốn đã ấm ức từ lâu nên khoảng 20h cùng ngày, Hiệp nhìn thấy ông N đi bộ ra đầu ngõ, đối tượng lập tức lấy con dao quắm, rồi bám theo.
Khi “chạm mặt” chú, Hiệp liền vung dao chém nhiều nhát vào vùng đầu, gáy ông N. Nghĩ rằng bị hại đã chết, đối tượng vứt dao bỏ trốn nhưng tới nửa đêm thì ra đầu thú. Ngay sau đó, ông N được người nhà đưa đi cấp cứu nên không chết, song bị thiệt hại 72% sức khỏe. Bị đưa tòa xét xử, bị cáo thành khẩn nhận tội, đồng thời giải thích rõ động cơ gây án đơn giản là vì quá trình sinh sống gần nhà nhau, ông N luôn tỏ thái độ “khinh khỉnh” gia đình đứa cháu. Trả giá cho hành vi giết người, Hiệp bị tòa án tuyên phạt 15 năm tù giam.
Xử lý tội phạm chỉ là... phần ngọn
Là người đã nhiều năm tham gia HĐXX, ông Nguyễn Văn Lý - Hội thẩm nhân dân ở Tòa án Hà Nội chia sẻ, đã phải đưa nhau tới chốn pháp đình thì vụ án nào cũng đáng buồn. Thế nhưng những vụ án mang tính “nồi da nấu thịt”, những vụ án mạng mà bị hại và bị cáo vốn là người thân thích, ruột thịt của nhau có lẽ vẫn khiến người ta phải đau lòng hơn.
Bởi lẽ về logic, trước khi vụ án xảy ra, thông thường giữa bị cáo và bị hại đã có những mâu thuẫn, khúc mắc kéo dài. Khi những mâu thuẫn, khúc mắc ấy không được các bên hóa giải mà ngược lại tiếp tục tích tụ, chất chứa thì khi bùng phát sẽ chuyển thành tội ác.
Theo vị hội thẩm nhân dân của Tòa án Hà Nội, quá trình xét xử những vụ án mang “màu sắc” gia đình, những người cầm cân nảy mực như ông luôn phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ và phải tìm ra đâu là căn nguyên, gốc gác của tội phạm.
Trên cơ sở ấy, HĐXX sẽ dễ dàng đấu tranh và xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Thực tiễn xét xử cho thấy, đại đa số các bị cáo khi đưa ra tòa án xét xử đều nhanh chóng bộc lộ hành vi phạm tội. Trong đó, một điều hiển nhiên là hành vi mà họ thực hiện vốn bị pháp luật nghiêm cấm.
Tuy nhiên cũng không ít vụ án mà nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ chính phía bị hại, đặc biệt là với các vụ án vốn mang quan hệ vợ chồng. Nói về mức hình phạt áp dụng với bị cáo trong vụ án mang yếu tố gia đình, ông Lý chia sẻ thêm, thường thì HĐXX sẽ nặng về tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm hơn là tính trừng trị người phạm tội.
Đơn giản là giữa bị hại và bị cáo có quan hệ huyết thống, ruột thị hoặc họ hàng của nhau. Ở thời điểm tội phảm xảy ra hoặc khi xử lý người phạm tội, có thể bị hại có tâm lý muốn trừng trị nghiêm khắc bị can, bị cáo.
Nhưng sau này cùng với thời gian, họ lại có suy nghĩ và mong muốn ngược lại. Ở góc độ khác, gia đình bị hại vốn đã phải gánh chịu những hậu quả do bị cáo gây ra nay pháp luật lại bỏ tù nặng (thậm chí là loại bỏ người thân của họ ra khỏi đời sống xã hội) thì xét cho cùng chính gia đình bị hại lại tiếp tục phải gánh chịu thêm hậu quả.
Những chia sẻ trên của ông Nguyễn Văn Lý rất đúng với vụ án Đỗ Đức Chuẩn (SN 1966, trú ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, Yên Bái) phạm tội “Giết người” vừa được Tòa án tỉnh Yên Bái xét xử. Bị hại bị Chuẩn sát hại chính là vợ của bị cáo. Do vợ chồng Chuẩn có sự “lệch pha” trong chuyện phòng the nên thường xảy ra cãi vã. Tối 4-6-2015, Chuẩn lại “đay nghiến” vợ nên bị con gái lớn hờn trách.
Bực tức, đối tượng xuống bếp lấy dao lên nhà định đâm con nhưng lại thành ra đâm chết vợ. Tại tòa, Chuẩn thành khẩn nhận tội và tỏ rõ sự ân hận. Sau đó, cùng với những lời thỉnh cầu của đại diện hợp pháp bị hại và cũng là các con của bị cáo nên Tòa án Yên Bái chỉ quyết định tuyên phạt Chuẩn 13 năm tù giam. Mức án này, theo đánh giá là nặng về tính răn đe, phòng ngừa tội phạm hơn là trừng trị bị cáo.
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngày càng nhiều những vụ án có tính “nồi da nấu thịt”, luật sư Lê Thị Kim Thoa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá, trước hết là do người phạm tội thiếu sự tu dưỡng bản thân và thiếu sự tỉnh táo, kiềm chế trong giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc.
Tiếp đến là sự tương tác của bị hại ở ngay trước thời điểm tội phạm xảy đến. Ngoài ra còn phải kể đến các nguyên nhân gián tiếp như môi trường xã hội, giá trị đạo đức bị suy giảm, áp lực đời sống kinh tế, lối sống vị kỷ…
Để ngăn chặn tội phạm có yếu tố gia đình, dòng tộc, luật sư Thoa cho rằng mỗi con người cụ thể trong xã hội cần phải không ngừng bồi đắp những giá trị đạo đức truyền thống. Trường hợp phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, mỗi người cần phải tự điều chỉnh hành vi của bản thân. Bên cạnh đó, tại mỗi cộng đồng dân cư, dòng tộc cần xây dựng cơ chế, con người để sẵn sàng hòa giải ngay từ cơ sở.
End of content
Không có tin nào tiếp theo