Đầu năm rầm rập thay sếp tìm tài vận mới
Chỉ trong vài ngày đầu năm mới Giáp Ngọ, hàng loạt các DN đã bất ngờ đổi sếp mới. Quá trình tái cơ cấu vốn được xem như 'chiếc cối xay người' khổng lồ trong hơn 2 năm vừa qua dường như chưa chậm lại. Các DN vẫn đang thay đổi mạnh mẽ, gồng mình để phát triển.
Ồ ạt thay lãnh đạo
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam Phạm Nhật Vượng vừa bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa (sinh năm 1969) làm Tổng Giám đốc, thay cho bà Lê Thị Thu Thủy, người sẽ chuyển sang đảm nhiệm lĩnh kinh doanh hoàn toàn mới của Vingroup là thương mại điện tử.
Giải thích cho quyết định này, Vingroup cho biết tập đoàn muốn thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử, lĩnh vực mới và được xác định là hướng kinh doanh mũi nhọn trong tương lai của DN này.
Bà Mai Hoa được biết đến là một người có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, với 2 năm vừa qua trải qua 2 vị trí lãnh đạo ở 2 NH trong nước. Trước đó, bà Hoa cũng đã từng giữ nhiều vị trí quan trọng liên quan tới tài chính kế toán ở nhiều tổ chức nước ngoài như Credit Lyonnais, Oracle.
Trong khi đó, cựu CEO Vingroup, bà Lê Thị Thu Thủy vẫn giữ vị trí Phó chủ tịch Tập đoàn, thành viên HĐQT và được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty VinE-com.
Trước đó vài ngày, giới đầu tư cũng bất ngờ khi Công ty cổ phần Tập đoàn MaSan (MSN) quyết định thay TGĐ ngay đầu năm mới, bổ nhiệm ông Seokee Won làm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Ma San (Masan Consumer), thay thế cho ông Trương Công Thắng đã xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Ông Seokhee Won - người có 22 năm kinh nghiệm làm việc cho công ty hàng tiêu dùng toàn cầu Unilever và từng nắm giữ các vị trí cao cấp tại Unilever ở Trung Quốc, Nam Phi, Thái Lan, Hàn Quốc và Việt Nam - cũng sẽ giữ vị trí Phó TGĐ của Masan Group.
Ngân hàng TNHH MTV Hong Leong Việt Nam (gốc Maylaysia) cũng vừa chính thức bổ nhiệm TGĐ mới là ông Lê Minh Tâm - người vốn là chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng và đã có 18 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, trải qua nhiều vị trí cao cấp ở tổ chức như NH ACB, World Bank và Deutsche Bank.
Cũng trong vài ngày đầu năm mới qua, Thép Việt Ý bổ nhiệm TGĐ sinh năm 1970, ông Nguyễn Thanh Hà, thay cho cho chủ tịch Trần Văn Thạnh thôi kiêm nhiệm chức vụ CEO trong 5 năm gần đây.
Còn nếu tính từ đầu năm mới 2014, một số DN khác cũng thay vị trí lãnh đạo như Khoáng sản Bắc Giang (BGM) bổ nhiệm ông Nguyễn Huy Quang vào vị trí chủ tịch HĐQT thay thế ông Ngô Văn Phương; Ngân hàng Đông Á miễn nhiệm chức danh Chủ tịch công TNHH MTV Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS) đối với ông Trần Phương Bình và người thay thế là bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (hiện là Phó TGĐ ngân hàng Đông Á).
Trước đó khoảng 1-2 tuần, 2 DN kinh doanh tốt thuộc tốp đầu trên TTCK là Cao su Đà Nẵng (DRC) và Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng đã lần lượt thay các vị trí lãnh đạo chủ chốt. DRC thay cả chủ tịch HĐQT lẫn TGĐ cho dù ước lãi 2013 vượt 20% kế hoạch; DPM thay chủ tịch HĐQT mới là ông Lê Cự Tân, thay cho ông Bùi Minh Tiến...
Chiến lược mới của ông lớn?
Khác với những sự thay đổi lãnh đạo ở nhiều DN trước đó mà mục đích nhằm vực dậy các DN bị xoáy trong tâm bão, làn sóng thay đổi sếp trong khoảng 1 tháng vừa qua khá đặc biệt. Các DN thay "tướng" đều là những đơn vị đang làm ăn khá tốt, bộ máy vận hành tương đối trơn tru và đều đang thuộc tốp đầu trong các ngành mà họ hoạt động. Những thay đổi này xem ra không phải là nỗ lực đổi vận mà dường như là ý chí của các ông lớn, muốn vươn lên mạnh mẽ hơn và mở hướng đi mới.
Trong trường hợp Vingroup, DN này đã lớn mạnh rất nhanh nhờ BĐS du lịch, BĐS cao cấp nhưng có lẽ đây không còn là đòn bẩy để đẩy tập đoàn lên một nấc cao mới bởi thị trường BĐS trầm lắng trong một thời gian khá dài, khả năng hồi phục để rồi sôi sục, quỹ đất dồi dào như cách đây vài năm không phải dễ dàng. Cơ hội bứt phá do vậy không thể đặt nặng vào mảng này, nhất là khi dòng tiền không còn mặn mà chảy vào đây và thu nhập của người dân Việt Nam trên thực sự còn rất thấp.
Mảng bán lẻ tại các TTTM mà Vingroup đang theo đuổi cũng khá hấp dẫn, được đánh là lĩnh vực còn cửa để phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, miếng bánh này cũng đang được hàng loạt các DN từ lớn đến nhỏ xâu xé vào, từ NH cho tới các DN ở khắp các lĩnh vực như: công nghiệp, dệt may, tiêu dùng... tham gia vào.
Không những thế mảng bán lẻ có lẽ bị giới hạn về mặt không gian và cơ hội để phát triển nhanh không hề dễ dàng. Thương mại điện tử trong khi đó là một hướng đi của tương lai, một hướng đi có thể dẫn tới những đột phá.
Vingroup cho biết, TMĐT được xác định là hướng kinh doanh mũi nhọn trong tương lai của tập đoàn. Lĩnh vực này đang chiếm lĩnh vị trí ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới, đặc biệt là tại các nước đã phát triển. Các DN TMĐT lớn có giá trị thị trường lên đến hàng trăm tỷ USD như Amazon, Ebay, Alibaba...
Với Tập đoàn Ma San, Masan Consumer đã trở thành một đế chế sản xuất hàng tiêu dùng với hàng loạt các sản phẩm các loại quen thuộc đối với đa số những người nội trợ Việt. Quyết định bổ nhiệm một CEO ngoại có bề dày kinh nghiệm toàn cầu hiếm có như ông Seokee Won có lẽ đã đủ để cho thấy định hướng tập trung vào thế mạnh ngành hàng tiêu dùng của MSN.
Cao su Đà Nẵng DRC trong khi đó cũng đang nỗ lực thực hiện mục tiêu gia nhập câu lạc bộ doanh thu trên 3.000 tỷ đồng. Đạm Phú Mỹ là ông lớn có doanh thu cả chục nghìn tỷ đồng và quan trọng vẫn là cỗ máy in tiền với lợi nhuận sau thuế hàng nghìn tỷ đồng.
Có thể thấy, trong khó khăn khi DN gặp khủng hoảng, việc thay sếp, thay những người lãnh đạo là cách thường thấy nhất nhằm để vực dậy DN. Khủng hoảng và sau đó là tái cấu trúc được biết đến như những chiếc cối xay người chuyên diệt sếp lớn.
Tuy nhiên, với nhiều DN lớn, DN làm ăn tốt, hoặc ở một số DN có yếu tố Nhà nước quyết định thay sếp lớn đôi khi lại thể hiện một hướng đi mới của DN hoặc là một sự sắp xếp hợp lý hơn. Nó thể hiện ý chí của những ông chủ thực sự với những mục tiêu rõ ràng. Tất nhiên, không phải quyết định thay "tướng" nào cũng hợp lý, bởi nó còn phụ thuộc vào cách dùng người, khả năng dùng người của các ông chủ.
Vietnamnet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo