Dầu rớt giá thảm hại nhất 6 năm qua
Tệ hại nhất 6 năm qua
Số liệu ảm đạm về hoạt động trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc là “đòn” mới nhất giáng vào sự trì trệ và chậm lại trong tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kéo theo những gia tăng lo ngại về “thể trạng” chung của nền kinh tế toàn cầu và bao phủ bóng đen lên tất cả các thị trường tài chính, hàng hóa thế giới.
Trong tháng Tám, chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã giảm xuống còn 47,1 so với mức 47,8 của tháng Bảy, và là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Tín hiệu xấu mới nhất này từ nền kinh tế số hai thế giới và là nhà nhập khẩu năng lượng hàng đầu, sau động thái bất ngờ hạ giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ trong tuần trước, đã "bồi" thêm những lo ngại dai dẳng trên thị trường dầu mỏ về nguồn cung dư thừa và tăng trưởng nhu cầu yếu.
Phiên cuối tuần 21/8 chỉ là phiên nối dài sự sụt giảm của giá dầu, sau phần lớn các phiên đi xuống trước đó. Kết thúc phiên này, giá dầu WTI tại thị trường New York giảm tiếp 87 xu so với phiên trước xuống chốt phiên và chốt tuần ở 40,45 USD/thùng.
Trước đó, đã có lúc trong phiên, giá hợp đồng dầu này tụt xuống còn 39,86 USD/thùng, đánh dấu lần đầu tiên kể từ tháng 2/2009 giảm xuống dưới 40 USD/thùng. Trong khi đó tại London, giá dầu Brent Biển Bắc cũng giảm 1,16 USD xuống chốt phiên ở 45,46 USD/thùng.
Trước đó, cũng đã có lúc trong phiên, giá hợp đồng dầu này tụt xuống 45,07 USD/thùng, bằng với mức của hồi tháng 3/2009.
Tính chung cả tuần, dầu WTI để mất 4,8% giá trị trong khi dầu Brent giảm tới 7,3%.
Các nhà phân tích nhận định, thị trường dầu hiện vẫn trong tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi mức tăng của nhu cầu chậm lại. Chênh lệch cung-cầu này gây áp lực lên giá dầu và hiện vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà sản xuất dầu chủ chốt của thế giới như Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cắt giảm sản lượng.
Nguyên nhân do đâu?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia Marc Djandji - Công ty chứng khoán VPBank - cho rằng ba nguyên nhân chính của tình trạng hiện nay là OPEC không chịu giảm sản lượng để cứu giá, công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ đang ngày càng tiến bộ, thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với phương Tây đang tiến triển. “Về ngắn hạn và trung hạn là vậy.
Còn về dài hạn, việc thế giới hướng tới năng lượng sạch thay cho dầu mỏ cũng như các phương tiện, xe cộ đều cải tiến để ít tiêu hao năng lượng, trong khi kinh tế toàn cầu chưa cho thấy triển vọng tăng trưởng đủ mạnh để tăng đột biến sức cầu, có thể nói dầu khó mơ trở lại ngưỡng giá 100 USD/thùng như trước đây” - ông Marc dự báo.
Theo The New York Times, giá dầu không thể hồi phục trở lại một cách nhanh chóng được do sản lượng khai thác vẫn ổn định trong xu thế tăng. Nhu cầu có thể hồi phục song cầu thường phải mất hàng tháng chứ không thể nhanh chóng. “Có thể do giá xuống, khai thác dầu đá phiến tại Mỹ buộc phải suy giảm đúng như mong muốn của Saudi Arabia, song dầu muốn tăng giá mạnh trở lại chắc phải mất vài năm”, báo cáo phân tích của Capital Economics (Anh) nhận định.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo cung dầu sẽ tiếp tục vượt cầu khoảng 1 triệu thùng/ngày trong một năm tới trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đang giảm tốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024