Đầu tư

Doanh nghiệp và người dân cần hợp tác đầu tư công nghệ, phát triển mô hình chăn nuôi hữu cơ

DNVN - Theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu một doanh nghiệp (DN) không đủ mạnh để xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn thì phải liên kết với nhiều DN khác. Bản thân người nông dân muốn đứng vững trước mô hình này cũng phải liên kết, đổi mới công nghệ để gia tăng sức mạnh...

Giao Ban Quản lý dự án 6 lập báo cáo nghiên cứu khả thi cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột / Quản lý khu công nghiệp: Cần thông tư hướng dẫn gỡ rối cho nhà đầu tư

Liên kết nhiều doanh nghiệp
Chuỗi chăn nuôi khép kín, hay nói cách khác là mô hình "từ trang trại đến bàn ăn” là mô hình sản xuất thực phẩm an toàn khép kín từ khâu nuôi, trồng ở trang trại đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này đã làm thay đổi căn bản ngành chăn nuôi Việt Nam bởi nó đòi hỏi sự đồng bộ khâu làm giống, sản xuất thức ăn, chăn nuôi, chế biến và cung ứng thực phẩm... phải có sự liên thông, minh bạch.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, Luật Chăn nuôi; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045; Nghị định hỗ trợ đầu tư nâng cao hiệu quả chăn nuôi cùng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam liên tục được cập nhật là tiền đề, nền tảng có giá trị pháp lý để quản lý toàn diện, đồng bộ các hoạt động của ngành chăn nuôi theo chuỗi khép kín, tạo điều kiện để chăn nuôi Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.
Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Hiện mô hình từ trang trại đến bàn ăn nhận được sự quan tâm đầu tư của cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Luật pháp Việt Nam tạo sự bình đẳng trong đầu tư cho hai loại hình DN này.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
"Mỗi khu vực DN có thế mạnh riêng. Nếu các DN trong nước am hiểu pháp luật Việt Nam, hiểu biết thuần phong mỹ tục, tập quán tiêu dùng thì các DN FDI có thế mạnh về vốn, đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ... Điều quan trọng là mỗi hệ thống phải tìm con đường riêng của mình để đi hoặc có thể hợp tác chặt chẽ để khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của nhau", ông Tống Xuân Chinh nói.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong 5 năm vừa qua, Việt Nam có 81 dự án đầu tư của DN FDI cho chăn nuôi và tổng số vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Các DN đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau như thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến và xử lý môi trường. Tuy nhiên, đầu tư lớn nhất của khối DN này là chuỗi chăn nuôi khép kín. Đây là xu hướng tất yếu của thế giới và Việt Nam.
"Tuy nhiên, nếu 1 DN không đủ mạnh để làm cả chuỗi thì có thể liên kết với nhiều DN khác để khép kín chuỗi giá trị. Đây là định hướng vô cùng quan trọng. Dù vậy, nếu như liên doanh để khép kín chuỗi giá trị thì vẫn phải có 1 DN dẫn đầu để quản lý, giám sát toàn bộ chuỗi này thì mới hiệu quả. Đây là kinh nghiệm của thế giới chứ không phải chỉ ở Việt Nam", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh.
Nông dân chịu tác động
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, khi đã phát triển theo mô hình này, người nông dân sẽ chịu những tác động nhất định. Theo đó, người nông dân sẽ phải lựa chọn 3 con đường.
Thứ nhất, nếu họ muốn đứng vững thì buộc họ phải liên kết để gia tăng sức mạnh, trở thành thành viên của các tổ, nhóm, đội, hợp tác xã, liên minh hợp tác xã để từng cá nhân, hộ sản xuất có sức mạnh hơn.
Thứ hai, nếu người chăn nuôi muốn đứng một mình thì buộc họ phải có chuyển đổi thành hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, phải tập trung nuôi các con đặc sản, con quý hiếm có giá trị cao, chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi sinh thái hoặc chăn nuôi gắn với du lịch. Như vậy người nông dân mới tồn tại được.
Thứ ba, người nông dân có thể làm gia công trước khi làm chủ DN. Thực tế cho thấy, trong quá trình gia công, người nông dân tích lũy được kinh nghiệm để quản lý trang trại, tích lũy kinh nghiệm về thị trường và công nghệ. Sau 5 - 10 năm làm gia công, khi chủ trang trại đã đủ vốn, đủ kinh nghiệm, kỹ thuật, đã tách ra để trở thành ông chủ, bà chủ. Đây là bài học kinh nghiệm lớn của ngành chăn nuôi. Hình thức này sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Doanh nghiệp và nông dân cần hợp tác, đầu tư công nghệ
Ở góc độ chính sách, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) cho biết, Chính phủ khuyến khích các DN chăn nuôi trong và ngoài nước tăng cường hợp tác, phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần hỗ trợ các hộ chăn nuôi phát triển chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đang giao Cục Chăn nuôi xây dựng Nghị định về chính sách hỗ trợ cho phát triển chăn nuôi bền vững. Trong đó, các chính sách chủ yếu là hỗ trợ cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi bền vững hơn như hỗ trợ về con giống, về thụ tinh nhân tạo, xử lý môi trường, hình thành các liên kết sản xuất. Bộ đang xây dựng và xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện chính sách này và dự kiến sẽ trình Chính phủ nghị định này vào cuối năm nay.
Nhà nước cần khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác và đầu tư công nghệ sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung, thức ăn giàu protein, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu.
DN và người chăn nuôi cần đầu tư công nghệ, hợp tác phát triển, trong đó, cần phải đổi mới quy trình; tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật. Đồng thời phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn.
Ngoài ra, DN và người nông dân phải thay đổi thích ứng với tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, tập trung kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, tối ưu hóa quy trình sản xuất, bảo vệ môi trường. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng là điều cần phải lưu tâm.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm