Tin tức - Sự kiện

Đầu xuân nghe Trưởng ban Kinh tế Trung ương dự cảm về bức tranh kinh tế

“Tình hình kinh tế năm 2015 rõ rệt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Năm 2013 mà dự đoán cho năm 2014 mù mờ lắm, nhưng bây giờ ngồi đây nghĩ năm 2015 nó sáng lên rất nhiều”. GS, TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã nói với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Online như vậy trong cuộc trao đổi về bức tranh kinh tế năm 2015.

GS.TS Vương Đình Huệ

 

 Ba xung lực mới

 
 
PV: Thưa đồng chí, năm 2015 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng, ở góc độ kinh tế, đồng chí có nhận định khái quát như thế nào về tình hình kinh tế nước ta?
 
 
GS, TS Vương Đình Huệ: Năm 2015 xu hướng phục hồi kinh tế thế giới tiếp tục sẽ diễn ra, tuy một số nước gặp khó khăn tạm thời như Nhật Bản nhưng mục tiêu của kinh tế Nhật là kiên trì với 3 mũi tên về tín dụng, về tài khóa và vấn đề kích thích tăng trưởng; kinh tế Mỹ phục hồi khá hơn, Trung Quốc có thể phát triển ở mức 7,5%, EU giải quyết cơ bản vấn đề nợ công... Các nước tuy xu hướng phục hồi chậm nhưng kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi. Ở trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố. Nhìn cả góc độ quốc tế và trong nước cho thấy sẽ tạo điều kiện cho kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biết tích cực hơn trong năm 2015.
 
 
PV: Vậy đâu là những xung lực cơ bản tạo ra sự phát triển cho kinh tế nước ta, thưa đồng chí?
 
 
GS, TS Vương Đình Huệ: Năm 2015 là một năm hội tụ nhiều điểm tạo động lực cho phát triển.
 
Thứ nhất, năm 2015 là năm cuối cùng nhiệm kỳ, là năm chạy nước rút để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau. Chúng tôi đi các địa phương thấy không khí tinh thần các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang tập trung cao độ nhiều nỗ lực để đạt mức hoàn thành chỉ tiêu cao nhất của kế hoạch 5 năm. Người Việt mình khi chạy nước rút là cũng đáng nể đấy, khi có động lực thôi thúc về đích; tất nhiên tùy thuộc vào sức khỏe từng người nhưng không khí chung là tốt.
 
Thứ hai, năm 2015 là năm sẽ có nhiều bộ luật, đạo luật liên quan đến kinh doanh, đến môi trường đầu tư được ban hành và có hiệu lực, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một loạt các luật khác; Luật kinh doanh bất động sản, Luật nhà ở, Luật dạy nghề… Hàng loạt các luật có liên quan tới thể chế kinh tế thị trường, mà các bộ luật này tiếp cận theo hướng tích cực, hiện đại tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng; tôi nghĩ sẽ tạo ra sức sống mới cho nền kinh tế, cộng với Chính phủ đã và đang làm và cam kết đưa mức môi trường đầu tư kinh doanh của ta xuống mức bình quân của ASEAN 6, nhất là trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, tiếp cận điện lực, đất đai… sẽ tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh rất khá. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện, chương trình hành động, tổ chức chỉ đạo quyết liệt như thế nào để nắm được vấn đề lớn của năm 2015.
 
Thứ ba, năm 2015 sẽ kết thúc triển khai nhiều hiệp định tự do thương mại. EU cũng đã ký nguyên tắc, cố gắng là đầu qúy I là xong; FTA giữa Việt Nam với Liên minh thuế quan Nga - Ka-zắc-xtan - Bê-la-rút cũng thấy khả quan; mấy nước Liên minh thuế quan đang muốn phấn đấu kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015. TPP kỳ vọng năm nay nhưng còn nhiều khó khăn, tuy nhiên lãnh đạo các nước tham gia TPP tại hành lang APEC cũng có quyết tâm muốn kết thúc vào năm 2015, cộng đồng ASEAN 2015 đã hoàn thành. Tại Hội thảo hội nhập kinh tế quốc tế - 30 năm nhìn lại do Ban Kinh tế Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức gần đây, có ý kiến của một số đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nói: “Chưa khi nào Việt Nam lại gặt hái được những kết quả đàm phán như thế này, dồn vào năm 2015”.
 
 
Hội nhập kinh tế - thuận lợi “cộng dồn”
 
 
 
PV: Tuy nhiên năm 2015 cũng có rất nhiều thách thức từ hội nhập kinh tế, chỉ riêng vấn đề gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN được dư luận cho rằng thách thức nhiều hơn cơ hội?
 
 
GS, TS Vương Đình Huệ: Tất nhiên nó tạo ra nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không nhỏ. Tôi thấy lạ là vấn đề cộng đồng ASEAN mình không quan tâm quá nhiều, nhưng nước ngoài họ rất quan tâm. Vừa rồi ông Viện trưởng và mấy ông Phó viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Nhật Bản sang Việt Nam, khi gặp tôi, họ chỉ muốn thảo luận mỗi vấn đề Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015. Họ rất quan tâm. Với nước ta, lộ trình cắt giảm thuế quan đến năm 2018, chỉ còn lại 3 năm nữa cho một số 7% dòng thuế, trong đó có ô tô đến 2018; đến năm 2015 cơ bản 97% dòng thuế phải về 0%, còn 7% nữa trong đó có một số mặt hàng như ô tô, điện tử… thì từ nay đến năm 2018 giảm dần và đến 2018 phải về 0 hết, chỉ còn 7%. Nếu cộng đồng này hình thành sẽ tạo thành thị trường khoảng 650 triệu dân, một cơ sở sản xuất thống nhất với 650 triệu dân và khoảng gần 2 nghìn tỷ GDP, tức là đứng thứ 7 trên thế giới về GDP. Nó tạo ra thị trường ô tô xe hơi thứ tư thế giới. Nếu chúng ta có năng lực cạnh tranh tốt thì hưởng lợi rất nhiều, hàng hóa của chúng ta sẽ đi vào các nước ASEAN. Nhưng nếu chúng ta không chuẩn bị tốt thì rủi ro Việt Nam trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hóa của các nước trong khu vực, do đó không còn cách nào khác phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
 
Có một điều rất thú vị là chúng ta cứ âm thầm lặng lẽ như vậy để mà xây dựng một Cộng đồng ASEAN, hết năm 2014 đến 2015 là chúng ta đi được 80% chặng đường cắt giảm thuế quan. Trong thời gian đó với tốc độ cắt giảm khá nhanh như vậy, nhưng kinh tế vĩ mô chúng ta vẫn ổn định, thu ngân sách vẫn hoàn thành, doanh nghiệp vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển chiếm lĩnh thị trường một số nước trong khu vực, điều đó cho thấy chúng ta không quá lo lắng chuyện này, doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với thị trường rất nhanh.
 
Tình hình kinh tế năm 2015 rõ rệt hơn nhiều so với cách đây 1 năm. Năm 2013 mà dự đoán cho năm 2014 mù mờ lắm, nhưng bây giờ ngồi đây nghĩ năm 2015 nó sáng lên rất nhiều. Rủi ro còn lại là khả năng, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chúng ta như thế nào, tiếp tục được đà tạo ra trong năm 2014, tạo ra cái mới hay không. Chương trình hành động này không chỉ do Chính phủ, Trung ương, mà địa phương, các bộ, các ngành, các cấp, chính người dân, doanh nghiệp vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề này.
 
PV: Vấn đề giá dầu giảm gần đây cũng đáng lo ngại đối với nước ta khi mà cơ cấu ngân sách có nguồn thu từ dầu thô lớn?
 
GS,TS. Vương Đình Huệ: Về vấn đề giá dầu, thời gian gần đây thì có một tâm lý rất lo ngại, rất chính đáng, đối với giá dầu thì tác động đến kinh tế Việt Nam như thế nào? Theo nghiên cứu và kinh nghiệm của chúng tôi, Việt Nam là nước vừa xuất khẩu, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô trong cân đối ngân sách cũng rất lớn. Vừa nhập khẩu, ta xuất dầu thô và nhập dầu thương phẩm, xăng dầu sử dụng, cho nên lợi thì không phải lợi hết cả mà thiệt không phải cái gì cũng thiệt, có mặt lợi có mặt thiệt khi giá dầu cao, khi giá dầu thấp, đấy là điểm thứ nhất đáng lưu ý.
 
Điểm thứ hai, vì sao giá dầu thế giới lại giảm, giảm mạnh như thế. Lần này theo chúng tôi thấy điều đó có cả yếu tố kinh tế và yếu tố chính trị, không đơn thuần yếu tố chính trị. Nhưng cũng có yếu tố kinh tế là một số nước tiêu thụ hàng hóa lớn, năng lượng lớn thì kinh tế cũng có chững lại, điển hình như là Trung Quốc. Kinh tế Trung Quốc ngày trước 9-10% là bình thường, bây giờ là 7-7,5%, giảm tốc độ kinh tế Trung Quốc cũng khá nhiều.
 
Thứ ba, Mỹ với công nghệ mới trong khai thác khí đá phiến, đã sản xuất được lượng dầu rất lớn với công nghệ khoan ngang, bổ ngang mũi khoan, công nghệ ép cho nổ nước, ép khí ép nước cho khí, đó là 2 công nghệ mới của Mỹ làm cho sản lượng khí đá phiến, dầu mỏ thu được trong khí đá phiến tăng rất là nhiều, cho nên làm cho nhu cầu ở Mỹ sẽ giảm đi.
 
Nếu giá dầu xuống quá thì ai được lợi? Nền kinh tế tiêu tốn nhiều nhiên liệu sẽ có lợi nhất như Trung Quốc, Ấn Độ. Mỹ chắc cũng không muốn chuyện này. Bản thân khối OPEC xuất khẩu dầu mỏ họ cũng đâu cam chịu để giá dầu quá thấp, cho nên cũng có nhiều dự đoán sẽ hồi phục lại giữa năm sau, mức giá dầu theo chúng tôi dự báo và nhiều dự báo của các chuyên gia cũng sẽ giao động xấp xỉ khoảng 70-80 USD một thùng.
 
Khi giá dầu thế giới giảm 1 USD thì tất nhiên ta hụt ngân sách, hụt ngân sách khác hụt dự toán. Giá dầu giảm  1 USD thì chúng ta hụt thu ngân sách một nghìn tỷ đồng thì chúng ta có thể khai thác thêm sản lượng để bù vào. Bây giờ chúng ta làm được chứ không như trước đây, ta đã tổ chức lại và một số những mỏ mới và có thể khai thác, không đến nỗi quá lo lắng, tất nhiên chúng ta tiếp tục cập nhật theo dõi tiếp.
 
Song ngược lại, chúng ta cũng có lợi khi dầu mà chúng ta nhập vào giá thấp. Tiếp xúc cử tri ở Bình Định, Phú Yên tôi thấy bà con rất khấn khởi. Một chuyến biển riêng giá dầu thế này cũng tiết kiệm được nhiều triệu đồng. Bà con đang tranh thủ ngư trường thuận lợi, giá dầu thấp. Giá dầu thấp thì giá thành, giá phí của chúng ta, giá giao thông vận tải thấp. Tình hình kinh tế thế giới theo nhiều dự báo là sẽ phục hồi lại vào giữa năm 2015.
 
 
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
 
Theo Quân đội Nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo