Khám phá

Dạy học nơi “địa ngục trần gian”

(DNHN) - Ít ai trong chúng ta biết rằng, trong nhà tù đế quốc nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, những người tù cách mạng lại chọn cho mình một phương pháp đấu tranh lấy việc học làm “công cụ” để tôi luyện ý chí. Bất chấp sự khủng bố gắt gao của chế độ nhà tù tàn ác. Chúng tôi đã có cơ hội được trò chuyện với một người thầy giáo đã từng có những quãng ngày dạy học tại một “lớp học” đặc biệt trong nhà lao Phú Quốc. Người thầy giáo đó mang t

“Địa ngục” khát học

 

Khi còn đang là một anh sinh viên của trường Trung cấp Sư phạm Đông Phù (xã Sơn Tây, Hà Tây cũ), chàng thanh niên Hoàng Gia Lượng mang trong mình lý tưởng giống như bao chàng trai đất Việt “chiến  trường đi chẳng tiếc đời xanh” tình nguyện viết huyết thư tòng quân vào miền Nam yêu dấu. Ông được điều động về Lữ đoàn 308, trung đoàn Đồng Nai chiến đấu tại mặt trận Sài Gòn vô cùng ác liệt.

 

Ngày 7/5/1968, trong một trận tập kích của đợt 2 tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trong dịp Tết Mậu Thân, ông bị thương tại cầu Bình Lợi. Ông Lượng bồi hồi kể lại: “ khi tiểu đội của tôi đang chiến đấu tại chân cầu Bình Lợi thì bất ngờ bị Sư đoàn 5 của Ngụy phát hiện.

 

Tôi và 3 đồng chí trong đó có cậu Trần Văn Nhỡ ( học trò cũ) quyết định vượt sông vì lực lượng địch quá mạnh. Khi tôi đang bơi thì bất ngờ địch dùng máy bay ném bom hối hả làm mặt sông đang yên ả bồng chốc như rung chuyển. Mặc dù vậy, tôi và đồng đội vẫn ngoan cường chiến đấu với 500 viên đạn AK có trên vai. Sau hai ngày bất tỉnh trôi dạt vào một mé sông khi tỉnh dậy vết thương vào cánh tay và đầu đã bị nhiễm trùng nặng. Đúng lúc đó, một tàu tuần tra của địch bất ngờ ập tới, liền sau đó tôi bị bắt và được đưa vào bệnh viện chợ Rẫy”.

 

Tháng 1/1969, sau hơn một tháng được giam tại khám Biên Hòa, ông Lượng được chuyển ra nhà lao Phú Quốc. Khi vừa đặt chân lên mảnh đất Phú Quốc, tù nhân  chưa kịp trấn tĩnh sau cuộc chuyển lao đã được “chào đón” bằng một trận đòn chí mạng của tên Việt gian trung úy Hiển (người miền Bắc) với một kiểu “dạo đầu” mang đậm chất “nghệ sĩ” đó là vừa đánh vừa đọc thơ. Với những lời lẽ hết sức tàn nhẫn: “ chúng mày đã đánh đuổi tao ra khỏi quê hương, tao sẽ cho chúng mày nếm mùi của cái chết xa quê như thế nào”.

 

Tuy lâm vào cảnh lao tù gông cùm, xiềng xích nhưng giống như bao chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày khác, ông Lượng cũng bắt liên lạc với chi bộ Đảng trong tù tiếp tục đấu tranh cách mạng. Với vốn sư phạm, ông cùng một số anh em đã tổ chức dạy học nhằm tôi luyện và thắp sáng lên ngọn lửa ý chí cách mạng cho các đồng đội.

 

Học ngoài đời đã khó đây lại phải dạy và học trong một môi trường được kiểm duyệt hết sức gắt gao và cô cùng thiếu thốn. Cả người dạy và người học đều không có bất kì một phương tiện, một dụng cụ, tài liệu gì trong tay. Kiến thức chủ yếu được soạn trong đầu, huy động trí nhớ là chính. Vài ba anh em có kiến thức ngoài đời tìm nhau, chụm đầu  lại mà biên soạn chương trình. Giáo án lên lớp cũng được sắp xếp, dập xóa lúc được lúc chăng rồi ghi nhớ trong đầu.

 

Ông cùng một số anh em như ông Phò ( nay là chánh thanh tra Sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh), anh Quang ( giảng viên tại một trường đại học ở Khánh Hòa) và một số anh em ở trại D5 phải vắt óc suy nghĩ hoàn thiện giáo án từng ngày, biên soạn thành những tập tài liệu sơ giản rồi bổ sung trong quá trình giảng dạy.

 

Theo thầy Lượng thì trình độ giáo viên luôn trong tình trạng “ cơm chấm cơm”(thiếu vẫn hoàn thiếu – PV) thiếu nghiêm trọng do chiến sĩ cách mạng nguyên là giáo viên vào đây không nhiều, lực lượng “đứng lớp” chủ yếu dựa vào một số chiến sĩ có trình độ cấp 3, sinh viên (đang học dở đại học thì nhập ngũ), thậm chí có một số chiến sĩ vừa học xong lớp trước dạy lại lớp sau. Có người phải dạy tới 4 lớp/ ngày.

 

Điều kiện học tập của các “học trò” thì cũng vô cùng khó khăn vất vả. Người học không hề có bút phấn  hay sách vở. Giấy là mặt đất, mặt cát hay cà – mèn, viết bằng xà phòng hay lõi pin. Một loại giấy được coi là “xa xỉ” với những người tù để ghi chép những bài giảng của thầy trên “lớp” đó là loại giấy được “chế xuất” từ những mảng bìa cát tông phế liệu. Những mảnh bìa được ngâm nước sau đó bóc mỏng rồi được phủ lên trên đó một lớp nước hồ cơm sau đó là phẳng và đóng thành tập để ghi chép.

 

Bút của “học sinh” chủ yếu là lõi pin hay que sắt được mài nhọn. Mực được “chế xuất” từ nhựa chàm ngâm với rỉ sắt cho đen hoặc lấy từ chất liệu ống mực của con cá mực.

 

Cách học chủ yếu để người học tiếp thu nhanh và dễ hiểu phù hợp trong hoàn cảnh lao tù thầy Lượng và những anh em khác đã dạy chủ yếu trên giản đồ, hay công thức, các mẹo luật để “học sinh”  nhớ cho kĩ và nhanh nhất. Thầy Lượng kể: “học ở nhà tù để tránh khủng bố, cấm đoán, cả thầy và trò đều biết tạo ra những tình huống giả định rồi xây dựng thành những kịch bản để đối phó, đánh lừa địch nên dù chúng có phát hiện được mười mươi cũng không làm gì được”.

 

Việc học khó khăn thiếu thốn là thế nhưng có những anh một năm lên mấy lớp. Những bài giảng của những người thầy như thầy Lượng cuốn hút đến nỗi ở nhà tù ai ai cũng học, học một cách say mê và học rất nhiều thứ: Văn, sử, toán, lý, hóa, sinh, chính trị, triết học, thậm chí cả nhạc, họa, châm cứu, chữa bệnh…nhiều chiến sĩ tàn phế cũng theo học.

 

Thầy Lượng kể cho chúng tôi nghe những tấm gương học tới quên mình như anh Cơ ( tên thật là Khánh quê Tam Điệp – Phúc Thọ) bị địch khoét một mắt vẫn ham học, hay như một cựu tù ở Thanh Hóa( thầy Lượng không nhớ tên) đã giả câm suốt 5 năm để được học.

 

Anh Tấn Phương ( tên trong tù là Lê Văn Chương), học trong nhà tù sau khi “tốt nghiệp” ra thi được vào trường Đại học Tổng hợp cũ và trở thành Vụ trưởng vụ văn hóa văn nghệ, thuộc Ban văn hóa tư tưởng Trung ương. Anh Thảo ( Đường Lâm) còn sáng tác được cả nhạc. Theo thầy Lượng thì còn nhiều nhiều lắm những tấm gương học sinh học tập xuất sắc trong tù.

 

Suốt 42 năm biết bao buồn vui với nghề trồng người nhưng có lẽ theo thầy giáo Hoàng Gia Lượng không ở đâu hiệu quả của việc học tập lại tốt và lòng ham học đến “khát” học cháy bỏng như chính nơi được coi là “địa ngục trần gian”.

 

Thầy Lượng với vết thương nơi cánh tay cho tới tận bây giờ cánh tay ấy vẫn không duỗi thẳng ra được

 

“Học phí” phải trả bằng máu.

 

Học trong điều kiện vô cùng khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng cái giá những người tù phải đánh đổi cho chính niềm đam mê ấy cũng không phải nhỏ. Họ phải học trong điều kiện cấm đoán và khủng bố gắt gao nên cái giá của việc dạy và học ở đây không hề rẻ mà có khi phải trả bằng xương máu thậm chí là cả tính mạng.

 

Thầy Lượng xúc động kể: “ một tên coi tù tên là đại úy Long đã nhiều lần nghiến răng đe dọa tao sẽ cho “gác đảo”( giết chết) tất cả những thằng nào dạy học. Lý do là vì chúng muốn các chiến sĩ cộng sản vào đây hoặc bị tàn phế về thể xác hay què quặt về tinh thần để có sống sót trở về với cách mạng thì cũng trở thành người vô dụng. Còn những người tù cộng sản đã biến nhà lao đế quốc thành trường học cách mạng, nơi tôi luyện ý chí, tiếp tục chiến đấu và chuẩn bị tương lai cho ngày trở về tiếp tục phục vụ cách mạng.

 

Những cuốn sách nhỏ được đóng bằng giấy bìa cát tông ghi chép những tài liệu học tập được những tù nhân cất vào những chỗ an toàn trong người thâm chí nhét vào cả mang tai ngay cả khi bị phát hiện là được nuốt vào bụng. Các chiến sĩ cứ có thời gian rảnh rỗi là say mê học bài ngay tại xà lim hay nơi lao động, học cả khi chui xuống gầm phản để tránh bị địch phát hiện.

 

Có một lần khi bị địch nghi ngờ chúng liền cho khám xét tất cả các tù nhân phát hiện ra một tài liệu được giấu trong áo một tù nhân kết quả là tất cả anh em ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Lại một lần khác khi bị một toán lính soát phòng phát hiện một cuốn tài liệu về triết học nếu không có một đồng chí tên là Duật (Hà Nam) nhận thay thì thầy Lượng cũng đã phải nhận một trận đòn chí mạng. Nhiều giờ giảng chính trị hay triết học biến thành “lớp học máu” khi bị địch phát hiện.

 

Năm 1969, chúng xả súng vào trại giam A5 khi anh em đang học bài. Thế nhưng, chúng không thể dập tắt được phong trào dạy và học của các tù nhân. Thầy Lượng nhớ lại: “ có những lần, cả trại phải tuyệt thực 3 ngày để bảo vệ tôi và anh Trọng “Xồm” (tên thật Nguyễn Quang Thùy – Ninh Bình) do đã đấu tranh vỗ mặt tên chỉ huy trại giam”.

 

Không chỉ dừng ở việc bỏ đói tù nhân, giới cầm quyền nhà lao Phú Quốc còn thẳng tay đàn áp các tù nhân  bằng rất nhiều hình thức tra tấn dã man, đày vào chuồng cọp hay thủ tiêu rồi vất xác ra biển nhầm đè bẹp tinh thần đấu tranh cách mạng của các chiến sĩ. Học phí nơi được coi“trường học đia ngục” quả là phải trả bằng một cái giá không giống với bất cứ một trường học nào. Nhưng những kiến thức, kinh nghiệm sống, tình thầy trò sâu nặng cao hơn nữa là tình đồng đội cao cả và tình yêu dành cho Tổ quốc thiêng liêng thì quả là  không phải ở nơi đâu cũng có được.

 

Rời Sơn Tây vào một chiều mưa lâm thâm, chúng tôi vẫn canh canh bên lòng về câu nói của thầy Lượng khi chia tay chúng tôi: “ Đảng, cách mạng, các đồng đội đã sinh ra tôi lần thứ hai. Thế nên cuộc sống và tính mạng của tôi hiện nay đã thuộc về Đảng, về đồng đội. Tôi cứ canh cánh một món nợ chưa trả xong mà có lẽ không bao giờ trả hết”.


Thụy Anh – Trường Dương

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo