Đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư
Sau hơn 2 năm triển khai Quyết định 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP), số dự án, công trình giao thông đã thực hiện theo hình thức này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Yếu tố quan trọng để có thể đẩy mạnh mô hình đầu tư này chính là tạo hành lang pháp lý phù hợp và cơ chế tài chính rõ ràng, để thu hút các doanh nghiệp tham gia.
Thông thường, đầu tư công của Việt Nam cho lĩnh vực kết cấu hạ tầng tỷ trọng khá lớn (khoảng 40%). Tuy nhiên, hiện nay nếu chỉ trông chờ vào nguồn vốn từ ngân sách thì không đủ để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đô thị hoàn chỉnh. Sức ép này để buộc phải có giải pháp hiệu quả để khai thông nguồn lực, phục vụ phát triển hạ tầng giao thông đô thị của một quốc gia. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, gần như mới chỉ có đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với số vốn khoảng 23.223 tỷ đồng được chấp thuận đầu tư, còn lại khoảng 15 dự án vẫn đang triển khai nghiên cứu. Chính vì vậy, việc thúc đẩy tiến trình triển khai, đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách, khắc phục những bất cập của hành lang pháp lý cho việc thực hiện các dự án theo mô hình hợp tác công – tư là hướng thu hút đầu tư nguồn vốn từ xã hội, có ý nghĩa rất quan trọng.
Vì vậy, các doanh nghiệp ngành giao thông cần tính toán để bảo đảm hiệu quả đầu tư bằng việc chú trọng khoa học công nghệ, và tham gia các dự án với hình thức BOT, PPP trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, Bộ Giao thông - Vận tải Cấn Hồng Lai cho biết, tổng công ty cũng đăng ký với Bộ tham gia một hai gói thầu theo hình thức PPP đối với dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1. Bằng nguồn vốn chủ sở hữu hạn hẹp, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, tổng công ty sẽ tham gia với các chủ đầu tư góp vốn theo hình thức PPP.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế pháp lý, theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, để các dự án hợp tác theo hình thức PPP khả thi, rất cần xây dựng một cơ chế tài chính cụ thể và rõ ràng. Khác với đầu tư Nhà nước, đầu tư công, các dự án PPP đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế, khả năng sinh lời của dự án lên hàng đầu. Vì thế nếu không xác định cụ thể vai trò của Nhà nước và tư nhân trong các dự án này thì sẽ rất khó thực hiện. Cùng với đó là những cải cách về mặt thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát huy nội lực, nâng cao sức cạnh tranh hơn nữa, theo như đề xuất của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng giao thông Phương Thành Phạm Văn Khôi, Bộ Giao thông - Vận tải, Chính phủ làm việc với các nhà tài trợ vốn làm sao có cơ chế chia nhỏ gói thầu, để các nhà thầu Việt Nam tham gia đúng với các nhà thầu chính, đảm bảo tiến độ và thậm chí giá thành giảm hơn.
Hiện tại, đã có nhiều dự án được các bộ, địa phương đề xuất triển khai đầu tư theo mô hình PPP, ước tính sơ bộ sẽ có quy mô 70-80 tỷ USD trong 10 năm tới. Theo kinh nghiệm của một số quốc gia, mô hình PPP là cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân, vì vậy đòi hỏi phải có sự chuyển dịch về quyền lực và trách nhiệm từ cơ quan Nhà nước, chuyển dịch cung cấp dịch vụ cũng như xây dựng giải pháp có tính thị trường vững chắc, trong đó duy trì được tính cạnh tranh qua mỗi giai đoạn của dự án. Đồng thời thông suốt với các chiến lược đầu tư, đảm bảo được nguồn tiền cho dự án, đáp ứng được yêu cầu đầu tư và tăng hiệu quả trong chuyển giao dịch vụ tới doanh nghiệp và người dân. Điều này đòi hỏi chính sách, hệ thống luật pháp và cách thức triển khai hoàn chỉnh để tạo lòng tin cho nhà đầu tư.
Quyết Thắng
Theo ĐBND
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Cột tin quảng cáo